30 phút bố mẹ nghe con nói – ước mơ xa vời của trẻ

(PLO) - Một thực tế là những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ, nhiều vụ bạo hành dã man lại do chính những người làm cha, làm mẹ gây ra.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đề tài khoa học cấp Bộ do Ths Trần Tuyết Anh – Vụ trưởng Vụ Gia đình làm chủ nhiệm “Nghiên cứu các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” đưa ra số liệu giật mình: con (ở độ tuổi trẻ em) chính là đối tượng bị bạo lực nhiều nhất trong gia đình, cho dù chủ yếu bạo lực về tinh thần (do cha mẹ mắng chửi). Tỷ lệ người mẹ mắng chửi con cao hơn so với tỷ lệ người bố mắng chửi con.

Hành vi bạo lực thân thể giữa cha mẹ và con như đánh đập được ghi nhận cao nhất là mẹ đánh con. Bạo lực gia đình xuất phát từ nhận thức, quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” khiến cha mẹ coi chuyện đánh con là bình thường, là quyền đương nhiên để dạy dỗ con nên người. Chính vì sự bảo thủ nặng nề này không ít trẻ em bị bạo hành về thể xác và tinh thần, hậu quả là không ít em đã có hành động dại dột thương tâm, nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội, bị đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cách đây không lâu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia thanh niên Việt Nam tổ chức hội thảo “Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và vai trò của cha mẹ” các đại biểu đều cùng chung nhận định về thực trạng việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các quyền khác.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế về quyền tham gia của trẻ em: do nhận thức của gia đình và xã hội, do văn hóa truyền thống, hạn chế của cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em, rào cản về ngôn ngữ với trẻ em dân tộc thiểu số. Trong gia đình, một số cha mẹ thường coi trọng ý kiến của người con học giỏi hơn nên ý kiến của người con học kém hơn thường không được lắng nghe. 

Bên cạnh đó, phần lớn cha mẹ bận làm ăn kiếm sống, có rất ít thời gian để nói chuyện, hỏi ý kiến của con, số lượng cha mẹ dành ra mỗi ngày 30 phút để nói chuyện với con cũng rất hạn chế, phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông bà, người giúp việc, trang bị cho con điện thoại, máy tính, ti vi thay mình chơi với con. Nếu có nói chuyện với con thì nội dung các cuộc nói chuyện cũng chỉ xoay quanh chủ đề học tập, cha mẹ thường hỏi con về một ngày học ở trường có chuyện gì xảy ra, có đạt điểm tốt không, thầy cô, bạn bè thế nào, nhắc nhở con thời gian học, thời gian ăn uống, vệ sinh để chuyên tâm vào việc học.

Đọc thêm