Cô gái lọ lem sống dựa vào bãi rác trở thành nữ thủ khoa xinh đẹp

(PLVN) - Những câu chuyện về những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống rất đáng để chúng ta lắng nghe và học tập. Câu chuyện về cô bé nhặt rác Sophy Ron ở Campuchia cũng vậy. Sophy Ron từng trải qua tuổi thơ cơ cực ở bãi rác ở Campuchia nay giành học bổng toàn phần của Đại học Melbourne (Úc) khiến nhiều người khâm phục.
Nữ thủ khoa xinh đẹp Sophy Ron.
Nữ thủ khoa xinh đẹp Sophy Ron.

Ăn, ngủ và làm mọi thứ ở bãi rác 

Sophy Ron, 23 tuổi, là một nữ sinh vừa tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa tại Cao đẳng Trinity ở Úc. Thế nhưng ít ai biết, phía sau vẻ ngoài sáng sủa xinh xắn cùng học thức xuất sắc hiện tại, Sophy từng có một quá khứ vô cùng cơ cực khi còn ở quê nhà.

Steng Meanchey  Phnom Penh là bãi rác lớn nhất Campuchia và được mệnh ranh là “núi khói”, lâu nay là biểu tượng thể hiện sự nghèo đói của đất nước. Mỗi ngày, hàng nghìn người nhặt rác với hy vọng tìm được thực phẩm ăn được và đồ tái chế để bán. Gia đình Sophy Ron cũng nằm trong số hàng nghìn người nhặt rác mỗi ngày ở Steng Meanchey để mưu sinh. 

Gia đình của Sophy Ron gồm 8 người, sống trong căn nhà gần ngay bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực chất đó là một căn lều tạm rách nát, xiêu vẹo nơi cả gia đình 8 người sẽ chen chúc vào ban đêm. Sinh năm 1997, Sophy Ron mặc dù là “gái thủ đô” nhưng tuổi thơ của cô lại gắn liền với bãi rác lớn nhất của thành phố. Sophy Ron bắt đầu làm việc tại bãi rác này từ khi cô ấy có thể đi bộ. 

Hình ảnh của Sophy Ron được chụp lại khi đang mưu sinh ở bãi rác.
Hình ảnh của Sophy Ron được chụp lại khi đang mưu sinh ở bãi rác.  

Bản thân Sophy chỉ có một bộ quần áo rách nát và bẩn thỉu được nhặt từ đống rác. Cứ thế, cô phải làm việc từ sáng cho đến tờ mờ tối ở nơi nồng nặc mùi hôi thối, thường xuyên hít phải khói độc để phụ giúp cha mẹ kiếm thêm thu nhập. Cô không bao giờ có thể đi học vì số tiền lương ít ỏi mà cha mẹ cô kiếm được khi làm việc tại một đồn điền cao su gần đó, hầu như không thể trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu của họ.

Sophy Ron cho biết, những khoản nợ chồng chất khiến cho gia đình cô không còn cách nào khác phải mưu sinh ở bãi rác. Mỗi ngày Sophy Ron chỉ kiếm được 50xu từ, số tiền này chỉ đủ mua một ít gạo ăn trong ngày cho bố mẹ và 6 chị em.

 

“Vì phải ở bãi rác mỗi ngày, nên tôi không còn ngửi thấy mùi hôi thối từ bãi rác, tôi cũng chẳng cảm thấy nó bẩn. Tôi ngủ ở đó, ăn ở đó và làm mọi thứ ở đó. Nó giống như nhà của tôi vậy. Thậm chí, tôi ngủ dưới mưa vì tôi thấy bố mẹ làm việc đó và tôi nghĩ, nếu họ ổn, tôi cũng sẽ ổn thôi”, Sophy Ron chia sẻ. 

Vì mải mê kiếm sống nên mãi đến năm 11 tuổi, Sophy Ron vẫn chưa được đi học. Thời điểm đó, trường học ở địa phương chỉ cho mỗi gia đình một xuất đi học, vì vậy chị gái cô được đến trường, còn cô chỉ có thể học bằng cách theo chị tới đứng ngoài cửa sổ nghe giảng. 

Bước ngoặt cuộc đời

Những tưởng tương lai của mình sẽ phải gắn liền với bãi rác thải thành phố, phải ăn các đồ ăn bỏ đi tìm thấy trong bãi rác. Tuy nhiên, may mắn may mắn đã mỉm cười với cô bé này khi cô gặp được anh Scott Neeson, người sáng lập ra Quỹ trẻ em Campuchia (CCF), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ trẻ em nghèo học hành và phát triển tài năng.

Khi ấy Scott Neeson vô tình chụp được hình ảnh của Sophy Ron trong một lần tới bãi rác. Sophy Ron mặc bộ quần áo rác rưới bám đầy bụi bẩn, đầu đội một chiếc mũ đỏ, đang đứng bới rác và thu gom những gì có thể bán được vào một chiếc túi lớn. Bức ảnh gây ấn tượng cho Scott Neeson bởi nụ cười rạng rỡ của của cô gái nhỏ tỏa sáng giữa bãi rác hôi thối, bẩn thỉu. 

Sophy Ron và bố mẹ.
 Sophy Ron và bố mẹ. 

Cũng từ đây, cuộc đời của Sophy Ron đã thay đổi. Nhận thấy những tố chất của Ron, CCF đã giúp cho cô bé đến trường và Ron đã có thể hoàn thành xuất sắc các cấp học phổ thông tại Campuchia. “Anh ấy hỏi tôi có muốn học tiếng Anh không? Khi ấy tôi chẳng biết tiếng Anh là gì, nhưng tôi muốn được đi học nên đã nhanh chóng đồng ý”, Sophy Ron nói. 

Anh Scott Neeson đã thuyết phục gia đình Sophy cho em đến trường, nơi em lần đầu tiên được mặc những bộ đồ sạch, biết đến sách vở và những con chữ. Ngay lập tức, Sophy Ron được cha mẹ đồng ý. Cha mẹ của Sophy - cả hai đều đã bỏ học từ năm 7 tuổi - đều ủng hộ hướng đi của cuộc đời cô, mặc dù nó đã khiến cô phải rời xa gia đình và Campuchia. 

“Cha mẹ tôi tự hào về tôi và họ rất hạnh phúc. Tôi từng nghe bố nói, ông không có tài sản gì để lại cho các con, nhưng ông luôn muốn các con được đi học, khuyến khích các con đi học và chị em tôi được đi học là niềm tự hào của ông. Đó là tất cả những gì bố muốn, ông ấy không cần tiền hay bất cứ thứ gì từ chị em chúng tôi, ông chỉ muốn chúng tôi có được một tương lai tươi sáng, để thoát khỏi cuộc sống cơ cực, bẩn thỉu nơi bãi rác”, Sophy Ron cho hay. 

Có thể nói, Sophy là một trong số những đứa trẻ đầu tiên được Quỹ vì Trẻ em Campuchia (CCF) giúp đỡ, đưa từ bãi rác nổi tiếng ở Phnom Penh tới giảng đường Đại học. Thành tích học xuất sắc của Ron đã giúp cô có được học bổng toàn phần đến học tại trường cao đẳng Trinity (trực thuộc đại học Melbourne, Úc). 

Sophy Ron trong công việc hiện tại.
Sophy Ron trong công việc hiện tại.  

Sau hai năm theo học tại cao đẳng Trinity, Sophy Ron đã tốt nghiệp thủ khoa và vinh dự được chọn để đọc bài diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp trước sự chứng kiến của đông đảo sinh viên và giảng viên của nhà trường. Chưa dừng ở đó, thành tích học tập xuất sắc của Sophy còn giúp cô tiếp tục nhận được một suất học bổng toàn phần khác tại trường Đại học Melbourne để có thể tiếp tục hành trình tri thức của mình. 

Nhìn Sophy đứng trên sân khấu trước mặt các bạn đồng trang lứa, và phát biểu trôi chảy bằng tiếng Anh, ít ai hình dung ra cô gái đã trải qua những tháng ngày cơ cực như thế nào. “Tôi chưa bao giờ biết trường học là như thế nào, chưa bao giờ biết tiếng Anh là gì và không bao giờ biết rằng cuộc sống có thể tươi đẹp đến thế. Ngày hôm nay khi đứng tại đây, tôi rất phấn khích nhưng cũng rất lo lắng. Thật may là buổi lễ diễn ra rất suôn sẻ. Nó thật tuyệt vời!”, Sophy Ron chia sẻ sau khi buổi lễ tốt nghiệp kết thúc.

Gặt hái được thành công như hôm nay, song Sophy không bao giờ quên mất gốc rễ của mình. Cô gái đã trở về Campuchia để ăn mừng thành tích học tập của mình với bạn bè và gia đình cho đến khi học kỳ tiếp theo bắt đầu ở Đại học Melbourne.

Ngay khi câu chuyện của Sophy được đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng truyền cảm hứng đến hàng ngàn người. Cư dân mạng cũng gửi những lời chúc mừng đến cô gái đầy nghị lực này và cảm ơn cô đã mang đến hy vọng cùng cảm hứng cho những người có hoàn cảnh khó khăn muốn đạt được thành công như cô.

“Rất nhiều người xem bài phát biểu của tôi tại buổi lễ tốt nghiệp và nói rằng họ đã khóc khi nghe câu chuyện của tôi. Rất nhiều bạn bè trong trường đã nhắn tin cho tôi rằng, họ không biết về quá khứ cơ cực mà tôi trải qua và thực sự đó là câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người. Nghe được những lời nói ấy, tôi đã rất hạnh phúc, thực sự hạnh phúc”, Sophy Ron xúc động chia sẻ. 

Một số người cũng tán dương những nỗ lực của CCF trong việc giải cứu và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Phnom Penh vươn tới tri thức và thoát nghèo. Nếu không nhờ những hành động đầy ý nghĩa này của CCF thì có lẽ Sophy và các em nhỏ khác sẽ không nhận ra được tiềm năng thật sự của mình.

Đọc thêm