1001 chuyện trong ngành thẩm mỹ (Kỳ 3): Nỗi lo sợ mang tên “bác sỹ ma”

(PLVN) - Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có ít kinh nghiệm và đôi khi không có bằng cấp, được gọi là “bác sĩ ma” nhưng lại đội lốt các chuyên gia được cấp phép đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các bệnh nhân trên bàn mổ của Hàn Quốc.
Nữ diễn viên Han Mi Ok qua đời ở tuổi 57 bà là thảm họa của ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc.
Nữ diễn viên Han Mi Ok qua đời ở tuổi 57 bà là thảm họa của ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc.

Những trải nghiệm đáng sợ

Năm 2012, Park H.I., một sinh viên 26 tuổi đến từ Cheonan, đã trả 12 triệu won (tương đương khoảng gần 11.000 USD) để gọt hàm bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật đã trở nên tồi tệ, khiến Park bị phù mặt và bị liệt một phần. “Tôi đã tìm đến bác sĩ Sang vì ông ấy rất nổi tiếng. Ban đầu, tôi cũng thấy lạ vì ông ấy hẹn tôi phẫu thuật trong vòng 1 tuần. Thế nhưng, ông ta đảm bảo với tôi rằng chính ông ta sẽ thực hiện phẫu thuật và giải thích cho tôi các vấn đề liên quan”, anh Park kể lại.

Vì đã nghe được những tin đồn về các bác sĩ phẫu thuật giả nên Park đã giấu máy quay video trong túi vài phút trước khi bị gây mê. Park nói rằng, những gì anh nghe được sau khi tỉnh lại khiến anh cảm thấy ghê sợ. “Khi tôi ngủ, một bác sĩ phẫu thuật khác không phải là bác sĩ Sang đã đến và trong khi ông ta phẫu thuật cho tôi, các trợ lý của ông ta đã đụng chạm vào cơ thể tôi và giễu cợt về dáng người cực kỳ gầy gò của tôi”, anh kể lại. 

Park than thở rằng phẫu thuật thẩm mỹ là “quyết định tồi tệ nhất của cuộc đời” anh vì anh vốn đã đẹp trai dù có một số điểm không hoàn hảo. Thế nhưng, sau khi “làm đẹp”, anh đã bị phù mặt, mất cảm giác ở một phần cằm và mũi bị biến dạng. “Điều đó trái ngược với mọi thứ tôi đã được hứa”, anh khóc khi kể lại.

Sau cuộc phẫu thuật, Park đã trình báo phòng khám trên tới cơ quan chức năng và đâm đơn kiện. Tuy nhiên, ông An Gi-jong - đại diện pháp lý của Tổ chức Liên minh bệnh nhân Hàn Quốc – cho rằng, trong những trường hợp như vậy “các nạn nhân vẫn sẽ là người chịu thiệt sau cùng”.

Nạn nhân của những ca thẩm mỹ hỏng.
 Nạn nhân của những ca thẩm mỹ hỏng.

"Khi một bệnh nhân đâm đơn kiện, phòng khám thường phản công và kiện ngược anh ta/cô ta vì tội phỉ báng và bên bị ảnh hưởng sẽ cần phải có một số tiền lớn cũng như thời gian để tiếp tục quá trình tố tụng. Phần lớn trong số họ cuối cùng đã thua”, ông An cho hay. Thêm vào đó, hầu hết các bệnh nhân đều thiếu những bằng chứng có sức nặng trong khi các phòng khám khăng khăng bác bỏ việc họ sử dụng bất hợp pháp các bác sĩ phẫu thuật thay thế.

Tương tự là trường hợp của cô Kim Bok. Không hài lòng với chiếc mũi của  mình, Kim luôn tưởng tượng về việc sửa nó sau khi biết được rằng theo quan niệm của người Hàn Quốc, chiếc mũi hếch khiến việc giữ tiền trở nên khó khăn hơn. 

5 năm sau ca phẫu thuật nhớ đời, Kim vẫn phải vật lộn với một loạt các vấn đề y tế và không thể nhắm mắt hoặc ngừng hắt hơi. Ở tuổi 49, cô đã ly hôn, còn thất nghiệp và bị trầm cảm. 

Hồ sơ từ tòa án quận trung tâm Seoul cho thấy bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật cho cô Kim đang phải đối mặt với một vụ án hình sự về tội vi phạm luật y tế. Vụ việc bắt đầu vào năm 2009, sau khi một số bệnh nhân, trong đó có cô Kim, trình báo ông ta với chính quyền. 

Với trường hợp của bà Park, 50 tuổi, do một loạt vấn đề nhiễm trùng sau phẫu thuật, ngực phải của bà đã giảm một nửa so với kích thước ngực bên trái. Đau buồn về ngoại hình mới của mình, bà đã tự tử đến 2 lần. “Phẫu thuật thẩm mỹ giống như một cơn nghiện. Nếu bạn làm mắt, bạn sẽ muốn làm mũi nữa. Và các bác sĩ sẽ không nói rằng bạn đã đủ xinh đẹp rồi mà luôn nói để mọi người làm nhiều hơn”, bà cho hay.

Hệ lụy của việc cung vượt quá cầu

Theo Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế, tỷ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ trên tổng số dân ở Hàn Quốc cao nhất thế giới, với khoảng 13/1.000. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Vì vậy, nhiều khách hàng cuối cùng đã rơi vào tay của các “bác sĩ ma”.

Theo một số luật sư, số lượng “bác sĩ ma” ở Hàn Quốc vẫn chưa được biết hết. Chỉ biết rằng, các khiếu nại liên quan đến những sai sót trong các ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc đã tăng từ 3.740 trường hợp vào năm 2012 lên thành 4.806 vào năm 2013 và 5.005 vào năm 2014.

Một trong những tổ chức kịch liệt nhất chống lại thực hành này là Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc do bác sĩ kỳ cựu Kim Sung-woong đứng đầu. Bác sỹ Kim nhấn mạnh rằng, trước tiên, “trong phẫu thuật thẩm mỹ, điều cần thiết là bác sĩ phẫu thuật phải biết cá nhân khách hàng và nghiên cứu về trường hợp của người bệnh”. Tuy nhiên, việc này không xảy ra với các “bác sĩ ma” vì lần tiếp xúc đầu tiên của họ với bệnh nhân chính là trên bàn mổ. 

Nói về những hậu họa khôn lường của tình trạng này, bác sĩ Kim đưa ra ví dụ về một cô gái 19 tuổi đã bị tổn thương não nghiêm trọng vào năm 2014 sau khi cắt mí mắt và mũi được cho là do “bác sĩ ma” thực hiện. Ông Kim giải thích mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nơi mọi người về cơ bản là bị đưa ra mổ xẻ: “Hành vi bất hợp pháp này khiến cuộc sống của bệnh nhân gặp nguy hiểm”, ông khẳng định.

 

Hồi đầu năm 2015, một phụ nữ 50 tuổi người Trung Quốc cũng đã bị chết não sau khi thực hiện một cuộc phẫu thuật ở Seoul. Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc cho biết, tim của người này đột nhiên ngừng đập và cô bị chết não trong khi làm thủ thuật tại một phòng khám nhỏ ở quận Gangnam sầm uất. 

Người phụ nữ đã ngay lập tức được đưa đến Bệnh viện Samsung Seoul ở gần đó nhưng phải mất gần 1 tuần sau mới tỉnh lại. Phòng khám trên đã bị cáo buộc tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ sai với luật y tế của đất nước và bị đóng cửa sau lùm xùm. Ông Jo Soo-young, thành viên của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc - cho biết, các phòng khám tư nhân như vậy không có bất kỳ giấy phép y tế nào và thường được điều hành bởi các doanh nhân thay vì các bác sĩ chuyên nghiệp. 

“Những loại bệnh viện đó do các doanh nhân vận hành được thiết lập để kiếm tiền. So với an toàn và sức khỏe, tiền quan trọng hơn đối với họ. Họ sẽ luôn cố gắng kiếm tiền bằng mọi cách”, ông Jo nói.

Theo ông Jo, số lượng bác sĩ phẫu thuật được đăng ký chính thức tại Hàn Quốc chỉ chưa đến 2.000 người. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trên thị trường nhiều gấp 10 lần con số này. Trong một vụ án khiến dư luận Hàn Quốc xôn xao, một học sinh trung học đã bị hôn mê sau khi phẫu thuật để sửa mũi và cắt mí mắt. Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật sau đó được phát hiện đã thuê những bác sĩ ma để tiến hành thẩm mỹ cho bệnh nhân. 

Các nhà lập pháp và các chuyên gia thẩm mỹ tại Hàn Quốc cho rằng những vụ việc trên xảy ra là do các quy định lỏng lẻo, tình trạng quảng cáo quá mức và nỗi ám ảnh của xã hội Hàn Quốc về ngoại hình khiến cho ngành công nghiệp thẩm mỹ ở nước này phát triển quá “nóng”. 

Ông Cha Sang-myun - Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, đại diện cho 1.500 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở nước này – cho biết ông lo lắng về danh tiếng của của những bác sỹ chân chính. Theo vị bác sỹ, việc quảng cáo trên mạng quá nhiều đã khiến mọi người nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ cũng như một mặt hàng. 

“Mọi người bây giờ nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ giống như mua đồ ở đâu đó nhưng phẫu thuật thẩm mỹ cũng là một phẫu thuật, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các vị”, bác sỹ Cha - người đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong hơn 2 thập kỷ - cảnh báo. Cha và một số nhà lập pháp của Hàn Quốc đã liên tục kêu gọi nhà chức trách phải giám sát chặt chẽ hơn và ban hành những quy tắc quảng cáo chặt chẽ hơn nhằm trấn áp tình hình.

Đọc thêm