Hành trình công lý của người tù oan 17 năm vì chiếc đồng hồ cũ

(PLVN) - Nếu cảnh sát không nghe được thông tin về việc Clarence Harrison đang rao bán một chiếc đồng hồ đeo tay thì có lẽ anh ta sẽ không bao giờ bị buộc tội hiếp dâm một cách oan uổng, cũng đồng nghĩa với việc anh ta không bao giờ mất đi 17 năm thanh xuân oan ức trong nhà tù ở bang Georgia của Mỹ.
Vợ chồng Harrison.
Vợ chồng Harrison.

Chi tiết chiếc đồng hồ

Một ngày cuối năm 2004, ông Clarence Harrison (SN 1959) đến quầy thu ngân tại cửa hàng chuyên burger và xúc xích ở Atlanta có tên Frankie, gọi một chiếc xúc xích Ba Lan. Thực ra, Harrison không phải người sành ăn, anh đến đây không phải vì mê những đồ ăn của nước ngoài mà chủ yếu là vì anh muốn được ra ngoài tận hưởng thời tiết ấm áp, nhấm nháp món khoai tây chiên kiểu Pháp, uống soda và chờ đợi đến ngày cuối tuần để được ở nhà cùng với vợ. 

Harrison có lý do để thích thú những thú vui nho nhỏ mà người bình thường nhiều khi để tâm đến. Chỉ 3 tháng trước, ông ta vẫn đang bị giam tại nhà tù Smith - nhà tù chính của bang Georgia, với mức án tù chung thân vì tội hãm hiếp và trộm cắp. Tính đến thời điểm đó, Harrison đã bị giam cầm 17 năm ròng.

Câu chuyện oan khiên của Harrison bắt đầu vào rạng sáng ngày 25/10/1986, khi cảnh sát thành phố Decatur, thuộc hạt DeKalb, tiểu bang Georgia nhận được tin báo từ một phụ nữ 25 tuổi cho biết cô vừa bị tấn công, hãm hiếp. Theo người phụ nữ, khoảng 5h sáng hôm đó, khi cô ta đang đứng chờ xe bus thì một người đàn ông bước tới, đánh vào mặt rồi kéo cô tới một bờ kè. Tại đây, hắn tiếp tục đánh đập và hãm hiếp cô. Sau khi thỏa mãn thú tính, người đàn ông còn kéo người phụ nữ đến 2 chỗ khác và tại mỗi điểm này hắn đều hãm hiếp cô rồi mới chịu bỏ đi. 

 

Sau khi gã đàn ông bỏ đi, người phụ nữ đã cố lết tới nhà một người bạn để nhờ người này báo cảnh sát và đưa tới bệnh viện. Theo khai báo của người phụ nữ, trong quá trình tấn công cô, thủ phạm đã lấy trộm chiếc đồng hồ đeo tay và tiền bạc của cô. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cảnh sát đã nhanh chóng lập hồ sơ vụ án và cử các nhân viên bủa đi tìm kiếm các thông tin từ người dân.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát hạt DeKalb nhận được tin báo về việc Clarence Harrison đang rao bán một chiếc đồng hồ. Thông tin này được cảnh sát đặc biệt quan tâm vì trước đó Harrison đã từng 1 lần bị kết án về tội trộm cắp. Một nhóm cảnh sát được cử tới lục soát nhà Harrison nhưng họ đã không phát hiện chiếc đồng hồ của nạn nhân. Chiếc đồng hồ được rao bán thực chất chỉ là chiếc đồng hồ cũ của anh. Dù vậy nhưng chi tiết rao bán đồng hồ vẫn khiến anh bị cảnh sát liệt vào dạng nghi phạm. Để xác định anh ta có phải là thủ phạm hay không, cảnh sát đã đưa ảnh của nghi phạm này cho nạn nhân để cô nhận dạng. Điều tai hại là người này khẳng định Harrison chính là kẻ đã tấn công cô. 

Ngay lập tức, Harrison đã bị bắt. Tại phiên tòa diễn ra sau đó, người phụ nữ vẫn tiếp tục khẳng định anh ta là kẻ tấn công cô. Kết quả xét nghiệm ADN mẫu tinh dịch thu được trên cơ thể nạn nhân tại thời điểm đó chỉ có thể loại bỏ hơn 10% dân số khỏi danh sách nghi phạm nhưng Harrison lại có mẫu ADN trong nhóm không được loại trừ. Hơn nữa, anh ta lại là người có tiền án. Với tất cả những yếu tố này, ngày 18/3/1987, Clarence Harrison đã bị buộc tội hãm hiếp và cướp của cùng mức án tù chung thân.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc động trời, Harrison đang làm lái xe cho một cơ sở chuyên sản xuất thùng nhựa, đã kết hôn và có 2 đứa con nhỏ. Cuộc sống dù không quá giàu sang nhưng cũng khá yên ấm và hạnh phúc. Tuy nhiên, tất cả đã  vụt biến mất bởi vụ việc động trời. Chỉ ít lâu sau khi Harrison bị bắt giữ, thậm chí anh vẫn chưa bị đưa ra tòa xét xử, người vợ đã đệ đơn xin ly hôn. Sau khi anh bị kết án tù giam, ban đầu 2 đứa con cũng thi thoảng đến thăm cha nhưng về sau thì những chuyến thăm đã biến mất hoàn toàn. 

Trong nhiều tháng sau khi bị kết án, Harrison liên tục viết thư, gọi điện từ nhà giam để tìm cách thuyết phục những người thân quen rằng anh đã bị kết án oan. Ngoài ra, anh cũng cố tìm thông tin về những người có thể giúp anh minh oan để viết thư, gọi điện thuyết phục họ. Song, vài năm sau, Harrison quyết định từ bỏ hy vọng được minh oan và xác định sẽ sống nốt phần đời còn lại trong tù ngục vì nghĩ rằng sẽ chẳng có gì có thể chứng minh được anh không phạm tội nữa. 

Hành trình tìm lại công lý

Năm 2003, Harrison bắt đầu viết thư cho Dự án Vô tội Georgia để nhờ tổ chức này minh oan cho mình. Sau khi đọc kỹ và phân tích bức thư của Harrison, các nhân viên làm việc tại Dự án tin rằng lời nói của Harrison là sự thực.

Với niềm tin đó, họ đã bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại danh dự và tự do cho Harrison. Cú đột phá thực sự trong vụ việc của Harrison diễn ra khi một sinh viên trong lúc lật giở lại hồ sơ vụ án tại văn phòng công tố viên hạt DeKalb đã phát hiện 2 mẫu vật bằng chứng ADN thu được trên người nạn nhân khi xảy ra vụ hãm hiếp, tấn công. 

Ngay lập tức, nhóm làm việc của Dự án đã đến nhà tù Smith để thu thập mẫu ADN của Harrison. Mẫu ADN của người này đã được kiểm tra và so sánh với mẫu vật thu được trong vụ hiếp dâm xảy ra năm 1986 bằng một kỹ thuật xác định vật liệu di truyền có thể đưa ra các thông tin chi tiết được xem là bằng chứng thích hợp theo luật hình sự. Kết quả chứng minh Harrison không phải là người đàn ông đã gây ra vụ hiếp dâm năm nào.

Ngay ngày hôm sau, nhóm làm việc tại Dự án Vô tội Georgia đã đến nhà tù để thông báo với Harrison về kết quả kiểm tra. 2 ngày sau đó, ngày 27/8/2004, họ bắt đầu quá trình để yêu cầu nhà chức trách trả lại sự trong sạch cho Harrison. Sáng 31/8/2004, với tốc độ được xem là chưa có tiền lệ, thẩm phán Cynthia Becker đã yêu cầu phóng thích Harrison. Harrison tìm lại được sự tự do của mình chỉ 3 ngày trước khi anh tròn 45 tuổi. 

Sau khi được ra tù, tháng 9/2004, Harrison đã tổ chức đám cưới với một người phụ nữ tên Yvonne Zellars mà anh ta tình cờ quen biết qua một người bạn tù từ cuối những năm 1990. Bản thân Zellars ngay từ đầu cũng có niềm tin rằng bạn trai của cô hoàn toàn vô tội. Chính vì vậy, cô đã tích cực tìm kiếm sự trợ giúp về pháp lý cho Harrison và khuyến khích anh thử một lần nữa tìm cách minh oan cho mình. 

Được minh oan, được tìm lại những thú vui trong cuộc sống nhưng rõ ràng quãng thời gian phải chịu oan khuất sau cánh cửa buồng giam vẫn đã lấy đi của Harrison những thứ mà ông không thể nào có lại được. Đó là những năm tháng thanh niên trai trẻ mà lẽ ra ông có thể dành để làm được rất nhiều việc. Các con của ông cũng phải sống trong cảnh lớn lên mà không có sự bảo ban, dạy dỗ của cha. Vợ cũ của ông cũng đã qua đời trong thời gian ông bị tù oan.

Dù vậy nhưng người đàn ông này cho biết ông luôn cố không để cho sự thù hận xâm chiếm những suy nghĩ của mình, để những ngày được sống tự tại trở thành niềm vui và sự an ủi cho những thứ đã mất không thể lấy lại được. 

Đọc thêm