Văn Lâm, Hưng Yên: Trưởng thôn “ngang nhiên” dùng giấy có dấu Đảng ủy thu tiền “chôn cất”

(PLO) -Người dân thôn Trai Túc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên bày tỏ bức xúc vì trưởng thôn, kiêm bí thư chi bộ Tôn Quang Bậu không minh bạch trong việc “bán” các phần mộ cải táng cho cá nhân. Nghiêm trọng hơn, cán bộ thôn này còn dùng cả giấy có con dấu của Đảng ủy xã làm giấy biên nhận và phiếu thu có dấu đỏ của UBND xã để thu tiền “chôn cất”. 
Phiếu thu tiền của các cá nhân mua mộ cải táng, an táng tại thôn Trai Túc
Phiếu thu tiền của các cá nhân mua mộ cải táng, an táng tại thôn Trai Túc

Có dấu hiệu lạm quyền?

Báo PLVN nhận được Đơn tố cáo của người dân Thôn Trai Túc, xã Trưng Trắc tố cáo rất nhiều sai phạm của ông Tôn Quang Bậu trong suốt thời gian dài khi ông này làm trưởng thôn, kiêm bí thư chi bộ. 

Cụ thể, theo nội dung đơn, năm 2008, nhân dân thôn Trai Túc được UBND xã Trưng Trắc giao diện tích đất khoảng 3000m2 nhằm mục đích quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn. Ngay khi có quy hoạch mỗi hộ tại thôn Trai Túc được huy động đóng góp 100.000 đồng để phục vụ cho việc xây dựng tường bao và đường bê-tông đi vào nghĩa trang.

Khi đó, UBND xã Trưng Trắc đã cấp cho thôn Trai Túc 20 triệu đồng để xây dựng các ngôi mộ cải táng. Tuy nhiên, ngay sau đó, cán bộ thôn đã bán những phần đất cải táng này mà không hề họp bàn, thông báo cho người dân thôn trong thôn được biết.  

Ông Nguyễn Văn Chiến (thôn Trai Túc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm) – Đại diện nhân dân thôn Trai Túc, vô cùng bất bình: “Ông Bậu đã tự ý bán các phần mộ cải táng cho các cá nhân trong khi người dân chúng tôi không hề được họp bàn. Việc ông ấy bán cho ai, như thế nào, số tiền bao nhiêu, tiền đấy được sử dụng vào việc thu chi nào người dân thôn Trai Túc chúng tôi không một lần được họp bàn và thông báo”.

Cũng theo tố cáo của người dân, ông Bậu đã thu tiền của hàng chục ngôi mộ cải táng cho nhiều cá nhân với giá giao động từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/ xuất. Giá bán của các ngôi mộ này tùy thuộc vào vị trí xa, gần được coi là xấu hay đẹp của chúng.

Đối với các cá nhân có hộ khẩu tại thôn Trai Túc nhưng đi làm ăn, sinh sống tại ở tỉnh thành khác hoặc những người có quan hệ họ hàng với họ khi muốn được về chôn cất tại thôn Trai Túc mỗi cá nhân phải nộp 10 triệu đồng cho một ngôi mộ an táng. 

Giấy biên nhận do trưởng thôn Tôn Quang Bậu và ban lãnh đạo thô kí nhận cho người dân mua mộ cải táng, an táng có dấu của thường vụ Đảng ủy
Giấy biên nhận do trưởng thôn Tôn Quang Bậu và ban lãnh đạo thô kí nhận cho người dân mua mộ cải táng, an táng có dấu của thường vụ Đảng ủy

Việc làm này của ông Bậu đã diễn ra gần 5 năm nay với hàng chục ngôi mộ cải táng, an táng  được bán theo hình thức như vậy. Ước tính số tiền ông Bậu thu lên tới con số hàng trăm triệu đồng. Nhưng ngược đời rằng, người dân thôn Trai Túc lại không hề hay biết số tiền đó đã được chi tiêu và sử dụng vào mục đích, công việc gì? Liệu số tiền lớn đó đã được sử dụng đúng mục đích? Có dấu hiệu tham nhũng hay không?

Nghiêm trọng hơn, không chỉ mờ ám, thiếu minh bạch trong việc bán và sử dụng tiền trong việc bán các ngôi mộ cải táng tại thôn Trai Túc, ông Bậu còn ngang nhiên sử dụng giấy có con dấu của Đảng ủy xã làm giấy biên nhận thu trước tiền chôn cất và tiền mộ đã xây. Việc làm sai trái này của ông Bậu đã khiến người dân thôn Trai Túc vô cùng phẫn nộ. 

Ông Nguyễn Quang Hiến (thôn Trai Túc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm) bức xúc hỏi rằng: “Cán bộ thôn đã dùng con dấu giả hay ăn cắp của Thường vụ Đảng ủy xã để đóng giáp lai nhằm nâng phần oai phong và đánh lừa người dân. Nguyên tắc đảng, nguyên tắc sử dụng con dấu đâu cho phép làm như vậy”.

Xé nhầm sổ ghi chép?

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Câu chuyện pháp luật đã có buổi làm việc với ông Đỗ Thế Phả - Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc. Tuy nhiên trước những vấn đề phóng viên phản ánh vị Chủ tịch này đã có những câu trả lời chưa thực sự thỏa đáng. 

Đối với việc ông Bậu sử dụng giấy tờ có con dấu Đảng ủy xã Trưng Trắc trong giấy biên nhận thu trước tiền chôn cất trước và bán mộ cải táng cho người dân, ông Phả giải thích một cách thiếu sức thuyết phục: “Cái này chúng tôi đã làm việc với Thường vụ Đảng ủy và đây là thiếu sót của Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn ông Tôn Quang Bậu. 

Theo như ông Bậu đây là sổ ghi chép họp hành có dấu của Đảng ủy thời xưa để theo dõi. Ông này do cẩu thả nghĩ là quyển sổ hết từ mấy năm trước rồi mới xé ra làm giấy biên nhận”. 

Theo vị Chủ tịch này, cuốn sổ có dấu của Thường vụ Đảng ủy là sổ hàng năm thường trực Đảng ủy, hoặc mỗi khóa cấp cho các đảng viên ghi chép các công việc họp Chi bộ để theo dõi(!?).

Ngoài ra việc trưởng thôn Tôn Quang Bậu bán các phần mộ cải táng, mộ dài tại nghĩa trang nhân dân thôn Trai Túc mà không có thông báo và công khai minh bạch từ việc thu, chi ông Đỗ Thế Phả thông tin rằng: “Toàn bộ số tiền bán mộ cải táng, số tiền nhân dân đóng góp được tập trung xây dựng kiến thiết, đường xá,một phần kinh phí xã hội hóa... Và toàn bộ việc này giao cho thôn quản lý và xã chỉ quản lý việc xây dựng theo quy hoạch”.

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc liệu UBND xã Trưng Trắc đã giải quyết như thế nào về những tố cáo về chi thu của người dân thôn Trai Túc, ông Đỗ Thế Phả cho biết, đã xác minh nhưng giao cho các cán bộ thôn trực tiếp báo cáo với Chi bộ và thông báo với người dân. 

Giấy biên nhận do trưởng thôn Tôn Quang Bậu và ban lãnh đạo thô kí nhận cho người dân mua mộ cải táng, an táng có dấu của thường vụ Đảng ủy
Giấy biên nhận do trưởng thôn Tôn Quang Bậu và ban lãnh đạo thô kí nhận cho người dân mua mộ cải táng, an táng có dấu của thường vụ Đảng ủy

“Chúng tôi làm theo Pháp lệnh 34 (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:  Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn – PV), lãnh đạo thôn sẽ làm việc với người tố cáo với Chi bộ. Vì đây là do dân cử dân bàn thì lãnh đạo có trách nhiệm báo cáo trước chi bộ trước nhân dân công khai thu chi như thế nào? Chúng tôi đã làm rồi và Chi bộ đã thông qua. Và trong tháng này lãnh đạo thôn báo cáo trước dân. Nếu dân không đồng ý thì sẽ tiếp tục ý kiến lên xã lên huyện”, ông Đỗ Thế Phả cho hay. 

Trước đó ngày 16/11 UBND xã Trưng Trắc đã tổ chức đối thoại, trả lời đơn thư tố cáo của người dân thôn Trai Túc nhưng điều ô lý rằng lãnh đạo xã không hề cung cấp những nội dung giải quyết cho người dân bằng văn bản mặc dù đại diện thôn Trai Túc yêu cầu. Trực tiếp ông Phả cũng xác nhận rằng buổi giải quyết đơn thu  tố cáo đó chỉ “chỉ đọc cho người dân nghe” và không cung cấp văn bản.

Phóng viên PLVN cũng đã yêu cầu được tiếp cận văn bản mà UBND xã Trưng Trắc đã trả lời, làm việc với người dân thôn Trai Túc nhưng cũng bị từ chối. Lý do được ông Đỗ Thế Phả đưa ra rằng, “Chúng tôi đang chịu sự quản lý cấp huyện nên phải báo cáo, phải theo cơ quan ngành dọc. Kết quả, kết luận thanh tra, giải quyết kiến nghị của dân phải báo cáo lên trên theo quy trình của chúng tôi, phải chờ chỉ đạo nên không cung cấp được” (!?). 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. 

Đọc thêm