25 hộ dân bị thu hồi đất kiện UBND quận 9: Dấu hiệu vi phạm tố tụng trong phiên xử

(PLO) - Phiên xử vụ án hành chính của 25 hộ dân bị thu hồi đất tại quận 9, TP. HCM mà trước đây PLVN đã có loạt bài phản ánh được cho là có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Phiên xét xử một hộ dân trong 25 hộ

Vụ kiện kéo dài

25 hộ dân nằm trong diện giải tỏa đường vào cung văn hóa thiếu nhi quận 9, TP. HCM sau khi bị cưỡng chế đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu được bồi thường thêm. Họ cho rằng chính quyền quy kết họ lấn chiếm đất để không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ hỗ trợ là thiếu cơ sở pháp lý, gây thiệt hại cho dân. 

Nhiều hộ đã được đưa ra xử cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều bị bác đơn. Mới đây nhất, hộ ông Nguyễn Hữu Mỹ (SN 1972) được đưa ra xử sơ thẩm. 

Theo trình bày của ông Huỳnh Văn Em, đại diện ủy quyền cho ông Mỹ: “Đất nhà ông Mỹ nói riêng và 25 hộ dân bị giải tỏa nói chung có nguồn gốc như sau: Trước năm 1964 là của ông Bùi Văn Quân. Năm 1964, ông Quân sang nhượng lại cho vợ chồng ông Nguyễn Trung Thu. Đến năm 1975, ông Thu giao lại cho ông Nguyễn Ngọc Ấn quản lý. Sau đó, năm 1980, ông Ấn chia cho các con và bán cho một số hộ dân khác tổng cộng có 25 hộ dân sinh sống cho đến nay. Hoàn toàn không hề có tranh chấp và chính quyền những năm 1990 không cản trở chúng tôi xây dựng nhà cửa”.

Mẹ ông Mỹ làm nhà, sinh sống và đến năm 1991 mở cơ sở kinh doanh. Việc mở cơ sở kinh doanh được chính quyền cấp phép. Từ sau năm 1978 đến trước tháng 10/1993, hộ ông Mỹ đã xây dựng nhà ở và không bị chính quyền ngăn cản, ra quyết định xử lý nào.

Sau đó, năm 1993, hộ ông Mỹ đi đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được chấp nhận. Đến năm 1999, ông Đào Anh Kiệt, Sở địa chính TP HCM ra quyết định số 3376 ngày 11/06/1999 cho phép 25 hộ dân (có hộ ông Mỹ) được kê khai đất đai và nộp về phường để cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phường không chấp hành lệnh trên và “giam” đơn của 25 hộ dân cho đến nay.

Quan điểm của chính quyền quận 9 lại cho rằng khu đất trên là do ông Quân chiếm dụng từ năm 1978. Nhưng quận 9 lại không đưa ra được bất cứ văn bản nào thể hiện việc chiếm dụng này và chiếm dụng từ ai, đã có xử lý hay chưa? 

Theo luật đất đai, đất sử dụng ổn định trước năm 1993, mà không bị xử lý vi phạm thì sẽ được công nhận là đất hợp pháp. Hộ ông Mỹ đủ điều kiện này vì UBND quận 9 chỉ nói miệng là lấn chiếm chứ không có văn bản thời điểm đó thể hiện việc lấn chiếm này.

Mãi đến năm 1995, UBND quận 9 mới ra quyết định xử phạt hành chính về việc ông Mỹ xây nhà (nhà đã xây trước đó rất lâu) vi phạm hành lang an toàn điện lưới quốc gia, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả là di dời đi nơi chứ không hề nói đến việc đất lấn chiếm. 

Một số hộ dân bức xúc khi bị quy kết lấn chiếm đất

Sau đó ông Mỹ khiếu nại quyết định xử phạt. Tiếp đó, có quyết định cưỡng chế, yêu cầu hộ ông Mỹ phải tháo dỡ nhà cửa. Tuy nhiên, cả quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế không được thực hiện.

Ông Em nói: “Theo luật, quyết định hành chính, cưỡng chế không được thực hiện trong thời gian 1 năm thì không còn giá trị pháp luật và coi như hộ ông Mỹ chưa từng vi phạm, chưa từng bị xử lý hành chính. Vậy cơ sở nào nói rằng hộ ông Mỹ lấn chiếm đất. Nguồn gốc đất hợp pháp, sử dụng liên tục, có đóng thuế”.

Năm 1999, UBND quận 9 ra quyết định về dự án khu trung tâm quận 9, trong đó, phần đất hộ ông Mỹ nằm trong phần giải tỏa làm đường đi vào cung văn hóa thiếu nhi. Vì cho rằng, đất lấn chiếm, UBND quận 9 không bồi thường về đất mà chỉ hỗ trợ với số tiền vài triệu đồng. 

Nhiều năm khiếu nại, khiếu kiện, hộ ông Mỹ được hỗ trợ thêm gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Mỹ nói rằng phải bồi thường vì đất của ông hợp pháp. Bị cưỡng chế, ông Mỹ khởi kiện ra tòa.

“Bản nháp” trong phiên xử

Trước phiên xét xử, ông Mỹ nói rằng “kết quả đã rõ, đơn khởi kiện của tôi sẽ không được chấp nhận. Nhưng tôi vẫn phải đi kiện đòi lại công bằng cho mình. Đất cha mẹ tôi sử dụng, để lại cho tôi từ mấy chục năm qua. Khi đã sử dụng ổn định, chính quyền không cấp giấy rồi đổ lỗi cho dân. Nếu nói dân lấn chiếm từ năm 1978. Tại sao thời điểm đó chính quyền không xử lý, không ra một quyết định nào về việc này. Thậm chí sổ mục kê, sổ địa bộ, lưu trữ đều có tên của ông Quân, ông Thu, ông Ấn theo từng giai đoạn sử dụng đất”.

Phiên tòa xử hộ ông Mỹ, ông Em tập hợp được nhiều giấy tờ, quyết định mới. Trong đó có một danh sách liệt kê của Ban bồi thường quận 9 lập nhưng chưa được ký, chưa được đóng dấu, nói rằng đất các hộ dân là hợp pháp và đề nghị được bồi thường. Tuy nhiên, người bảo vệ cho UBND quận 9 nói rằng đây là bản nháp của Ban bồi thường tổng hợp lại do người dân tự khai.

Người dân cũng phản ánh trong phiên tòa có những dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Thứ nhất, trong phần hỏi, vị chủ tọa lại “đè” người bảo vệ cho UBND quận 9 ra hỏi những vấn đề liên quan. Theo luật, tại tòa, người bảo vệ cho UBND quận 9 chỉ được phép trả lời câu hỏi của HĐXX khi phía bị kiện (UBND quận) hoặc người đại diện cho UBND quận 9 không trả lời được mà nhờ hoặc yêu cầu người bảo vệ trả lời thay. Nhưng người đại diện cho UBND quận 9 vắng mặt thì làm sao có việc nhờ hoặc yêu cầu trả lời thay ngay tại tòa này được. Nếu những câu hỏi của vị chủ tọa được người đại diện cho UBND quận 9 trả lời khác với câu trả lời mà người bảo vệ đã nêu tại tòa thì như nào? làm sao?

 Khu 25 hộ dân giờ đã thành đường đi khang trang, sạch sẽ

Thứ hai, vị chủ tọa tiếp tục yêu cầu người đại diện cho người khởi kiện hỏi người bảo vệ cho UBND quận 9. Hành vi này được cho là vi phạm tố tụng. Việc hỏi này bị ông Em bắt bẻ, cho rằng người đại diện bị đơn không có mặt, ông không thể hỏi người bảo vệ cho UBND quận 9.

Thứ ba, đến phần tranh luận, vị chủ tọa nói rằng người đại diện ủy quyền cho ông Mỹ không được phép tranh luận với người bảo vệ cho UBND quận 9. Vị chủ tọa giải thích rằng chỉ có người bảo vệ hoặc luật sư mới được phép tranh luận. Nhưng ông Mỹ không thuê luật sư thì người đại diện ủy quyền không được tranh luận. Ngay lập tức, việc này bị VKS ý kiến. 

Sau đó, vị chủ tọa nói rằng để rộng đường dư luận, người đại diện ủy quyền cho ông Mỹ được tranh luận để làm rõ vấn đề, giúp HĐXX có cái nhìn thêm về vụ án. “Mặc dù luật không cho nhưng tại phiên xử hôm nay việc tranh luận vẫn được phép”, vị chủ tọa nói.

Cuối cùng, phiên xét xử khép lại như dự đoán từ trước của người dân. HĐXX bác đơn khởi kiện của hộ ông Mỹ. Sau phiên tòa, ông Mỹ nói rằng sẽ kháng cáo, thậm chí nếu thua sẽ tiếp tục khiếu nại giám đốc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích cho ông trên phần đất bị quy kết lấn chiếm.

Đọc thêm