Cuộc gặp gỡ định mệnh đưa cô bé khiếm thính trở thành nhân vật biểu tượng cho nghị lực

(PLVN) - Bị mù và điếc từ khi còn nhỏ nhưng Helen Keller đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành người đầu tiên mang 2 khuyết tật lấy được bằng cử nhân và là biểu tượng của tinh thần bất khuất của con người.
Bà Keller và cô giáo Anne Sullivan.
Bà Keller và cô giáo Anne Sullivan.

Biến cố ập đến

Helen Adams Keller sinh năm 1880 ở một trang trại gần Tuscumbia, bang Alabama của Mỹ. Khi mới chào đời, Keller khá bụ bẫm, xinh xắn và đặc biệt rất thông minh. 6 tháng tuổi, cô bé đã bắt đầu bi bô học nói, 1 tuổi đã chập chững biết đi được. 18 tháng đầu đời của Keller trôi qua như bất cứ một đứa trẻ bình thường nào khác nhưng bất hạnh ập đến khi cô tròn 19 tháng. Sau một đợt sốt cao ngắn ngày, cô gái nhỏ đột ngột mất đi khả năng nghe và nhìn, việc phát âm vì thế cũng trở nên vô cùng khó khăn. 

Vốn là một đứa trẻ thông minh nên Keller đã tìm mọi cách để có thể hiểu được những thứ xung quanh. Cô bé bắt đầu tự nghĩ ra các dấu hiệu để có thể giao tiếp với mọi người. Nhưng, với một đứa trẻ đang ở độ tuổi khám phá thế giới, những chỉ dấu đó không thể đủ. Dần dà, khi nhu cầu giao tiếp lớn hơn, Keller trở nên ngang bướng, khó kiểm soát; thường xuyên tức giận, la hét, đập phá đồ đạc mỗi khi không thể hiểu hay không thể làm những người xung quanh hiểu được mình muốn nói gì. 

Thương con, mẹ của Keller đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu để dỗ dành, trợ giúp con. Năm 1886, sau khi đọc được thông tin về một phương pháp giảng dạy trẻ mù, điếc bước đầu được chứng minh hiệu quả, bà đã đưa chồng con tới Baltimore, bang Maryland để gặp Tiến sỹ J. Julian Chisolm - người sáng tạo ra phương pháp giảng dạy này. Sau khi kiểm tra Keller, ông Chisolm đề nghị gia đình đưa cô bé tới gặp Alexander Graham Bell - người phát minh ra điện thoại, khi đó đang nghiên cứu về phương pháp giảng dạy trẻ điếc. 

Sau cuộc gặp, cả gia đình lại được hướng dẫn tới Viện dành cho người mù Perkins ở Boston, Massachusetts. Tại đây, Giám đốc của Viện đã giới thiệu cho gia đình Hellen một giáo viên vừa tốt nghiệp tên Anne Sullivan. Đây cũng chính là sự kiện đánh dấu mối quan hệ cô - trò kéo dài đến 49 năm về sau.

Tâm hồn được “khai sinh”

Ngày 3/3/1887, cô Sullivan tới nhà Keller để trở thành cô giáo của cô bé. Keller về sau gọi đây là ngày tâm hồn cô được sinh ra. “Ngày quan trọng nhất trong đời mà tôi nhớ chính là ngày cô giáo Anne Mansfield Sullivan đến”, Keller nhớ lại. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ khi nhớ lại.

Còn ban đầu, khi mới đến, cô Sullivan đã vấp phải sự kháng cự khá mạnh từ cô học trò nhỏ. Keller thậm chí đã đạp, đấm và đẩy cô đến mức bị gẫy một chiếc răng. Về sau, cô Sullivan phải đề nghị gia đình tách riêng 2 cô trò ra một mái lều nhỏ để uốn nắn. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và dứt khoát của cô đã cảm phục được Keller - một bước đi vô cùng quan trọng trước khi việc giáo dục có thể bắt đầu.

Đến lúc này, cô Sullivan mới chính thức bắt tay vào việc giảng dạy cho Keller bằng ngôn ngữ đọc bằng tay do Giám đốc đầu tiên của Viện Perkins phát triển. Trong vài tháng sau đó, Keller đã học cách cảm nhận đồ vật và liên kết chúng với các từ được đánh vần bằng tín hiệu ngón tay trên lòng bàn tay, đọc câu bằng cách cảm nhận các từ được viết bằng chữ nổi được viết trên những bìa cứng, tự đặt câu bằng cách sắp xếp các từ.

Vốn là một cô bé thông minh và thích khám phá, những thứ mới mẻ này đã khiến những giác quan tưởng chừng như đã chết trong Keller đã được hồi sinh. Cô bé bắt đầu tò mò về mọi thứ xung quanh, tích cực chạm vào các đồ vật, học tên và cách sử dụng chúng một cách đầy hào hứng.

Tháng 5/1888, Sullivan đưa Keller tới trường dành cho người mù Perkins ở Boston để học chữ nổi. Tại đây, Keller được gặp gỡ nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh và được cùng chúng thoải mái chơi đùa, giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng của chúng. Cũng ở ngôi trường này, cô bắt đầu được học thêm tiếng Pháp, toán học, địa lý và các môn học khác. Đến năm 1890, Keller chuyển sang theo ngôn ngữ ở trường dành cho người điếc Horace Mann.

Tại đây, cô cũng học cách đọc môi bằng cách đặt ngón tay lên môi và cổ họng của người nói trong khi cùng đồng thời phát âm những từ đó để cảm nhận và ghi nhớ. Trong 3 năm từ 1894 tới 1896, Keller học ở trường dành cho người điếc Wright-Humason nhằm cải thiện các kỹ năng giao tiếp cùng 1 số môn học khác. Trong thời gian này, cô bé cũng bắt đầu nung nấu ý chí vào đại học. Năm 1896, cô quyết định vào học ở trường Cao đẳng dành cho nữ giới Cambridge. 

Đến năm 1990, Keller đăng ký và được nhận vào trường Đại học Radcliffe. Ấn tượng về tài năng của nữ sinh giàu nghị lực, một doanh nhân giàu có tên Henry H.Rogers đã hào phóng đồng ý đài thọ toàn bộ chi phí theo học cho cô. Cô Sullivan lúc này vẫn là người đồng hành, luôn ngồi cạnh để hỗ trợ diễn dịch bài giảng và giáo trình cho Keller. Ở thời điểm này, Keller đã làm chủ được một số phương pháp giao tiếp, trong đó có đọc, đọc chữ nổi, ngôn ngữ chỉ tay...

Được tiếp cận với những kỹ năng mà chưa có bất kỳ người khuyết tật tương tự nào được học, Keller bắt đầu viết về sự mù lòa - một chủ đề khi đó vẫn là điều cấm kỵ trên các tạp chí phụ nữ. Chủ biên Tạp chí Ladies là Edward W.Bok đã chấp nhận đăng tải các bài viết của cô. Nhiều tạp chí lớn khác The Century, McClure, và The Atlantic Weekly sau đó cũng làm vậy. 

Trong thời gian sau đó, với sự giúp đỡ của cô Sullivan và chồng tương lai, Keller đã viết cuốn sách đầu tiên có tựa đề “Câu chuyện đời tôi”, kể về hành trình từ nhỏ cho đến khi trở thành sinh viên đại học của chính mình. Năm 1904, ở tuổi 24, Keller tốt nghiệp trường Radcliffe, trở thành người vừa khiếm thính vừa khiếm thị đầu tiên trên thế giới lấy được bằng cử nhân.

Nhân vật truyền cảm hứng

Rời trường đại học, Keller tiếp tục khám phá thế giới cũng như tìm hiểu về những cách có thể giúp cải thiện cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ. Ít lâu sau đó, Keller đã trở nên nổi tiếng khắp nơi với những bài thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng như các hoạt động xã hội nhằm thúc đẩy quyền lợi của người khuyết tật.

Năm 1915, Keller trở thành người đồng sáng lập tổ chức Helen Keller International đấu tranh vì quyền của người mù và người suy dinh dưỡng. Năm 1920, Keller giúp thành lập Hiệp hội các quyền tự do dân sự Mỹ, tích cực vận động cho quyền bầu cử của người phụ nữ, kiểm soát sinh đẻ...

Trong khoảng 11 năm, từ năm 1946 đến 1957, Keller đã đi tới 35 nước trên khắp 5 châu lục. Trong đó, năm 1948, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí đầu tiên của Mỹ và được cử tới Nhật Bản. Năm 1955, ở tuổi 75, bà vẫn thực hiện hành trình gần 70.000 km kéo dài 5 tháng ở khắp châu Á. Thông qua những bài diễn thuyết của mình, bà đã tạo cảm hứng và động lực phấn đấu cho hàng triệu người ở khắp mọi nơi.

Với những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi như vậy, trong suốt cuộc đời, Keller đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Danh sách những người trở thành bạn bè của bà bao gồm toàn những nhân vật nổi tiếng như Albert Einstein, Charlie Chaplin, John F.Kennedy, Henry Ford, Franklin D.Roosevelt, Dwight D.Eisenhower, Katharine Cornell, Eleanor Roosevelt, Will Rogers...

Trong suốt cuộc đời đáng nhớ của mình, bà trở thành minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của sự quyết tâm, chăm chỉ và là biểu tượng của sự vượt lên số phận. Tạp chí Time năm 2000 xếp bà vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới thế kỉ XX. Cuốn sách đầu tay “Câu chuyện đời tôi” của bà đến nay đã được dịch sang 50 thứ tiếng và cũng đã được chuyển thể thành phim. Ngoài ra, bà còn viết nhiều cuốn sách có tiếng khác như: Thế giới tôi đang sống, Bài hát từ bức tường đá, Vượt ra khỏi bóng tối...

Đọc thêm