Vụ kiện chia rẽ tình thân
Theo bà Yên, năm 2000 bà và ông Lê Văn Lợi về sống chung cùng với mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Chân (chồng bà Chân là ông Lê Văn Thể đã mất năm 1990). Gia đình bà Chân có 7 người con, sau khi lớn lên đã lập gia thất và ra ở riêng.
Ngày 2/3/2002, bà Chân đã viết di chúc để lại cho vợ chồng bà Yên và ông Lợi được quyền sử dụng thửa đất số 1999, tờ bản đồ số 6, xã Viên Thành mà gia đình đang sử dụng. Di chúc của bà Chân có 2 người làm chứng là bà Đặng Thị Thanh và ông Ngô Văn Sương.
Theo trình bày của bà Yên, sau khi bà Chân mất, ngày 2/2/2007 toàn thể anh em, con cháu con bà Chân đã họp gia đình thống nhất giao quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Yên được thừa hưởng mảnh đất. Tại biên bản cuộc họp có xác nhận của ông Bùi Văn Dần cán bộ Tư pháp xã, ông Nguyễn Thế Thoán cán bộ địa chính xã và xác nhận của ông Nguyễn Hữu Nhàn phó chủ tịch UBND xã.
Cũng từ đó, ông Lợi trở nên “hư tính”, mê rượu chè, rồi đánh đập vợ con khiến cuộc sống gia đình lục đục. “Năm 2010 chồng đánh tôi bị thương tích nặng và bỏ nhà đi từ đó đến nay, không ngó ngàng gì đến các con, thậm chí đứa con đầu của chúng tôi bị bệnh nặng cũng không hỏi thăm chứ chưa nói gì đến trách nhiệm người làm cha”, bà Yên chia sẻ.
Sau khi trở về, ông Lê Văn Lợi cùng với bà Lê Thị Nga, Lê Thị Giới và ông Lê Văn Hòa khởi kiện đòi lại mảnh đất mà mà bà Chân để lại, hiện bà Yên và 3 con đang cư trú, đẩy 3 đứa con vào hoàn cảnh không chốn nương thân.
Ngày 28/7/2017 TAND huyện Yên Thành đưa phiên tòa ra xét xử phiên sơ thẩm vụ đòi nhà đất này. HĐXX nhận định, bản di chúc của bà Chân để lại không có căn cứ để xác định đây là chữ viết, chữ ký của bà Chân. Người làm chứng trong di chúc là anh Sương em trai bà Yên và bà Thanh em dâu bà Chân, những người này khai báo không có sự thống nhất. Như vậy có thể khẳng định giấy di chúc và giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất bà Yên cung cấp là không có trên thực tế, không đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận.
Đối với biên bản thỏa thuận được gia đình lập ngày 2/2/2007 do bà Yên cung cấp, anh em ông Hòa cũng không thừa nhận mà cho rằng bà Yên tự lập nên và mạo chữ ký. Có rất nhiều người ký tên nhưng chính quyền địa phương chỉ xác nhận chữ ký của 3 người là ông Hòa, bà Yên, bà Nhiễu. Vì vậy, giấy thỏa thuận mà bà Yên cung cấp là không hợp lệ. Về nguyên tắc thửa đất bà Yên đang sử dụng là thuộc quyền sử dụng và đứng tên bà Nguyễn Thị Chân trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do đó, Tòa xác định, việc ông Hòa khởi kiện đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất mà bà Yên đang quản lý sử dụng là có cơ sở chấp thuận. Buộc bà Ngô Thị Yên phải giao lại quyền sử dụng 542m2 đất ở thuộc thửa 1999, tờ bản đồ số 6 cho ông Lê Văn Hòa, Lê Văn Thắng, Lê Văn Lợi, Lê Thị Nga , Lê Thị Giới. Cùng với đó, để lại cho mẹ con bà Yên 154m2 đất nhưng với điều kiện bà Yên phải giao lại 382 triệu đồng cho các con bà Chân.
|
Bà Ngô Thị Yên (phải) trao đổi với phóng viên |
Người thừa kế lên tiếng
Không đồng tình với bản án của tòa, ông Lê Văn Thắng (anh trai ông Lợi) đã có đơn kháng cáo và khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Ông Thắng cho rằng, thửa đất trên là của bố mẹ ông để lại; chị gái ông là bà Lê Thị Ngân dù đã mất năm 2005 nhưng các con bà Ngân là người được hưởng phần thừa kế mà bố mẹ ông để lại.
Tuy nhiên, trong quá trình xử TAND Yên Thành đã không hỏi ý kiến của các con bà Ngân; không phân chia tài sản cho những người thừa kế này mà chỉ giao cho Lê Văn Hòa, Lê Văn Thắng, Lê Văn Lợi, Lê Thị Nga, Lê Thị Giới. Đây là quyết định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế không đứng đơn khởi kiện.
Hiện ông Thắng đã có đơn kháng cáo gửi Toà án nhân tỉnh Nghệ An, cho rằng bản án ngày 28/7/2017 của TAND huyện Yên Thành là không khách quan, không đúng pháp luật, bỏ sót người thừa kế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người. Đây là lý do mà TAND tỉnh Nghệ An cần phải xem xét lại bản án này.