Yêu con bằng đòn roi - “quyền lực” khó bỏ của cha mẹ Việt?

(PLO) -Yêu bằng roi vọt – cụm từ này thời gian gần đây bỗng trở nên quen thuộc với một loạt các vụ việc cha mẹ, giáo viên đánh đập trẻ tàn nhẫn, thậm chí gây thương tích nghiêm trọng. Tuy nhiên, những người đánh trẻ thường biện minh cho hành động của mình là “đánh có... giáo dục” mà không ý thức được rằng đây chính là một hình thức bạo lực với trẻ em và vi phạm pháp luật.
Nỗi ám ảnh của những đứa trẻ bị đòn roi được chính trẻ em thể hiện qua bức tranh tham gia cuộc thi “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”
Nỗi ám ảnh của những đứa trẻ bị đòn roi được chính trẻ em thể hiện qua bức tranh tham gia cuộc thi “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”

Vị đắng của “yêu thương”

“Mỗi lần bị đánh, cháu đều hét lớn nhưng mọi người ở ngoài không ai nghe thấy vì bố đóng kín cửa. Khi bị cô nói xấu, bố đóng kín cửa rồi dùng móc áo, guốc đánh vào đầu, mặt. Có hôm đau nhất, cháu bị bố dùng chân đạp vào bụng và mạng sườn”- cháu K. buồn tủi nhớ lại. “Lúc gặp con ở trụ sở công an, tôi không nhận ra nổi cháu, một đứa trẻ gầy đen, ăn mặc nhếch nhác, trên người chi chít sẹo, răng thì gẫy... Tôi chỉ biết ôm con, hai mẹ con cùng khóc” - chị N. nức nở. 

Công an quận Cầu Giấy thông tin, sau khi bỏ trốn về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, cháu K. được đưa tới trung tâm y tế thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu K. bị rạn xương sườn phải ở các vị trí xương số 7, 8, 9. Bên sườn trái cháu T.G.K. cũng bị rạn các vị trí xương số 6, 7 và 8. Tổng cộng cháu T.G.Kh. bị rạn 6 xương sườn. Chưa hết, trên người cháu Kh. có rất nhiều vết thương do những vật cứng gây ra... Đây là những thông tin của vụ việc cháu bé Trần Gia K (9 tuổi) ở Hà Nội bị bố đẻ bạo hành trong suốt thời gian dài vừa được phát hiện đầu tháng 12 này. 

Không chỉ có bố mẹ nhân danh tư cách phụ huynh dạy bảo con mà hành hung trẻ, mà nhiều thầy cô giáo nhân danh “sứ mệnh” trồng người cũng ra tay hết sức tàn nhẫn với học sinh như vụ cô V. giáo viên lớp 2A trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đánh tím chân học sinh. Nguyên nhân là hết giờ ra chơi, cậu bé không kịp chạy vào lớp, bị cô bắt đứng lên bảng trước toàn thể các bạn và dùng thước kẻ 20 cm quật đến gãy thước. Cô tiếp tục dùng thước khác quật liên tục, dù cậu bé gào khóc. Trong lần đó cô giáo đã đánh tổng cộng 11 học sinh và tất cả đều mang trên mình vết thương phồng đỏ, đau nhức...  

Người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đều “nằm lòng” câu nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, càng yêu thương thì càng phải nghiêm khắc dạy dỗ, thậm chí là đánh đập con trẻ không thương tiếc để giúp con nên người. Thế nên, khi tổng kết 10 năm thi hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em vào năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra con số vẫn còn trên 50% trẻ em bị bạo lực tại gia đình và nhà trường. Trong các dạng bạo lực thì trừng phạt thân thể là phổ biến nhất, sau đó là trừng phạt tinh thần.

“Yêu cho roi cho vọt” đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực và thậm chí gây ra những chấn thương tinh thần nặng nề trong cuộc đời một đứa trẻ, kể cả khi đã trưởng thành. Bằng chứng là năm 2015 khi Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children International) tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em” thì có tới hơn nửa bức tranh vẽ gửi tham gia về những ký ức kinh hoàng nhấn mạnh hình ảnh cha mẹ hung tợn hành hung trẻ trong nỗi đau khôn cùng của các em. Cũng tại một cuộc đối thoại về việc chấm dứt các hình phạt thể chất, tinh thần với trẻ em do MSD tổ chức mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy – doanh nhân Giáo dục và truyền thông, trong vai trò một đứa con đã từng bị cha mẹ bạo hành nức nở cho biết: “Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, dù tôi giờ đây đã trưởng thành, thậm chí đã già và đã đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp, nhưng đứa trẻ trong tôi thì mãi tổn thương bởi những đòn roi về thể chất, tinh thần nhận từ cha mẹ mình ngày bé. Tôi mãi mãi không bao giờ quên câu nói độc địa của mẹ tôi: “Biết thế này tao bóp chết mày từ khi còn là hòn máu, sinh ra mày là một sai lầm ”. Tôi không bất hiếu, nhưng cha mẹ vĩnh viễn không bao giờ là chỗ dựa của tôi trên bước đường đời”.

Luật cấm hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ chỉ là phương án cuối cùng?

Nghiêm cấm các hình phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ đó là vấn đề đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đưa vào luật từ rất lâu. Năm 1979, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua đạo luật về chống bạo lực với trẻ em. Theo đạo luật, các hình thức sử dụng bạo lực đều bị nghiêm cấm ở Thụy Điển trong môi trường gia đình cũng như học đường; trẻ em được đối xử công bằng. Mông Cổ là quốc gia đầu tiên ở Châu Á đã đưa ra các điều luật cấm mọi hình thức bạo lực về thể chất và tinh thần đối với trẻ em ở mọi nơi trong hệ thống luật pháp.Trong gần 4 thập kỷ, số lượng các quốc gia có luật cấm hoàn toàn các hình phạt thể chất và tinh thần đã tăng lên. Hiện nay, đã có 52 nước đã chính thức đưa vào luật cấm các hình thức bạo lực đối với trẻ em. 

Ở Việt Nam, liên quan đến khung pháp lý về bảo vệ trẻ em có Luật Trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Giáo dục 2005, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 và Luật Hình sự. Điều 26, Luật trẻ em 2016 ghi rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, không bị bỏ rơi, bỏ mặc, được phát trển an toàn. Tuy nhiên, trong tất cả các luật liên quan đến trẻ em, các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được hiểu đúng mức, chưa được làm rõ ở bất kỳ điều luật nào. 

Theo ông Trần Ban Hùng chuyên gia nghiên cứu độc lập về trẻ em, người đưa khái niệm “kỷ luật tích cực” từ quốc tế về Việt Nam nhấn mạnh: “Trong những lần dạy về kỷ luật tích cực, tôi có nghe các học viên chia sẻ rằng họ đánh mắng học sinh một cách có giáo dục. Vậy ai có thể chỉ ra cho tôi tài liệu quy định đánh mắng có giáo dục? Chúng ta cần phải đưa các điều khoản cụ thể vào luật. Nếu các điều khoản về chống các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em chỉ dừng ở mức quy định thì nó chưa đủ mạnh. Tôi đề xuất nên xử lý nghiêm việc sử dụng các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em theo các Nghị định”.

Tuy nhiên, nói về tính khả thi của việc đưa ra luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, bà Phan Thị Hiền Anh - Phòng Bảo vệ Trẻ em, Cục Trẻ em cho biết: “Đối với Luật Trẻ em 2016, để ra được Luật, Cục trẻ em cũng đã trải qua 2 năm để thay đổi từng câu chữ. Quan niệm truyền thống vẫn xem việc đánh, mắng con là việc gia đình là một trong những khó khăn để thay đổi vấn đề. Có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em: Cấp độ phòng ngừa - Cấp độ hỗ trợ - Cấp độ can thiệp. Do đó, chúng ta nên tập trung vào 2 cấp độ đầu tiên, trước tiên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc đưa các luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ có thể được xem là phương án cuối cùng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần các tài liệu truyền thông và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của công chúng”. 

Đọc thêm