Chuyện “lưới trời”... bị thủng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, phe đồng minh quyết định đưa ra xét xử trước Toà án quốc tế tất cả những kẻ bị coi là tội phạm chiến tranh ở châu Âu, bao gồm tất cả những người đã phục vụ cho chính quyền phát xít Đức, đặc biệt trong lực lượng SS, SA và Gestapo...
Một phiên xét xử tại Tòa án Quốc tế.
Một phiên xét xử tại Tòa án Quốc tế.

Chương trình truyền hình Report Munich của đài truyền hình ARD ở nước Đức khi phát phóng sự về tội phạm chiến tranh Franz Joseph Huber đã làm sống lại chuyện tư pháp ở Đức và Mỹ thời sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hồi ấy, phe đồng minh quyết định đưa ra xét xử trước toà án quốc tế tất cả những kẻ bị coi là tội phạm chiến tranh ở châu Âu, bao gồm tất cả những người đã phục vụ cho chính quyền phát xít Đức, đặc biệt trong lực lượng SS, SA và Gestapo. 

Hành động bị đặc biệt trừng phạt là những hành động liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến việc diệt chủng người do thái và phục vụ trong các trại tập trung của chính quyền quốc xã Đức. Rất nhiều tội phạm chiến tranh đã bị nghiêm trị nhưng cũng rất nhiều tội phạm chiến tranh trốn thoát, ẩn náu ở đâu đó trên thế giới.

Franz Joseph Huber là một trong những tội phạm chiến tranh ấy. Người này phụ trách cơ quan mật vụ Gestapo của Đức quốc xã ở phạm vi lãnh thổ của nước Áo ngày nay. Hắn ta chịu trách nhiệm về việc thảm sát hàng chúc nghìn người Do Thái ở châu Âu. Ai cũng biết điều ấy. Chứng cứ không thiếu. Nhưng từ sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, không ai biết hắn ta trốn ở đâu. Người này tồn tại như một bóng ma bởi chỉ có rất ít ảnh chân dung và hắn gần như không có mặt trong các bức ảnh chụp chung giới chức sắc của chính quyền phát xít Đức. 

Tội ác tày trời rõ ràng như thế và tên tuổi cũng rõ ràng như thế mà người này không hề bị tòa án ở nước Đức lôi ra xét xử sau chiến tranh thế giới thứ hai mặc dù hắn ta sống đàng hoàng bằng tên thật ở nước Đức. Franz Joseph Huber là một trong số rất ít tội phạm chiến tranh sống yên ổn trên thế giới, đặc biệt ở nước Đức, cho tới khi chết. Phải chăng cái câu “Lưới trời lồng lộng” không ứng nghiệm đối với hắn ta?

Chương trình truyền hình nói trên đã điều tra và tìm ra lời lý giải cho câu chuyện lạ kỳ này. Luật pháp thì rất nghiêm nhưng tư pháp lại không thực hiện luật pháp để phục vụ cho mục đích chính trị ở nước Đức và Mỹ thời kỳ sau chiến tranh. Chính quyền Mỹ và Đức khi ấy tìm kiếm và chiêu mộ những phần tử chống cộng sản nên sử dụng rất nhiều tội phạm chiến tranh. Franz Joseph Huber là một người trong số ấy. 

Đầu tiên, các cơ quan tình báo Mỹ chiêu mộ Huber và về sau Cục tình báo CHLB Đức tuyển dụng Huber. Tòa án Đức và Mỹ đều biết Huber là tội phạm chiến tranh và đang làm gì ở đâu nhưng lại không hề truy cứu tội lỗi của hắn ta như đã truy cứu những tội phạm chiến tranh khác. Vì thế, người này mới có thể nhởn nhơ ở bên ngoài pháp luật và sự trừng phạt của công lý.

Lưới trời thật ra rất bền chắc và lồng lộng. Nhưng nếu Đức và Mỹ chủ ý làm hỏng nó thì lưới trời chỉ còn là cái danh. Câu chuyện về tên tội phạm chiến tranh này cho thấy cái gọi là tam quyền phân lập ở các nước Phương Tây trong bản chất cốt lõi đã xác định cả luật pháp lẫn tư pháp đều bị đặt dưới chính trị và đều bị chính trị chi phối. Xưa đã như thế và hiện tại vẫn đầy rẫy những chuyện tương tự như thế ở các nơi đó.

Đọc thêm