Thay vì tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, ngày 25/7/2014, UBND tỉnh quyết định… thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lí do "Doanh nghiệp không chịu triển khai dự án".
Mười năm, bốn lần thay đổi quy hoạch
Là những người con của tỉnh Bắc Giang làm ăn xa quê, sau gần 20 năm định cư tại Ba Lan, vào đầu những năm 2000, vợ chồng bà Nguyễn Thị Làn (có địa chỉ tại thôn Chùa, xã Xương Giang, TP.Bắc Giang) trở về nước, lập ra DNTN Hoàng Lan, dồn vốn liếng kinh doanh. Khi biết UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch chi tiết Công viên trung tâm thị xã Bắc Giang (nay là công viên Hoàng Hoa Thám) với diện tích 36,59 ha và Quy hoạch chi tiết tiểu khu dân cư và khu dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí quanh công viên, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, DNTN Hoàng Lan xin được đầu tư dự án vào đây nhằm mục đích xây dựng quê hương.
Chờ đợi một thời gian, cuối cùng DN Hoàng Lan được UBND tỉnh chấp thuận cho phép đầu tư dự án “Khu dịch vụ thương mại - Ẩm thực – văn hóa thể thao và vui chơi giải trí” thuộc quy hoạch chi tiết tiểu khu dân cư quanh công viên trung tâm thị xã Bắc Giang với diện tích khoảng 36,200 m².
Trong khi DN đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ thuê đất để trình lên UBND tỉnh phê duyệt, hơn một năm sau, ngày 17/02/2006, UBND TP.Bắc Giang ban hành Quyết định mới về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên trung tâm TP, tăng diện tích từ 36,59 ha lên 43,15 ha; theo đó, toàn bộ diện tích đất dự án đang là đất dịch vụ thương mại bị gom vào thành đất công viên. Điều này đã phá vỡ toàn bộ kết cấu xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án bởi mật độ xây dựng bị kéo giảm xuống chỉ còn 8,8%.
Không đồng ý sự điều chỉnh vô lý như vậy, DN ngay sau đó có đơn kiến nghị nhưng cũng phải mất 3 năm sau, đến ngày 13/4/2009, UBND TP.Bắc Giang mới ban hành Quyết định số 496/ QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu Công viên trung tâm TP.Bắc Giang (tỉ lệ 1/500). Quyết định này ít nhiều nhận được sự đồng thuận của DN đầu tư khi cho phép tăng mật độ xây dựng từ 8,8% lên 11,9%. DN tiếp tục xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 1 và được UBND tỉnh Bắc Giang cấp vào ngày 1/9/2009 (trước đó UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 04/02/2008, cấp GCNQSDĐ vào ngày 19/8/2008 với thời hạn sử dụng đến 01/2057).
Theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp thì DN phải triển khai xây dựng "Khu dịch vụ thương mại - Ẩm thực - Văn hoá thể thao và vui chơi giải trí" theo đúng Quyết định số 21 và Quyết định số 496 của UBND TP Bắc Giang. Vậy là phải mất 5 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, DN mới có Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 cho phù hợp với các bản Quy hoạch của UBND tỉnh.
Nhưng hai năm sau, trong khi đang chờ xin giấy phép xây dựng thì ngày 18/11/2011, UBND TP.Bắc Giang tiếp tục ban hành Quyết định số 3425/ QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch (lần thứ 3) chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) Công viên Hoàng Hoa Thám. Theo Quyết định này, điều chỉnh giảm diện tích Công viên từ 43,15 ha xuống còn 39,07 ha. Phần diện tích đất dôi ra (4,08 ha) sẽ được chuyển từ đất công viên sang đất kinh doanh dịch vụ để giao cho các DN có dự án đã được phê duyệt. DN Hoàng Lan kịch liệt phản đối bởi nếu theo Quyết định số 3425/ QĐ-UBND thì không thể triển khai dự án theo Quyết định số 496/ QĐ-UBND đã được ghi rõ trong Giấy chứng nhận đầu tư được.
|
Một góc công viên Hoàng Hoa Thám (TP.Bắc Giang) |
Tính đến thời điểm năm 2010, số tiền mà DN Hoàng Lan đã phải bỏ ra là trên 11,6 tỷ đồng chi trả cho việc thuê đất, hỗ trợ dân cư, tôn tạo đất đai, san lấp mặt bằng và thay đổi 3 lần thiết kế, kể cả việc phải tạm dừng lại do Ban quản lý dự án cắm nhầm chỉ giới... cũng chỉ để thực hiện theo Quyết định 496/QĐ-UBND và Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.
Nhưng vì UBND TP Bắc Giang bất ngờ ban hành Quyết định số 3425/QĐ-UBND khiến dự án buộc phải tạm ngừng lại để DN còn phải “chạy” đi khắp các “cửa” chỉ để yêu cầu UBND thành phố Bắc Giang huỷ bỏ Quyết định 3425/ QĐ-UBND và đồng ý cho thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư.
Ngày 26/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải ký ban hành thông báo số 46/TB-UBND, trong đó cho DN Hoàng Lan lựa chọn 3 phương án. Phương án một, cho phép thực hiện đầu tư kinh doanh các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ và văn hoá thể thao phù hợp với chức năng, công năng của Công viên; không kinh doanh nhà hàng ăn uống, ẩm thực tại đây. Phương án hai, nếu đồng ý chuyển địa điểm thực hiện dự án thì sẽ bố trí cho một phần diện tích đất khác ngay sát Công viên đã được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ. Phương án cuối cùng là, nếu không thực hiện dự án thì trả lại đất cho Nhà nước, và UBND tỉnh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
DN Hoàng Lan ngay lập tức gửi công văn không đồng ý với bất cứ phương án nào của UBND tỉnh Bắc Giang đưa ra. Vì: "Chấp thuận thực hiện Dự án theo Quyết định 496 của UBND tỉnh Bắc Giang chúng tôi thiệt thòi rất nhiều. Hơn nữa, Giấy chứng nhận đầu tư dự án được cấp trên cơ sở bản Quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định 496. Chúng tôi chỉ đề nghị thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại không được chấp thuận. Đây là nguyên nhân chính khiến cho Dự án không thể triển khai theo đúng tiến độ", bà Nguyễn Thị Làn- Giám đốc DN Hoàng Lan - cho biết.
Không lắng nghe hết ý kiến, nguyện vọng của DN, đúng 3 tháng sau, ngày 25/6/2014, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 379/ QĐ-UBND chấm dứt hoạt động dự án "Khu dịch vụ thương mại - Ẩm thực - Văn hoá thể thao và vui chơi giải trí" của DN Hoàng Lan, một tháng sau thì thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lí do DN không triển khai dự án, mặc dù trước đó DN đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 379/ QĐ-UBND nhưng không có hồi âm từ phía UBND tỉnh.
Có thể thấy thật khó để một nhà đầu tư nào có thể xoay xở kịp khi cứ vừa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo Quy hoạch hiện có thì lại bị Quy hoạch mới đè lên phá vỡ. Điều này được chính ông Lại Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - kết luận tại cuộc họp ngày 14/3/2012 với các sở, ban ngành khi khẳng định "việc điều chỉnh Quy hoạch nhiều lần đã ảnh hưởng tới DN".
Bên cạnh đó, việc thay đổi Quy hoạch quá nhiều lần như thế còn đặt các nhà đầu tư vào trạng thái hoang mang, bất ổn và tốn kém chi phí vô cùng lớn; trong khi, công tác quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, mang tính ổn định; việc điều chỉnh chỉ được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Kêu gọi DN về đầu tư để phát triển kinh tế nhưng việc chính quyền tỉnh Bắc Giang, TP.Bắc Giang - bằng các Quyết định hành chính - đã “xoay” DN như “chong chóng” khiến bao mồ hôi, tài sản, trí tuệ của những người con xa quê hương trở về Tổ quốc làm ăn sinh sống đổ xuống sông xuống biển.
“Chúng tôi là những Việt kiều, trở về quê hương đầu tư với mong muốn đóng góp một phần nào đó công sức của mình để tỉnh nhà ngày một giàu đẹp hơn. Vậy mà không hiểu vì sao tỉnh Bắc Giang lại có kiểu làm việc tuỳ tiện, bất chấp các quy định của pháp luật như vậy? Làm sao chúng tôi trở tay kịp khi chỉ trong vòng có 8 năm (từ 2003 đến 2011), hết tỉnh cho đến thành phố điều chỉnh quy hoạch tới 4 lần như vậy?”, chủ DN Hoàng Lan thở dài. Với cách đối xử như vậy, liệu còn ai muốn về Bắc Giang bỏ vốn đầu tư?