Cướp biển vùng vịnh New Orleans

(PLVN) - Với ngoại hình điển trai, Jean Lafitte là mẫu hình lý tưởng của mọi phụ nữ ở New Orleans và cũng rất nổi tiếng trong các đấng mày râu. Đối với bọn thuộc hạ, hắn là một người cai quản nghiêm khắc...
Tướng cướp Jean Lafitte.
Tướng cướp Jean Lafitte.

Trở thành cướp biển

Được biết đến qua nhiều danh hiệu như “Tướng cướp”, “Đức vua xứ Barataria” và “Người hùng của New Orleans” cũng như “Nỗi kinh hoàng vùng vịnh”, Jean Lafitte là người mà mỗi biệt danh đều đúng với một tính cách của hắn. 

Thường coi mình là thương nhân chứ không phải là thủy thủ, được ca ngợi trong cuộc chiến New Orleans cùng người Mỹ chống lại người Anh, hắn cũng bị người Mỹ kết án vì tội cướp biển ở vịnh Mexico. Là người vừa phức tạp vừa lãng mạn, Lafitte đã trở thành nguồn cảm hứng cho Lord Byron khi sáng tác một bài thơ về hắn. 

Nhiều thế kỉ sau, Lafitte được tái hiện trong bộ phim do Cecil B.DeMille đạo diễn. Một khu bảo tổn lịch sử quốc gia của Hoa Kỳ mang tên hắn và một làng đánh cá của người Cajun, Lousianian cũng mang tên hắn. Theo lời của Charles Elims trong cuốn “Viết về cướp biển”, Jean Lafitte được sinh ra tại St Maloes, nước Pháp vào khoảng năm 1781 (mặc dù một số nguồn tin cho biết hắn được sinh ra tại Haiti) và bắt đầu đi biển vào năm 13 tuổi. 

Họa hình chân dung tướng cướp Jean Lafitte.
Họa hình chân dung tướng cướp Jean Lafitte.  

Sau vài năm đi quanh châu Âu và vùng biển châu Phi, Lafitte được chọn làm thành viên tham gia trên một con thuyền của Công ty Đông Ấn Pháp đến Madras. Trong chuyến đi này, con thuyền gặp phải một cơn bão ngoài khơi mũi Hảo Vọng nên thuyền trưởng đã quyết định thay đổi hải trình đến Mauritius. Khi đến nơi an toàn, Lafitte đã rời khỏi con thuyền này và tìm thuê người cho con thuyền truy đuổi của riêng hắn.

Hắn nhanh chóng cho thuyền ra khơi và tấn công những con thuyền của Anh, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng lại vấp phải trở ngại khi một trong số các con thuyền nạn nhân đã phản công, đuổi theo và khiến cho Lafitte phải đi “khá xa về phía Bắc so với đường xích đạo”. 

Không đủ lương thực để quay lại Mauritius, Lafitte quyết định đi đến vịnh Bengal với hy vọng sẽ cướp được của một vài con thuyền Anh, đặc biệt là để lấy thêm thức ăn và nước ngọt. Mặc dù con thuyền không được trang bị đầy đủ, chỉ có 2 khẩu pháo cùng với 26 thủy thủ nhưng Lafitte vẫn cướp được con thuyền Anh đầu tiên bắt gặp. 

Sau khi chuyển 19 người sang con thuyền mới cướp được, Lafitte bắt đầu đi theo vùng biển Bengal và gặp một con thuyền tên là Pagoda, thuộc sở hữu của Công ty Đông Ấn Anh. 

Giả làm một loại thuyền dẫn đường, thuyền của Lafitte tiến sát Pagoda rồi “đột ngột nhảy lên khoang thuyền cùng với đội quân cướp biển liều lĩnh, đánh bại tất cả những ai dám chống cự và nhanh chóng chiếm được con thuyền”.

Nỗi kinh hoàng trên biển

Sau thành công này, Lafitte cùng đoàn thuyển cướp biển quay về Mauritius và trở thành chỉ huy của một con thuyền mới mang tên La Confiance. Sau đó, hắn quay lại vùng biển Ấn Độ thuộc Anh. 

Tháng l0/1807, Lafitte quan sát thấy một con thuyền Anh chở khoảng 400 người cùng với 40 khẩu pháo. Con thuyền này tân tiến hơn hẳn con thuyền của hắn. Tuy nhiên, với bản tính liều lĩnh, những tên cướp biển đã tấn công con thuyền Anh. Ngay cả khi người trên con thuyền Anh nã một quả pháo bên mạn sườn thì họ vẫn không thể ngăn bước tiến của những tên cướp biển. Lafitte ra lệnh cho tất cả mọi người nằm sát xuống sàn boong thuyền cho đến khi loạt pháo chấm dứt.

Sau đó, bọn chúng bắt đầu nã đạn vào mục tiêu, giết chết và làm bị thương khá nhiều người trên con thuyền Anh. Những người còn sống sót rơi vào thế bị động hoàn toàn, rất nhiều người đã nhảy xuống biển mong thoát thân.Nhìn thấy cơ hội đã đến, Lafitte ra lệnh cho 40 tên cướp mang theo súng và dao găm tiến lên con thuyền kia rồi chia thành hai nhóm và nhanh chóng giết chết viên thuyền trưởng của con thuyền. 

 

Lafitte tiếp tục ra lệnh cho nhóm còn lại nạp đạn vào một trong số các khẩu pháo trên thuyền cướp biển rồi chĩa nòng pháo hướng vào thuyền đối phương. Đây chính là tín hiệu cuối cùng cho những thủy thủ Anh còn lại để thấy rằng bất kì hành động chống cự nào cũng sẽ không có tác dụng, nên họ đành chấp nhận đầu hàng.

Chỉ qua đêm hôm ấy, cái tên Lafitte đã trở thành nỗi khiếp sợ của toàn bộ những thương nhân người Anh trong khu vực đó. Vì thế, bất kì con thuyền Anh nào muốn đi an toàn qua Ấn Độ Dương đều phải vũ trang cẩn thận. Vì những con thuyền Anh trong vùng đều chuẩn bị phòng thủ tốt nên cuối cùng, Lafitte đã quyết định đi đến nơi khác để có thể kiếm chác. 

Đi lên vịnh Guinea và đi vào vùng Benin, hắn đánh cướp 2 con thuyền chở một lượng lớn ngà voi, vàng cám và dầu cọ. Sau đó, hắn đến St Maloes, đuổi theo một con thuyền, cướp thêm 20 khẩu pháo và thu nạp thêm khoảng 150 người rồi lên đường đến Guadeloupe thuộc Caribe.

Căn cứ vững chắc

Sau một vài lần thành công, Lafitte quyết định đến New Orleans để cùng người anh trai Pierre mở lò rèn trên phố Rue de St Philippe, thực ra chỉ để làm bình phong cho việc mua bán hàng hóa bất hợp pháp do cướp biển tuồn vào Louisiana. Có người còn cho rằng hai anh em Lafitte còn bán nô lệ cho các chủ đồn điền trồng bông và đường tại Mississippi.

Đặc biệt, Jean không chỉ được coi là một thương nhân sắc sảo mà còn là một người có giáo dục. Một số tài liệu hiện nay còn cho thấy rằng hắn có thể đọc viết thông thạo 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Mặc dù kiếm chác được rất nhiều ở New Orleans nhưng vào năm 1809, hai anh em quyết định đi khỏi thành phố và chuyển đến Barataria trong vịnh Mexico, khu vực bao gồm 3 hòn đảo: Grande Terre, Grande Isle và Cheniere Caminada.

 

Thời điểm đó, một nhóm cướp biển đã được thành lập, Lafitte trở thành chỉ huy của bọn chúng khi hắn chỉ mới 30 tuổi. Đội quân cướp biển của hắn tấn công thuyền Anh, Pháp và cả thuyền của Hoa Kỳ. Một tòa công sự được xây dựng trên đảo và trở thành nơi ở của Lafitte mặc dù nhà của nhiều cướp biển khác không khác gì một túp lều lợp cỏ khô và lá cọ. Bến cảng được bảo vệ bằng một đội quân gồm 20 khẩu pháo và đài quan sát được xây dựng ở vị trí thuận tiện để có thể quan sát những nạn nhân đang tiến vào, thông tin sẽ ngay lập tức được chuyển về tòa công sự mà Lafitte rất ít khi rời chân.

Rõ ràng Lafitte đã có một cuộc sống đầy đủ tại Barataria, một thiên đường nhiệt đới với những bãi cát dài và dừa mọc dọc theo những vùng nước tuyệt đẹp và xanh thẳm. Những hòn đảo này có rất nhiều hải sản và phong phú về các loại hoa quả và rau nhiệt đới. 

Lafitte đang ở đỉnh cao, là ông hoàng của mọi thứ hiện có. Với hàng nghìn tên cướp biển đang hoạt động tại Barataria, Lafitte yêu cầu được chia phần đối với tất cả mọi thứ mà những tên cướp biển cướp được từ những con thuyền buôn đi qua. Vì vậy, hắn trở thành một người vô cùng giàu có. Tài sản cướp được gồm pho-mát, ca cao và rượu mạnh, tơ lụa và vải canh, đĩa bạc, đồ gỗ, quần áo, đồ thêu và vàng cám cũng như trang sức và tiền vàng... Tất cả những thứ ấy đều có thể được tẩu tán dễ dàng nhờ những mối quan hệ hiện có của Lafitte.

Lafitte thành lập một hệ thống vận chuyển độc nhất vô nhị xuyên qua các vùng vịnh quanh Barataria và New Orleans - một khu vực mà cho đến ngày nay vẫn còn là một nơi khó lòng vượt qua vì rừng cây rậm rạp, đầm lầy và những loài thú nguy hiểm. Tuy nhiên, một người như Lafitte không thể bị điều này khuất phục. Hắn cho người đóng thuyền nhỏ từ gỗ của những cây đổ và phát triển một hệ thống đường thủy để hàng ngày, đội quân của hắn có thể mang những món hàng bất hợp pháp đến và đi từ New Orleans. 

Với những hàng hóa còn lại trong thành phố nhưng chưa được bán, hắn cho cất giữ tại một khu chợ trên đảo Grand Terre. Từ những vùng thuộc hạ lưu Louisiania, người ta đổ xô đến Barrataria để mua hàng buôn lậu của Barrataria. Tuy nhiên, khung cảnh sống êm đềm lại không kéo dài được lâu...

(Còn nữa) 

Đọc thêm