Ám ảnh xuyên thế kỷ về sự tồn tại của loài bạch tuộc khổng lồ có khả năng nhấn chìm tàu xuống đáy đại dương

(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, việc tìm thấy xác bạch tuộc khổng lồ trên đảo ở bang Florida (Hoa Kỳ) hồi cuối thế kỷ 19 đã tiếp tục làm nóng lên nghi hoặc về sự tồn tại của loài bạch tuộc khổng lồ có thể nhấn chìm tàu xuống đáy đại dương. Cuộc tranh luận chưa kết thúc khi vào những năm 60 -70, thậm chí những năm 90 của thế kỷ trước vẫn hiển hiện những bằng chứng về loài bạch tuộc khổng lồ vẫn sinh sống ở các vùng biển Nhật Bản, Oxtraylia, Philipine... 
Ám ảnh xuyên thế kỷ về sự tồn tại của loài bạch tuộc khổng lồ có khả năng nhấn chìm tàu xuống đáy đại dương

Những bí ẩn khác

Tháng 8/1960, ở phía Tây Bắc bờ biển hòn đảo Tasmania của nước Úc, người ta đã phát hiện ra một con vật có thể là tương tự con vật phát hiện ra ở Florida. Tuy nhiên, việc điều tra khảo sát không được tốt lắm. Một vị chủ nông trang và 2 người chăn bò đã phát hiện ra con vật. Sau vài tháng, tin tức này mới truyền đến thủ phủ Hobart của đảo Tasmania.

Đầu tiên họ tiến hành rà soát để xác định nơi có con vật. Sau đó, Viện Khoa học liên bang và tổ chức nghiên cứu công nghiệp bao gồm 4 nhà khoa học do nhà động vật học Bruce Morisson dẫn đầu, đã đến hiện trường vào tháng 3/1962. Ông Morisson đã kiểm nghiệm con vật, và cho rằng: “Con người luôn mong tìm được một cách giải thích, cho nên thường hay liên hệ mọi sự việc với nhau, nhưng trong sự kiện này, giải thích ra sao cũng vẫn không ổn.

Con vật ấy thật kỳ quái: Không có mắt, đầu không có xương, còn da thì “bóng loáng mịn màng”, lại có tính đàn hồi và “có lông cực mịn”.  Vài hôm sau, con Globster (tên này do nhà động vật học Ivan T. Sanderson đặt ra) đã trở thành tin tức đăng trên đầu trang nhất của các tờ báo, tạp chí lớn trên thế giới. Vấn đề được thổi bùng lên khiến cho Chính phủ Úc không ứng phó kịp. Trước vấn đề như vậy, họ đành cử một nhóm các nhà động vật học bay từ Hobart đến hiện trường để sửa soạn cho cuộc điểu tra khảo sảt toàn diện.

Hình ảnh xác bạch tuộc khổng lồ gây ám ảnh
Hình ảnh xác bạch tuộc khổng lồ gây ám ảnh  

Sau đó, nhóm này đã bay trở về Hobart ngay hôm sau do khó khăn về thời tiết. Báo cáo của Chính phủ nói, khoảng thời gian từ lúc con vật bị xô lên bờ đến lúc nhóm công tác tới kiểm nghiệm nó đã cách nhau quá xa. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cảm thấy chúng giống như “một phần của một động vật biển khổng lồ đang rũa nát”, chứ không giống như mỡ cá voi mà báo cáo của Chính phủ Úc công bố. Kết luận này làm ông Morisson rất tức giận. Ông tuyên bố, các tiêu bản mà ông đã thu thập được không thể bị nhận định là cái gì khác.

Ông Clark - nhà động vật học ở Đại học bang Tasmania cũng nói: “Rất rõ ràng, nó không phải là cá voi”. Công bố của Chính phủ khiến ngay cả anh chàng Boston - một trong người đầu tiên phát hiện ra con vật rất tức tối. Anh cho rằng, chính phủ có ý muốn che đậy những sự việc đã bị kéo dài không dứt. “Họ đành phải nói thế để che đậy hành động thờ ơ, không gắng sức điều tra việc này cho rõ ràng”. Anh khẳng định sẽ cung cấp thông tin cho các nhà khoa học: “Con vật chúng tôi nhìn thấy không phải cá voi gì hết. Và cũng không phải là một phần nào đó của cá voi”. Các bản báo cáo, dù là ủng hộ hay phủ nhận con vật là cá voi, đều chưa từng được công bố công khai. Và cuối cùng thì sự kiện này đã kết thúc trong sự coi nhẹ và đẩy nghi hoặc.  

Thêm nhiều sự kiện khác

Năm 1970, lại có một con Globster bị xô lên bờ biển phía tây bắc Tasmania. Vụ việc này lẽ ra cần được làm cho ra nhẽ trước hết bởi sự trùng lặp đáng kinh ngạc. Lần này vẫn do ông chủ nông trại phát hiện. Người này vẫn còn nhớ những sự phiền hà xảy ra sau lần đầu phảt hiện ra sinh vật biển kỳ lạ kia. Cho nên, khi đến lần thứ hai, ông không hề hứng thú như trước đó. Ông nói với một phóng viên địa phương: “Hãy lưu ý, đừng dẫn lời tôi nói nó là con quái vật. Tôi không biết nó là con gì, cũng không đoán là gì cả”.

Và lần này, không có một nhà khoa học nào đến đây điều tra cả. Tháng 3/1965, lại một con Globster xuất hiện trên bờ biển phía Đông Bắc của quần đảo New Zealand. Theo giới truyền thông đại chúng, thì sinh vật biển này dài 9m, cao 2,5m, và “có lông cực mịn”. Ông Morton - nhà động vật học thuộc Đại học Oakland nói: “Tôi không thể nghĩ ra bất cứ con vật gì tương tự nó”. Tháng 5/1988 lại có một con Globster bị xô lên bờ ở quần đảo Bermuda.

"Quái vật" biển có thể nuốt những con tàu vượt đại dương?
 "Quái vật" biển có thể nuốt những con tàu vượt đại dương?

Các nhà khoa học quan tâm đã thu thập các tiêu bản của nó, nhưng cho tới nay vẫn chưa công bố kết quả kiểm nghiệm.  Tổng hợp tất cả các vụ việc, ông Richard Greenville thuộc “Hội nghiên cứu động vật bí ẩn” nói: “Sự miêu tả và các bức ảnh trong tất cả các vụ việc đều rất giống nhau. Các con vật đều được miêu tả là “săn chắc, không dễ gì mổ xẻ giải phẫu; thường là không mùi lạ, có nhiều thớ sợi, cho nên thường được gọi là “có lông cực mịn”.

Còn một điều lạ nữa là, tất cả các con vật đều không được các chuyên gia đưa ra nhận định cuối cùng nó là giống loài nào”.  Không có ai xác định Globster và con quái vật ở Saint Augustine là một loại động vật. Cũng không có ai xác định chúng là bạch tuộc khổng lồ. Với mỗi đánh giá hay nhận định khác nhau lại có thể dẫn đến những tranh cãi bất tận hoặc cũng có thể chẳng đem lại điều gì mới mẻ hơn cả. Đó là nhận định của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về sinh vật biển, trong đó có Morisson. 

Giải thích nào hợp lý? 

Từ quan sát hiện trường các sinh vật biển nói trên, nếu bạch tuộc khổng lồ là có thật, thì nói chung là khó thường xuyên nhìn thấy chúng. Vì chúng là loài động vật sống dưới đáy biển sâu. Tuy nhiên, các vụ việc bất chợt gặp nó cũng thường xảy ra. Một ngư dân tên là Bahama đã từng kể họ đã nhìn thấy “bạch tuộc khổng lổ”, và nhà động vật học  chuyên nghiên cứu động vật có chân ở gần đầu là ông Forrest Wood đã xác nhận rằng lời kể trên của anh ta là đáng tin. 

Cuối tháng 12/1989, giới truyền thông loan tin về một đêm giáng sinh đáng sợ trên biển một hòn đảo thuộc phía Nam Philippine. Những người ngồi trên một thuyền nhỏ đang định đưa thi hài một em bé lên đảo nhỏ gần đó để an táng, bỗng họ khiếp sợ nhìn thấy một xúc tu của một con bạch tuộc đập mạnh vào một bên mạn thuyền. Chủ thuyền là ông Winner nói rằng: “Phần chắc khỏe nhất của xúc tu ấy to bằng bắp tay trên của đàn ông; dọc theo xúc tu có những cục lồi lên, một trong những cục ấy đã ngoắc vào mạn thuyền”.

Một người ngồi trên thuyền tên là Gerry Envale nói: “Tôi nhìn thấy dưới nước cũng có các xúc tu rất to; tôi đã bật đèn pin, ánh đèn không sáng lắm, nhưng tôi tin chắc mình đã nhìn thấy đầu và mắt to của nó ở dưới nước”. Ông ta còn nói, xúc tu dài chừng 2,5m. Sau đó, con thuyền nhỏ bắt đầu tròng trành, rồi bị lật. Mọi người phải rất vất vả gắng sức bơi vào bờ cách đó độ 200m.  Những câu chuyện như vậy nhanh chóng được giới thiệu rồi cũng nhanh chóng bị quên lãng bởi chẳng có nghiên cứu nào sâu sắc hoặc cụ thể hơn. 

 Vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu sinh vật biên bắt đầu chú ý nhiều đến các động vật sống dưới biển sâu, những động vật đặc biệt lạ và được thống kê ghi chép từ trước đây đến nay. Tuy nhiên, đại dương bao la và sâu thẳm, không dễ gì tìm được một đáp án thỏa đáng cho những điều mà con người mới chỉ ghi nhận ở mức ghi chép chứ chưa nói đến những phát hiện đáng tin cậy. Chính vì thế, có hay không loài sinh vật biển có tên bạch tuộc khổng lồ vẫn còn là một bí ẩn lớn.

Đọc thêm