Làng thông minh Lapland (Kỳ 4): Nỗ lực vì một nền nông nghiệp tuần hoàn

(PLVN) - Người dân Bắc cực ở Lapland (Phần Lan) đã nghiên cứu các mô hình canh tác, chăn nuôi, khai thác nông sản và mô hình quản lý quỹ đất, kinh doanh nông sản từ rất sớm. Việc này nhằm tối đa hoá sản lượng từ một khu vực đất khai hoang hạn chế, trong một môi trường khí hậu khắc nghiệt, duy trì được cuộc sống người dân khi xảy ra biến cố môi trường do các tác động của biến đổi khí hậu. 
Thịt tuần lộc được khai thác hạn chế trở thành món ăn đặc sản xứ tuyết.
Thịt tuần lộc được khai thác hạn chế trở thành món ăn đặc sản xứ tuyết.

Khó như nông nghiệp Bắc cực 

Trong các khu vực Bắc Cực trên thế giới, các điều kiện môi trường, khí hậu dù có ưu đãi đến mấy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ cộng đồng nông nghiệp nào. Theo các nhà nghiên cứu, vùng Bắc cực Phần Lan có những lợi thế nhất định.

Đơn cử, nhà nghiên cứu người Mỹ Walter Russelll Mead đã khẳng định, không có khu vực nào khác trên thế giới nằm ở phía cực của Trái Đất lại có mật độ dân cư đông đúc và phát triển đầy đủ như tại phía Bắc Phần Lan. Sở dĩ Phần Lan có thể duy trì được mức độ phát triển này còn là bởi họ đã ý thức và áp dụng từ rất sớm hệ thống quản lý sử dụng đất bền vững, có thể tối đa hoá sản lượng từ một khu vực đất khai hoang có chất lượng hạn chế, trong môi trường khí hậu hàn đới khắc nghiệt. 

Bên cạnh đó, họ kết hợp phương pháp chăn nuôi tuần lộc truyền thống, trồng trọt các loại cây phù hợp với khí hậu, với thiên nhiên. Đáng nói, đến nay, những hoạt động nông nghiệp này còn trở thành bản sắc, thu hút khách du lịch đến vùng Lapland nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm.

Những sản phẩm chất lượng cao đặc trưng vùng miền còn được xuất khẩu ra vùng khác hoặc ra nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương. Tất cả những giải pháp của người Lapland đều tìm từ giải pháp tự nhiên, dựa trên ưu thế vốn có thiên nhiên ban tặng cho họ, dù bị hạn chế hơn nhiều so với các vùng đồng bằng, các vùng ven sông có khí hậu ôn hoà.

Một trang trại cá nhân tại Rovaniemi, Lapland.
Một trang trại cá nhân tại Rovaniemi, Lapland.  

Nói một chút về lịch sử nông nghiệp Phần Lan vào những năm 1950, phong trào khai hoang, chuyển đổi đất phi nông nghiệp sang đất nông nghiệp diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, từ cửa ngõ thủ đô đến biên giới Bắc Cực để phục vụ canh tác. Ý nghĩa của phong trào này là để nâng cao khả năng tự cung tự cấp lương thực cho người dân Phần Lan, dự trữ cho những biến cố về mặt kinh tế, khí hậu, mặt khác để xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. 

Tuy nhiên, để nông nghiệp tồn tại và phát triển trên biên giới Bắc Cực đòi hỏi nhiều hơn nữa từ cộng đồng nông dân chứ không chỉ là khả năng cải tạo đất hoang. Điều kiện cần là phải phát triển những hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp có quy mô hợp lý, để huy động được nguồn lực, tận dụng các điều kiện môi trường cụ thể để canh tác, chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, điều kiện đủ là phải có các doanh nghiệp riêng biệt để liên kết chặt chẽ cộng đồng để chia sẻ, sử dụng quỹ đất hiệu quả, tối ưu, trong giới hạn nghiêm ngặt vì điều kiện vật chất thiếu thốn, dân cư thưa thớt ở Lapland. 

Đơn cử, làng Peltovuoma là một trong những cộng đồng nông dân như vậy, nằm ở vĩ độ ở giáo xứ Enontekio, phía bắc của Vòng Bắc Cực, ở phía tây bắc của Phần Lan. Nhiệt độ quá lạnh và mùa đông quanh năm hạn chế sự phát triển của các loại cây lương thực. Cùng với sự xa xôi của ngôi làng khiến cho việc vận chuyển, mua bán thực phẩm trở nên khó khăn.

Sản phẩm hoa trái được ưu tiên cung cấp cho địa phương rồi đến xuất khẩu.
Sản phẩm hoa trái được ưu tiên cung cấp cho địa phương rồi đến xuất khẩu.  

Tuy nhiên, người dân làng có phát triển kinh tế trang trại tự cung tự cấp từ rất sớm. Trên mảnh ruộng của mỗi nhà, họ tự trồng trọt các loại cây lương thực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như khoai tây, cà rốt, … và chăn nuôi gia súc. Ngôi làng Peltovuoma, cũng như những ngôi nhà khác của Lapland, có truyền thống chăn nuôi tuần lộc. Loài vật nuôi này có thể giúp ích cho người nông dân trong việc kéo xe, di chuyển và cung cấp thịt khi cần thiết. 

Nền nông nghiệp tuần hoàn tại Lapland 

Trong Chương trình thực phẩm Lapland, việc chăn nuôi, canh tác là bước đầu tiên để người dân có đủ lương thực sinh tồn. Tuy nhiên, khi hoạt động nông nghiệp đạt mức ổn định, các vùng có khả năng giao lưu, kết nối với nhau, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là đầu ra mới của các sản phẩm nông nghiệp, cũng như sáng tạo các sản phẩm phi nông nghiệp, để tăng thêm sinh kế và vốn liếng cho người dân. 

Sau nhiều thập kỷ gìn giữ được phương pháp canh tác, chăn nuôi và quỹ đất nông nghiệp của mình, người dân Lapland đã sản xuất ra nhiều mặt hàng nông sản đa dạng. Người dân áp dụng nhiều phương pháp chế biến để gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm cho địa phương.

Các sản phẩm đưa đến bếp ăn, nhà hàng để phục vụ du khách.
 Các sản phẩm đưa đến bếp ăn, nhà hàng để phục vụ du khách. 

Các sản phẩm thực phẩm được chia thành các loại sau: Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, sữa đông lạnh, kem…); Thịt và các sản phẩm từ thịt (tuần lộc, bò, cừu, thịt băm, thịt quay…, trong đó thịt cừu Lappish và thịt tuần lộc được chia theo chất lượng, được bảo hộ thương hiệu); Rau (khoai tây, hành, cà rốt, củ cải, bắp cải…); Cá (chia thành cá quý hiếm, cá nuôi, cá băm nhỏ…); và các loại thảo mộc, sản phẩm tự nhiên khác (cây đương quy Angelica, rễ hồng Roseroot, vạn diệp Milfoil, chuối cứng Plantain, nấm Chaga,…).  Trong đó, các sản phẩm này được phân loại để xuất khẩu, hoặc đưa đến các nhà hàng, chợ, siêu thị, khu vực du lịch, hoặc bán buôn, bán trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ gia đình, người mua cá nhân. 

Hiện nền nông nghiệp Lapland đạt 30% hiệu quả tự cung tự cấp. Lapland đặt mục tiêu đạt 100 triệu euro vào năm 2025 từ các sản phẩm nông nghiệp, và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn gần như toàn diện. Để thực hiện cam kết này, Lapland áp dụng ý tưởng thành lập các “Câu lạc bộ Thực phẩm” để cộng đồng địa phương phối hợp chế biến, bảo quản, và tương tác, mua bán các sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, cộng đồng có thể hướng dẫn lẫn nhau việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện kinh doanh điện tử và tận dụng lợi thế của phương tiện truyền thông. Có hàng chục tổ chức, công ty tư nhân khác nhau trên 10 ngôi làng Bắc cực đã tham gia chương trình này từ lâu, cam kết vào năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu của câu lạc bộ và Chương trình thực phẩm Lapland. 

Chăn nuôi tuần lộc là đặc trưng của vùng đất ông gìa Nô-en.
Chăn nuôi tuần lộc là đặc trưng của vùng đất ông gìa Nô-en.  

Ở các ngôi làng của Lapland, việc mua thực phẩm từ bên ngoài tiêu tốn hàng triệu euro hàng năm. Do vậy, Lapland xây dựng mô hình làng thông minh Bắc cực không chỉ để duy trì những lợi thế nông nghiệp địa phương mà còn để phát triển những lợi thế đó, ngăn cản dòng vốn chảy ra ngoài và đem nguồn thu về cho địa phương. Thông điệp chính của Chương trình thực phẩm của Lapland là có thể tạo ra nhiều doanh nhân hơn trong lĩnh vực thực phẩm, tăng lợi nhuận và qua đó cải thiện sức sống của vùng nông thôn Bắc cực.

Đáng nói, trong việc thực hiện chương trình này, điều rất quan trọng là vai trò của truyền thông. Bằng cách chia sẻ về các chương trình, tầm nhìn và các hành động mang lại lợi ích cho cộng đồng, cùng các sáng kiến mới mẻ, cộng đồng nông dân Lapland có thể tạo ra sự thay đổi. 

Đọc thêm