Hành trình của người xuất thân nông dân trở thành Thủ tướng Nhật Bản

(PLVN) - Nếu như người tiền nhiệm là ông Shinzo Abe được nhiều cho là sinh ra để trở thành Thủ tướng Nhật Bản thì con đường chính trị của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lại hoàn toàn khác...
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

“Bắt đầu từ con số 0”

Không giống như nhiều đồng nghiệp trong Nội các Nhật Bản trước đây vốn xuất thân từ các gia đình có nền tảng chính trị, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga là con trai của một nông dân trồng dâu tây một giáo viên. Lớn lên ở vùng nông thôn của tỉnh Akita ở miền Bắc Nhật Bản, sau khi học xong trung học phổ thông, ông đã rời quê nhà để lên Tokyo.

Để có tiền theo học đại học, ông đã từng trải qua nhiều công việc nặng nhọc khác nhau, bao gồm cả làm công nhân trong một nhà máy bao bì hay làm việc tại chợ cá. Trong thời gian này, ông tham gia lớp học buổi tối để lấy chứng chỉ cử nhân luật của Đại học Hosei vào năm 1973.  

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã làm thư ký cho Nghị sĩ Hikosaburo Okonogi trong 11 năm. Tháng 10/1986, ông quyết định nghỉ việc để theo đuổi sự nghiệp chính trị riêng. Đến năm 1987, ông chính thức đặt được những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình khi được bầu vào Hội đồng Thành phố Yokohama vào tháng 4 năm đó. 

Mặc dù không có những mối quan hệ tốt và thiếu kinh nghiệm chính trị nhưng ông đã bù đắp lại những thiếu hụt đó bằng lòng dũng cảm và sự chăm chỉ. Ông đã đến từng nhà vận động. Theo thông tin từ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, khi đó, ông đến thăm khoảng 300 ngôi nhà mỗi ngày với tổng cộng là 30.000 người. Vào thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, ông đã đi đến 6 đôi giày. Những nỗ lực của ông cuối cùng đã được đền đáp bằng chiếc ghế trong Hội đồng Thành phố Yokohama, nấc thang đầu tiên trên con đường thăng tiến của ông. 

Sự nghiệp chính trị của ông Suga bắt đầu gắn kết với ông Abe từ khi ông trúng cử vào Hạ viện Nhật Bản vào năm 1996. Nhiều người cho rằng chính ông Suga đã có ảnh hưởng đến quyết định của ông Abe ra tranh cử Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2012. Là người ủng hộ lâu năm của ông Abe, chính ông Suga đã thúc đẩy ông Abe ứng cử nhiệm kỳ thứ hai bất chấp việc lần đầu tiên đắc cử của ông Abe kết thúc chỉ sau 1 năm. 

Sau khi ông Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này cho đến nay. Ngoài ra, ông Suga đã từng giữ chức quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP. Ở vị trí Chánh văn phòng, ông Suga được cho là đã giúp thúc đẩy một số chính sách mang tính bước ngoặt của ông Abe, bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với lao động nước ngoài.

Trong phát biểu chấp nhận đề cử của đảng LDP làm lãnh đạo của đảng này, ông Suga nói rằng ông “bắt đầu từ con số không”. “Tôi, với nền tảng này, đã có thể trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do với tất cả lịch sử và truyền thống của nó. Tôi sẽ cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho Nhật Bản và người dân Nhật Bản”, ông khẳng định.

“Nghiện” công việc

Trong thời gian giữ chức Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Suga nổi tiếng là một người khá kín tiếng. Nhiều người cho rằng, đây có thể là một trong những lý do giúp ông có thể tồn tại ở vị trí này trong thời gian dài như vậy. 

Ngoài ra, tân Thủ tướng Nhật Bản còn nổi tiếng là người “nghiện” công việc. Trong gần 8 năm làm Chánh văn phòng Nội các, ông có thói quen thức dậy vào lúc 5h00 sáng. Sau đó, ông dành 1 tiếng đồng hồ để lướt tin tức trên các tờ báo lớn rồi đi bộ 40 phút và gập bụng 100 lần. Sau khi ăn sáng, ông đến làm việc tại Văn phòng Thủ tướng vào lúc 9h mỗi ngày.

Với tư cách là người phát ngôn cao nhất của Chính phủ Nhật Bản, ông Suga tổ chức họp báo 2 lần/ngày. Phần lớn các cuộc họp báo này đều diễn ra theo kịch bản. Ông Suga có xu hướng bám vào các câu trả lời đã được chuẩn bị từ trước và rất hiếm khi trả lời các câu hỏi ngoài kịch bản. Vì vậy, ông thường được gọi với biệt danh ‘Teppeki’ (Bức tường sắt). 

Với tư cách là Chánh văn phòng nội các, ông Suga được đánh giá là một phát ngôn viên thành công vì có thể truyền đạt một thông điệp mà không làm lu mờ thông điệp hoặc cấp trên của mình. Vào bữa trưa, ông thích ăn mì soba, không phải vì món ăn này ngon hay vì lý do gì khác mà chủ yếu là bởi món này chỉ cần ăn trong 5 phút! Sau khi rời Văn phòng Thủ tướng lúc 18h45 buổi chiều, ông sẽ gặp gỡ ăn tối với các chính trị gia khác cũng như các học giả để trao đổi quan điểm về chính sách. 

Theo các nguồn tin, ông Suga hiếm khi ngủ tại nhà mình ở Yokohama mà ở luôn tại nhà khách Chính phủ để có thể qua cơ quan nhanh nhất có thể và nhanh chóng ứng phó với mọi trường hợp khẩn cấp. Việc tự thân vận động, tự thân phấn đấu đi lên ngay từ những ngày đầu bước vào chính trường đã rèn luyện cho ông Suga khả năng kết nối với cử tri được cho còn tốt hơn cả ông Abe. 

Trong sự nghiệp chính trị của mình và khi làm cố vấn cho ông Abe, ông Suga luôn luôn tập trung vào những vấn đề thiết thực nhất với cử tri, được ông ghi chép cẩn thận trong quyển sổ tay để phục vụ cho công việc khi cần. Ông Suga cũng nổi tiếng là nghiêm khắc khi sử dụng quyền lực của mình để kiểm soát bộ máy chính quyền rộng lớn Nhật Bản và giúp thúc đẩy các chính sách của chính phủ. “Mọi người nghĩ rằng tôi cực kỳ đáng sợ, đặc biệt là các quan chức. Nhưng tôi rất thoải mái với những người làm việc nghiêm túc”, ông Suga nói trong một cuộc tranh luận về việc lãnh đạo.

Sau khi ông Abe thông báo ý định từ chức vì lý do sức khỏe, nhiều thành viên cấp cao trong nội bộ LDP đã bày tỏ mong muốn ông Suga sẽ ra tranh cử để kế nhiệm Thủ tướng Abe và tiếp tục thực hiện các chính sách của ông này. Bản thân Thủ tướng Abe và Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai (một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nội bộ đảng cầm quyền) cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông Suga. 

Vai trò Chánh văn phòng Nội các trước đây thường được xem là bước đệm cho chức vụ Thủ tướng nhưng trước đó ông Suga thường xuyên nói rằng ông không quan tâm đến công việc ở vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, về sau, ông dường như đã đổi ý và cuối cùng được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản.

Những tuyên bố của ông Suga tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị thủ tướng diễn tối 16/9 cho thấy nhiều khả năng nhà lãnh đạo mới của Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp nối các chính sách kinh tế, an ninh và đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe, đồng thời đưa ra các chính sách mới nhằm thể hiện bản sắc riêng.

Đọc thêm