1001 chuyện ngành thẩm mỹ: Du lịch y tế Thái Lan: Sự thực có luôn như quảng cáo?

(PLVN) - Thái Lan lâu nay được xem là một điểm đến hấp dẫn của những người nước ngoài muốn vừa đi du lịch vừa tranh thủ phẫu thuật thẩm mỹ với giá rẻ hơn khá nhiều so với trong nước. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng hài lòng với lựa chọn của mình.
Du lịch y tế đang là ngành hot của Thái Lan.

Trải nghiệm du lịch y tế nhớ đời

Khi một phụ nữ người Anh tên Joy Williams đến Phòng khám SP ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 10/2014, chắc hẳn cô ấy đã tin rằng mình sắp trải qua một ca phẫu thuật thẩm mỹ với giá cả rất hợp lý tại một cơ sở hiện đại đã được nhiều bệnh nhân từ nước ngoài sử dụng hết lời ca ngợi. Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn của Joy, vết thương của cô sau ca phẫu thuật khá đơn giản lại bị nhiễm trùng. Tệ hơn, cô gái trẻ đã chết vì được gây mê khi phòng khám cố gắng tìm cách khắc phục biến chứng của ca phẫu thuật. 

Bác sĩ làm phẫu thuật cho Joy tên Sompob Sansiri sau đó đã bị buộc tội vô ý gây ra cái chết cho cô và Phòng khám SP cũng đã bị buộc phải đóng cửa. Đến lúc này, những người từng đến phẫu thuật tại phòng khám này mới hú hồn khi phát hiện ra rằng Sompob Sansiri thực chất không được cấp phép để tiến hành phẫu thuật.

Tương tự, năm 2015, người phụ nữ trẻ Casey Lee sau khi nghiên cứu kỹ càng cũng đã quyết định sang Thái Lan để phẫu thuật nâng ngực và thực hiện một số thủ thuật vùng bụng - những thủ thuật có giá lên tới 50.000 USD nếu được thực hiện ở Australia. Tại Thái Lan, mức giá mà cô phải trả chỉ là 16.000 USD. Thế nhưng, mọi việc không hề như dự tính của Lee. 

Một bệnh viện lớn ở Bangkok chuyên đón khách du lịch y tế. 

Hơn 2 năm sau ca phẫu thuật, cô gái trẻ vẫn không ngừng bị ám ảnh vì những vết sẹo khủng khiếp, núm vú có kích thước khác nhau, những bộ phận cấy ghép đã được đưa ra khỏi cơ thể để tránh hậu quả nặng nề hơn. 

Joy Williams và Casey Lee nằm trong số hàng nghìn người nước ngoài đến Thái Lan mỗi năm để phẫu thuật thẩm mỹ. Nước này hiện là một trong những điểm đến phổ biến nhất cho những người muốn thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ với chi phí thấp. 

Tiến sĩ Apirag Chuangsuwanich - Chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật tái tạo và tạo hình Thái Lan - cho rằng có nhiều yếu tố đã khiến Thái Lan trở thành trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới. “Trước hết là chất lượng của dịch vụ, thực tế là chúng tôi có các bệnh viện tốt được kiểm định quốc tế và chi phí ở Thái Lan rất cạnh tranh”, ông này nói. Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân rời Thái Lan đều rất hài lòng với kết quả phẫu thuật của họ. 

“Đảm bảo sự hài lòng?

Có điều, đó là trong trường hợp ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Còn chuyện gì sẽ xảy ra khi có sự cố? Năm 2010, cô Helena Grace quyết định thay đổi hình dạng mũi của mình. “Tôi đã xem quảng cáo của một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất Bangkok. Họ đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng”, Grace kể lại.

Chuẩn bị sẵn mô tả về chiếc mũi mà mình mong muốn, cô gái trẻ đã đến bệnh viện để được tư vấn. Trước sự ngạc nhiên của Grace, cô được làm phẫu thuật chỉ 4 giờ sau đó. “Khi tôi tỉnh dậy, tôi biết ngay rằng có điều gì đó không ổn”, cô nhớ lại. Grace đã báo cho bác sĩ của mình nhưng người này khăng khăng với cô rằng mọi thứ đều ổn và cô nên đợi vài ngày để mũi lành lại.

Song, hình dạng chiếc mũi của Grace cuối cùng rất khác so với những gì cô đã được hứa hẹn. Điều đáng lo ngại hơn là cô cũng nhận thấy rằng mình không còn có thể thở một cách dễ dàng bằng một lỗ mũi. Grace đã tham khảo ý kiến của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khác, thậm chí còn đến Mỹ để có ý kiến một cách khách quan hơn.

Một người mẫu Thái Lan đăng hình ảnh công khai gương mặt bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ.  

Kết quả là, tất cả đều nói với cô rằng ca phẫu thuật nâng mũi của cô đã bị hỏng, rằng cô sẽ cần một ca phẫu thuật khác rất tốn kém để sửa chữa lại chiếc mũi, thậm chí kết quả sau đó cũng không thể được đảm bảo.

Còn bệnh viện nơi cô phẫu thuật đã từ chối thanh toán chi phí phẫu thuật chỉnh sửa mà chỉ hoàn trả lại số tiền mà cô đã trả cho ca phẫu thuật ban đầu. Không đồng tình với cách giải quyết này, Grace đã dành tới 4 năm để đấu tranh đòi bồi thường tại Tòa án dân sự Thái Lan.

Theo thống kê mà Grace đưa ra, cô đã tham dự khoảng 50 phiên điều trần. Song, thẩm phán đã bác bỏ khiếu nại của cô với lý do thiếu bằng chứng về sự cẩu thả cũng như thiệt hại do ca phẫu thuật gây ra.

Rất hiếm khi các bệnh viện ở Thái Lan bị kiện thành công vì sơ suất y tế và càng hiếm hơn để tòa án tuyên buộc những cơ sở này phải bồi thường thiệt hại đáng kể cho các bệnh nhân. Điều này giải thích tại sao các bác sĩ ở Thái Lan trả tiền bảo hiểm ít hơn nhiều so với ở châu Âu hay Mỹ cũng như lý do tại sao chi phí y tế ở đây lại thấp hơn nhiều. 

Thụ tinh trong ống nghiệm là lựa chọn của nhiều cặp hiếm muộn sang du lịch y tế ở Thái Lan.  

Ông James Goldberg phát hiện ra điều này khi con trai ông Joshua đột ngột qua đời vào tháng 2/2006 sau khi điều trị vết thương ở chân tại Bumrungrad - bệnh viện được đánh giá là thành công nhất trong việc tiếp thị họ như một cơ sở du lịch chữa bệnh đáng tin cậy ở Thái Lan. Ông Goldberg đã có được các phác đồ điều trị của bệnh viện và nhờ các nhà bệnh lý học pháp y ở Mỹ kiểm tra chúng. Ông tin rằng con trai mình đã bị chết do được kê cho sử dụng quá nhiều loại thuốc khác nhau.

Tuy nhiên, Bệnh viện Bumrungrad đã phủ nhận mọi sơ suất. Còn ông Goldberg khẳng định những lo ngại của ông chưa bao giờ được cảnh sát Thái Lan điều tra chính xác. “Nếu bạn muốn thực hiện một hành động pháp lý cá nhân ở Thái Lan, bạn phải trả tiền trước cho các luật sư và có rất ít cơ hội thắng”, ông cho hay. 

Bên cạnh đó, theo Bumrungrad, cảnh sát có ít chuyên môn về y tế, vì vậy, họ dựa vào Hội đồng Y khoa Thái Lan để xin lời khuyên về việc có nên truy tố hay không. Song, hội đồng này lại bao gồm các đại diện của ngành y tế do đó, có rất ít động cơ để vạch trần hành vi sai trái của các đồng nghiệp của họ.

Ông cũng phàn nàn rằng các chứng nhận quốc tế mà các bệnh viện Thái Lan nhận được, đặc biệt là từ Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế (JCI) của Mỹ, có rất ít ý nghĩa vì JCI không liên quan đến các cáo buộc sơ suất mà chỉ tính của các bệnh viện những khoản phí lớn cho việc kiểm tra các cơ sở này mỗi 3 lần 1 năm. 

Sự thiếu quy định ở Thái Lan được phơi bày rõ nét trong trường hợp của Joy Williams. Bác sỹ Sompob Sansiri đã được tại ngoại sau khi bị buộc tội và tiếp tục hành nghề tại một phòng khám khác. Khi được hỏi về lý do tại sao ít nhất anh ta không bị đình chỉ, Hội đồng Y khoa Thái Lan nói rằng họ phải chờ kết quả của cuộc điều tra - có thể mất nhiều năm. 

Một phụ nữ người Australia khác là cô Lee Cameron cũng cho biết sẽ hối hận về quyết định phẫu thuật thẩm mỹ ở Thái Lan trong suốt quãng đời còn lại. Ca phẫu thuật cũng không thành công và cô đã phải về Australia để điều trị những biến chứng sau đó. 

Cô Cameron cho biết cô đã nhiều lần cố gắng liên hệ với đội ngũ y tế ở Thái Lan và cơ quan đã giúp đặt phòng nhưng họ từ chối chịu trách nhiệm về ca phẫu thuật hỏng. Cameron kêu gọi những người đang cân nhắc đi du lịch nước ngoài để làm thủ thuật thẩm mỹ hãy nghiên cứu kỹ. Song, cô Rachel Goldie từ tổ chức Makeover Thailand, chuyên giúp sắp xếp việc điều trị cho các khách hàng ở nước ngoài tại Thái Lan cho rằng những bệnh nhân không nên tránh xa Thái Lan không. 

Bởi, theo cô này, Thái Lan vẫn có cơ sở y tế tốt và các bác sĩ xuất sắc. Thay vào đó, Goldie cảnh báo bệnh nhân rằng họ phải tự kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng mà họ đang được hứa hẹn. Theo Goldie, việc phẫu thuật chỉ nên diễn ra ở một bệnh viện được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết hoặc một phòng khám có đủ nhân viên và trang thiết bị để ứng phó với trường hợp khẩn cấp.

Đọc thêm