“Yêu” trẻ em, cẩn thận với “chiếc còng số 8“

(PLO) - Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp “tình ngay” nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “yêu sớm” với trẻ em. Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông pháp luật Việt Nam) cung cấp tới bạn đọc những thông tin pháp lý cần biết về vấn đề này.
“Yêu” trẻ em, cẩn thận với “chiếc còng số 8“
- Khái niệm trẻ em trong phạm trù luật học được quy định như thế nào, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là người dưới 16 tuổi. 
- Hành vi giao cấu với trẻ em, dù được nạn nhân đồng ý vẫn phạm tội giao cấu với trẻ em. Ông có thể giải thích rõ?
Trước tiên, cần nói rõ hơn là không phải mọi trường hợp giao cấu với trẻ em có yếu tố thuận tình đều bị phạm tội Giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS). Bởi chủ thể của tội phạm này phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi).
Ngoài dấu hiệu chủ thể đặc biệt như trên, tội Giao cấu với trẻ em có các dấu hiệu nhận biết như sau:
- Người bị xâm phạm là người có độ tuổi từ đủ 13 đến chưa đủ 16 tuổi. 
- Hành vi giao cấu phải được sự đồng ý thuận tình của nạn nhân. Nếu hành vi giao cấu có dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…để giao cấu trái ý muốn của nạn nhân hoặc buộc nạn nhân miễn cưỡng phải giao cấu thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS).
 - Vậy còn trường hợp giao cấu thuận tình đối với người chưa đủ 13 tuổi hoặc người đủ 16 tuổi sẽ xử lý thế nào?
Mọi trường hợp giao cấu với người chưa đủ 13 tuổi kể cả có yếu tố thuận tình đều phạm tội hiếp dâm trẻ em.
Trường hợp giao cấu có yếu tố thuận tình đối với người đã đủ 16 tuổi cần phân biệt: Nếu có hành vi mua dâm người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ phạm tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256 BLHS); Nếu có yếu tố thuận tình mà không có hành vi mua dâm thì không  bị coi là tội phạm.
- Dấu hiệu phân biệt tội giao cấu với trẻ em và tội hiếp dâm trẻ em?
Tội hiếp dâm trẻ em có những điểm khác biệt với tội giao cấu với trẻ em như sau:
- Chủ thể tội phạm: người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của trẻ em hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn với trẻ em.
Dùng vũ lực: là dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của trẻ em nhằm đè bẹp sự kháng cự của trẻ em để thực hiện hành vi giao cấu;
Đe dọa dùng vũ lực: là dùng lời nói, cử chỉ, hành động đe dọa sẽ dùng sức mạnh vật chất xâm hại tính mạng, sức khỏe của trẻ em là trẻ em tê liệt ý chí để giao cấu trái ý muốn;
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân: là lợi dụng tình trạng sẵn có của nạn nhân như: bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn bị ngất, bất tỉnh, bị tiêm thuốc ngủ chưa tỉnh, bị tâm thần…không thể chống cự được để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của họ. 
Cần lưu ý trong trường hợp này nạn nhân ở trong tình trạng không thể chống cự được là do ngẫu nhiên, sẵn có chứ không phải là người phạm tội có hành vi đưa nạn nhân vào tình trạng đó mà chỉ lợi dụng tình trạng này.
Dùng thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn trẻ em: là ngoài những thủ đoạn nêu trên, người phạm tội có những hành vi khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng không thể kháng cự như cho uống thuốc mê, thuốc ngủ… để thực hiện hành vi giao cấu.
- Trường hợp có hành vi hiếp dâm người đã đủ 16 tuổi thì xử lý thế nào?
Hành vi hiếp dâm người đã đủ 16 tuổi thì không cấu thành tội hiếp dâm trẻ em mà cấu thành tội hiếp dâm theo Điều 111BLHS
- Dù BLHS đã quy định rõ tội hiếp dâm trẻ em và tội cưỡng dâm trẻ em. Nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là hành vi cưỡng dâm. Ông có thể giải thích rõ? 
Cưỡng dâm tức là dùng thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Sự lệ thuộc của nạn nhân có thể là vật chất, về công việc, về xã hội, tín ngưỡng, tốn giáo… tức là người phạm tội phải có quyền hành nhất định đối với người bị lệ thuộc. 
Người đang ở trong tình trạng quẫn bách tức là đang ở trong tình trạng rất khó khăn mà tự mình khó có thể khắc phục được, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ như thiếu tiền thuốc để chữa bệnh hiểm nghèo… Người rơi vào tình trạng quẫn bách không còn sự sáng suốt lựa chọn một xử sự bình thường như người khác, hoặc như lúc bình thường khác.
Miễn cưỡng giao cấu là trường hợp người lệ thuộc phải cho người phạm tội giao cấu vì không còn con đường nào khác để khắc phục những khó khăn đang gặp phải, mặc dù nạn nhân không muốn điều đó. 
Điểm khác nhau cơ bản giữa tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm ở chỗ: Đối với tội hiếp dâm, thủ đoạn của tội phạm làm cho nạn nhân không thể kháng cự được, nên buộc phải để tội phạm giao cấu trái ý muốn của mình. Còn ở tội cưỡng dâm thì thủ đoạn của người phạm tội lại khiến người bị hại phải miễn cưỡng giao cấu, tức là vẫn còn thời gian để kháng cự, lựa chọn cách xử lý.
-  Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!