Bạc Liêu: Doanh nghiệp bị 'lật kèo'

(PLO) - Một dự án được thai nghén và sinh ra trong lúc giao thời. Chính sự giao thời của vai trò quản lý nhà nước mà 23 năm trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thành. Trong đó, mười ba năm khiếu nại làm chủ đầu tư... phá sản.
Dự án của Cty Tài Lộc nay được Cty Phước Vinh xây dựng mặc dầu chưa giải quyết xong khiếu nại
Dự án của Cty Tài Lộc nay được Cty Phước Vinh xây dựng mặc dầu chưa giải quyết xong khiếu nại

Tách tỉnh, UBND huyện “lật kèo” doanh nghiệp

Năm 1994, ông Tạ Minh Phú - Chủ tịch UBND huyện Giá Rai (tỉnh Minh Hải) đề xuất UBND tỉnh Minh Hải cho xây dựng lại chợ thị trấn Hộ Phòng nhưng do ngân sách eo hẹp nên đề xuất bị lãng quên. 

Trước tình hình đó, ông Phú kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng chợ mới với phương thức: Đổi đất lấy hạ tầng. Cty TNHH Tài Lộc (địa chỉ tại 17 đường 17, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM) đã đầu tư theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương. UBND tỉnh Minh Hải hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho DN triển khai dự án, nhờ vậy dự án được triển khai nhanh chóng. Đến năm 1997, chợ mới được đưa vào khai thác, nhưng cũng đúng thời điểm này Cty Tài Lộc bắt đầu “chết” do tỉnh Minh Hải tách ra thành tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hiện nay.  

Huyện Giá Rai chuyển về tỉnh Bạc Liêu, ông Phú tiếp tục làm Chủ tịch huyện đến năm 1999 thì ông Nguyễn Vũ lên thay ông Phú. Ông Vũ ngăn cản không cho Cty Tài Lộc thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án. Việc ngăn cản này đã được Báo PLVN phản ánh qua loạt bài “Ông Chủ tịch huyện Giá Rai bị tố cáo” ngày 6/7/2005, tiếp đó bài: “UBND huyện Giá Rai “chơi gác” doanh nghiệp”... Vì sao gọi là “chơi gác”?.  Theo phương châm hợp tác “đổi đất lấy hạ tầng”, ngày 1/9/1995 UBND huyện Giá Rai ký hợp đồng kinh tế với Cty TNHH Việt Úc (tiền thân của Cty Tài Lộc), theo đó UBND huyện giao cho Cty Việt Úc 44.500m2 đất để Cty Việt Úc đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, nhà lồng chợ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện...

Đổi lại, Cty Việt Úc sẽ nhận 18.695m2 đất.  Sau 3 năm thực hiện, Cty Việt Úc đã đầu tư hơn 4,6 tỷ đồng để giai đoạn I hoàn thành. Giai đoạn này đã được hai bên quyết toán theo hợp đồng nhưng UBND huyện Giá Rai còn thiếu Cty Việt Úc hơn 6.504m2 đất. Ngày 7/8/1999 ông Nguyễn Vũ-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban dự án ký tiếp văn bản với Cty Việt Úc thực hiện tiếp giai đoạn II Dự án Chợ mới Hộ Phòng. Theo văn bản, tổng vốn đầu tư giai đoạn II là 739,5 triệu đồng. Cty Việt Úc sẽ được hoàn lại 5.712m2 đất và 141,4 triệu tiền thuế. Sau khi hai bên ký kết văn bản, Cty Việt Úc đã chuyển cho Ban quản lý Dự án 80 triệu để bồi hoàn cho dân.

Tiền thì huyện đã nhận nhưng... không giao đất cho Cty Việt Úc thực hiện như cam kết. Cty Việt Úc khiếu nại nhưng UBND huyện im lặng lạnh lùng kiểu “sống chết mặc bay”?! Cty Việt Úc làm đơn kêu cứu đến UBND tỉnh Bạc Liêu. Ngày 4/11/2004 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bế chỉ đạo: “Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Giá Rai tiến hành thương thảo để giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong hợp đồng thực hiện dự án với nhà đầu tư đã thỏa thuận trước đây, theo qui định của pháp luật và báo cáo kết quả trước ngày 20/11 /2004”.

UBND huyện Giá Rai bội tín và phạm luật? 

Mười ba năm trôi qua, chỉ đạo này hiện nay ra sao? Chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh bị Chủ tịch huyện Giá Rai phớt lờ. Cty Tài Lộc “kiên trì”  kêu cứu, khiếu nại 13 năm trời nhưng hậu quả chỉ là những công văn chỉ đạo, trả lời kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến doanh nghiệp lâm vào nợ nần, phá sản. Cụ thể, ngày 23/8/2005 UBND huyện Giá Rai ra Thông báo số 81/UB trả lời đơn khiếu nại của Cty Tài Lộc như sau: “Biên bản ngày 7/8/1999 không phải là hợp đồng kinh tế vì nội dung biên bản này không nằm trong qui hoạch được duyệt nên không thể thực hiện được”.

Ông Tạ Minh Phú - Nguyên Chủ tịch huyện Giá Rai - ông Phú làm Chủ tịch huyện này 3 nhiệm kỳ, dự án này nằm trọn trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông. Vì là người tâm huyết, khai sinh ra dự án nên ông bức xúc nói: “ Với vai trò quản lý nhà nước mà trả lời với dân như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm đến mức bội tín với nhân dân. UBND huyện ký kết văn bản để thực hiện giai đoạn 2 của dự án rồi 6 năm sau trả lời với dân là dự án đó không nằm trong qui hoạch được duyệt thì quá...vô tâm! Trách nhiệm của vai trò quản lý nhà nước nằm ở đâu? Cụ thể là người ký văn bản, nếu nằm ngoài qui hoạch thì tại sao anh ký? Tại sao UBND huyện nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư mà không tiếp tục thực hiện những cam kết tiếp theo... ”.  

Dự án xây dựng Chợ mới Hộ phòng của Cty Tài Lộc đang thực hiện dở dang thì nay được UBND huyện Giá Rai đổi thành “Dự án khu nhà ở thương mại và chợ trung tâm Hộ Phòng”. Dự án này được giao cho chủ đầu tư mới là Cty TNHH Xây dựng-Dịch vụ-Thương mại Phước Vinh (Văn phòng đại diện tại thị trấn Hộ Phòng). Khi giao dự án của Cty Tài Lộc cho Cty Phước Vinh thì UBND huyện Giá Rai không hề thông báo hay thương thuyết bồi thường những gì Tài Lộc đã đầu tư trên diện tích đất thuộc dự án.

Thậm chí UBND huyện không cần đứng ra làm trọng tài cho Tài Lộc và Phước Vinh gặp nhau để thỏa thuận chuyển giao dự án. Còn diện tích đất của Tài Lộc được đổi từ thành quả xây dựng hạ tầng cơ sở giai đoạn I thì sao? Ngày 29/4/2014 UBND huyện Giá Rai ra Quyết định 1551/QĐ-UB về việc công bố mức giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Cty Tài Lộc bị ảnh hưởng do Dự án xây dựng khu nhà ở thương mại và chợ trung tâm Hộ Phòng với số tiền bồi thường hỗ trợ về đất 673 triệu đồng. Hỗ trợ tài sản trên đất, chính sách hỗ trợ, nghĩa vụ nộp ngân sách: 0 đồng.

Điều đáng lưu ý là quyết định phê duyệt giá đất bồi thường và quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho Cty Tài Lộc được ký cùng ngày 23/4/2014. UBND huyện Giá Rai bị dư luận nghi ngờ, khuất tất về hành vi ban hành văn bản qui phạm pháp luật. Quyết định phê duyệt giá đất, phê duyệt phương án bồi thường cho Cty Tài Lộc được ký và ban hành trước (23/4/2014) quyết định công bố giá bồi thường cho Cty Tài Lộc (29/4/2014)? Bằng những văn bản này, UBND huyện Giá Rai buộc Tài Lộc phải nhận tiền bồi thường mà mức giá do UBND định đoạt sau.

UBND thị xã Giá Rai né tránh trách nhiệm? 

Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp giữa Cty Tài Lộc và UBND huyện Giá Rai, trong khi UBND huyện Giá Rai giải quyết không thỏa đáng thì Cty Tài Lộc gởi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh. Ngày 22/10/2014, Thanh tra tỉnh đã kết luận vụ việc và kiến nghị: Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Giá Rai mời ông Nguyễn Hoài Hận để thương lượng. Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận thì ông Hận có quyền khởi kiện UBND huyện Giá Rai tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ngày 8/12/2014 UBND tỉnh Bạc Liêu có Công văn 2551/VP-NCPC giao UBND huyện Giá Rai giải quyết dứt điểm vụ việc theo kiến nghị của Thanh tra. Ngày 14/9/2015 UBND tỉnh Bạc Liêu có Công văn 1965/VP-KT chỉ đạo UBND huyện Giá Rai một lần nữa với nội dung như trên.

Thế nhưng UBND huyện Giá Rai (nay là TX Giá Rai) mời ông Hận lên rất nhiều lần để làm việc. Nội dung chính của những buổi làm việc hoàn toàn không đả động gì đến việc thỏa thuận bồi hoàn thiệt hại cho Cty Tài Lộc như kiến nghị của Thanh tra tỉnh? Ngày 22/7/2016 UBND thị xã Giá Rai có Công văn số 363/UBND trả lời ông Hận như sau: “UBND thị xã Giá Rai không thụ lý giải quyết khiếu nại Cty TNHH TM-DL Tài Lộc nên không ban hành văn bản giải quyết khiếu nại là đúng theo qui định của pháp luật”. 

Luật sư Hà Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ bình luận: “Rõ ràng UBND TX Giá Rai tránh né trách nhiệm của mình, vụ việc khiếu nại của Cty Tài Lộc kéo dài 13 năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo ban hành nhiều văn bản để giải quyết nhưng không dứt điểm vụ việc. Kết luận thanh tra đã rõ ràng, chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh nhưng UBND TX Giá Rai không giải quyết khiếu nại bằng một  quyết định hành chánh mà né tránh như trên là thiếu trách nhiệm, gây khiếu kiện kéo dài”.

Cty Tài Lộc đang kêu cứu lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu. Báo PLVN sẽ theo dõi tiếp vụ việc.

Đọc thêm