4 năm, Quảng Ninh huy động 48.000 tỉ đồng vốn xã hội hóa làm giao thông

(PLO) -Nếu quyết tâm và có cách làm linh hoạt, chủ động, các địa phương hoàn toàn có thể thay đổi nhanh chóng diện mạo hạ tầng, đặc biệt là giao thông chỉ trong thời gian ngắn nhờ các hình thức PPP, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Quảng Ninh là 1 ví dụ thành công điển hình.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: P.V

Thu hút 48.000 tỉ chỉ trong 3-4 năm

Bất cứ ai đến Quảng Ninh đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay chóng mặt của vùng đất mỏ. Những cao tốc hiện đại nối liền Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long với Vân Đồn, Móng Cái, Cẩm Phả... đã thành hình và đang hoàn thiện, đảm bảo việc khớp nối giữa các khu vực trong nội bộ Quảng Ninh cũng như trong vùng, đặc biệt, tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cách đây vài năm, không ai nghĩ ở Vân Đồn lại xuất hiện 1 sân bay quốc tế. Vậy nhưng, chỉ cuối quý 2 năm 2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ đưa vào vận hành. Đây là sân bay đầu tiên trên cả nước được đầu tư bởi nguồn vốn tư nhân, với thời gian xây dựng thần tốc trong hơn 2 năm.

Quảng Ninh còn có gì? Một Cảng hành khách quốc tế Hòn Gai đẳng cấp với công năng lớn, hứa hẹn đem lại sự đổi thay cho ngành dịch vụ của TP biển. Cầu Bạch Đằng đang khẩn trương xây dựng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30.6 tới và sẽ là cây cầu lớn nhất miền Bắc… Thật khó có thể hình dung, tất cả những dự án này chỉ mới được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây.

Lãnh đạo Quảng Ninh chia sẻ, địa phương này đã sớm xác định phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược cần tập trung. Cách làm của tỉnh là vừa cải cách thủ tục hành chính vừa “mở toang cánh cửa” kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, rồi cầu Bạch Đằng, dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương… đều được đầu tư dưới các hình thức đối tác công tư BOT, PPP. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện: “Để tạo ra thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó, đi đầu là chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách.”

48.000 tỉ đồng đã được Quảng Ninh huy động từ nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho hạ tầng giao thông sau 3 - 4 năm. Kết quả này trên cả mong đợi. Nếu so với con số hơn 171.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước mà Bộ GTVT huy động trong 5 năm 2011-2016, thì chỉ riêng Quảng Ninh huy động vốn BOT đã gần bằng 1/3.

Cũng chính từ hạ tầng giao thông phát triển, Quảng Ninh đã đạt được các con số tăng trưởng “thần kỳ” về cả kinh tế, xã hội, du lịch.

Năm 2017, Quảng Ninh là tỉnh có thu ngân sách lớn thứ 5 cả nước với hơn 38.500 tỉ đồng. Hàng loạt nhà đầu tư lớn đã xuất hiện như Sun Group, Vingroup… với những dự án tầm cỡ tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ chưa từng có của ngành du lịch. Gần 10 triệu lượt khách đã đến Quảng Ninh năm 2017, tăng gần 20% so với năm 2016, riêng khách quốc tế là 4,3 triệu lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 17.800 tỉ đồng, tăng 34% so với so với năm trước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong buổi làm việc với Quảng Ninh ngày 22.2 vừa qua đã phân tích: Từ điển hình Quảng Ninh có thể thấy, Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành những công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ...

“Qua buổi làm việc ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy mô hình này rất hay, đặc biệt là đối tác công tư thế nào cho hiệu quả. Phần nào nhà nước, phần nào nhà đầu tư làm, phân biệt rõ trách nhiệm…”, Tư lệnh ngành GTVT nhấn mạnh.

BOT - đã làm phải thực sự quyết liệt

Từ điển hình Quảng Ninh thấy rằng, nếu mạnh dạn và chủ động, linh hoạt trong cách làm, các địa phương hoàn toàn có thể coi BOT là “lời giải” cho bài toán phát triển hạ tầng giao thông trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Giới chuyên gia đánh giá, huy động vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT là phương án tối ưu trong điều kiện ngân sách khó khăn, đây cũng là giải pháp để giải quyết tình trạng hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, lạc hậu.

Nói như ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Quốc hội - không thể dùng nguồn vốn vay ODA để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ hiện hữu, bởi, làm bằng ODA cần phải có vốn ngân sách đối ứng, trong khi nợ công của nước ta đã gần chạm trần. Vốn ODA cũng cần được ưu tiên cho các dự án có ý nghĩa xã hội, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…“Nếu không làm BOT, các tuyến quốc lộ xuống cấp, việc đi lại khó khăn, chi phí xăng dầu lớn, xe cộ sẽ hư hỏng nhiều, khi đó chủ phương tiện còn chi phí nhiều hơn là việc phải nộp phí”- ông Lê Hồng Tịnh đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - trong bài phỏng vấn báo chí mới đây cho rằng: đối tác công tư (PPP) hay các dự án BOT vẫn là hình thức ưu việt để phát triển cơ sở hạ tầng; nếu không có BOT thì lấy đâu ra tiền làm cầu đường, khi ngân sách Nhà nước đang rất hạn hẹp.

Đối chiếu với thực tế ở Quảng Ninh, thấy rằng, muốn huy động nguồn vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông hiệu quả, rõ ràng cần sự mạnh dạn và quyết liệt của chính quyền địa phương. Trong quá trình đó, lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm để cùng song hành là yếu tố then chốt tạo nên thành công.

Đọc thêm