Yêu thương mùa lũ sớm…

(PLO) - Năm nay lũ về sớm hơn cùng kỳ các năm trước. Mới đầu tháng 8, nước nổi đã tràn về mang theo phù sa nặng trĩu, đục ngầu cả cửa sông lẫn cánh đồng. Tại các huyện đầu nguồn của 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, con nước nặng trĩu phù sa đang ào ạt tràn đồng, nghề đánh bắt cá mùa nước nổi lại rộn ràng hơn bao giờ hết.
 Yêu thương mùa lũ sớm…

Mùa nước nổi khiến vạn chài, xóm ấp rộn rã hẳn lên. Cả đêm người dân dường như không ngủ, rộn rịch chuẩn bị ghe xuồng, dụng cụ đánh bắt tôm, cá. Lũ về ào ạt dường như chỉ trong nháy mắt, biến những cánh đồng rộng lớn mênh mông thành biển nước. Một gò đất cao trên bờ kênh Giuộc còn nhô lên khỏi mặt nước được người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ chọn làm nơi cân cá bán cho thương lái, trông như cái chợ lưu động giữa đồng lũ.

Mỗi sáng, hàng trăm ghe lưới, ghe câu từ khắp nơi đổ về chợ gò để cân cá đánh bắt được trong đêm. Đủ các thứ cá, tôm, cá rô, cá trê, lóc, lươn, cua đồng, nhưng nhiều nhất là cá linh. Cá linh- món ăn dân dã của dân nghèo miền Tây nay đã trở thành đặc sản được người thành thị ưa chuộng. Tại chợ nổi giữa đồng, cá linh non được thương lái tại chỗ mua với giá 35.000 đồng/kg; sau đó bán lại cho các thương lái ở những nơi khác với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg. Cũng loại cá này, các bà nội trợ ở Cần Thơ, TP HCM... sẽ phải mua với giá gấp từ 5-7 lần. 

Nước lũ năm nay về sớm, và mực nước cũng cao hơn các năm khoảng 30-50cm. Mùa nước nổi về sớm tất bật kéo theo nhiều nghề “ăn theo” như đan lưới, đan lợp, đóng xuồng... Tại các xóm ấp, trẻ con người lớn rộn ràng người nào việc nấy. “Lũ về bận rộn, vất vả hơn chút đỉnh nhưng thu nhập gia tăng nên ai cũng hào hứng lắm. Sắp nhỏ có quần áo, sách vở mới đến trường; má bọn trẻ cũng dư dả sắm sanh cho chồng, cho bản thân mình vài ba món đồ mới”- người đàn ông đưa bàn tay lấm lem quệt mồ hôi trên trán, cười hiền chia sẻ. Được biết từ hôm có lũ về, trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ 400- 600 ngàn tiền bán tôm, cá mà anh gọi là “lộc trời”.

Lũ về được người dân hào hứng đón chờ trong vui mừng khôn xiết vì nó mang đến cho các gia đình no ấm, hẳn thế rồi. Nhưng còn nhiều hơn thế, với người dân miền Tây từ bao đời nay, lũ đã là một phần máu thịt trong đời sống tinh thần của họ. Mùa nước nổi gắn với những vui buồn dâu bể của đời người. Mùa lũ về cũng là mùa hoa điên điển, mùa bông súng nở làm lãng mạn thêm vùng sông nước. Nhớ mùa lũ năm xưa thơ ấu ta mỏi mắt đợi quà mẹ đi chợ cá đem về, rồi mùa trăng năm ấy ta một mình bơi xuồng băng qua con nước nổi đến nơi hò hẹn, rồi cũng con nước ấy đã chứng kiến biết bao những đau đớn, rụng vỡ… Ơi mùa lũ lên con nước vơi đầy, thương biết mấy cho vừa…

Đọc thêm