Luôn coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và triển khai 3 Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam trong các giai đoạn 1991-2000, 2001-2010 và 2011-2020. Với hoạt động của đường dây, một mạng lưới phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức để hỗ trợ, bảo vệ trẻ đã được hình thành. Đây cũng là kênh thu nhận thông tin để các cơ quan xây dựng, điều chỉnh các chính sách, chương trình, dự án thực sự phục vụ cho lợi ích của trẻ. Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp tại hội nghị.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo của rất nhiều nhân viên hoạt động trong đường dây hỗ trợ trẻ em thuộc 24 nước của Tổ chức Đường dây trẻ em quốc tế (CHI) cũng như của Việt Nam. Đó là công tác truyền thông giúp trẻ biết đến đường dây này vẫn còn hạn chế. Bà Nenita la Rose - Giám đốc điều hành CHI cho biết, trong xã hội có nhiều trẻ bị bạo lực nhưng nhiều em vẫn e ngại khi gọi tới đường dây này hoặc chưa tiếp cận được với số điện thoại này.
Vì thế, “mong rằng Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ hơn, mở rộng hơn nữa tới các trường học, cộng đồng dân cư tuyên truyền về đường dây này để giúp nhiều trẻ hiểu hơn về đường dây này”, bà Nenita la Rose nhấn mạnh.