Luật nào cho ai?

(PLVN) - Mỹ đang không chỉ đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào tình thế khó xử mà còn rất có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng rất hiếm thấy lâu nay về ngoại giao và luật pháp quốc tế khi hạ quyết tâm huỷ hoại thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA).
Mỹ cô lập trong vấn đề hạt nhân của Iran. Trong ảnh là Ngoại trưởng Mỹ Mikeo Pompeo.
Mỹ cô lập trong vấn đề hạt nhân của Iran. Trong ảnh là Ngoại trưởng Mỹ Mikeo Pompeo.

Sau khi không thành công trong dự thảo nghị quyết về kéo dài vô thời hạn việc cấm vận vũ khí đối với Iran, Mỹ đã chính thức yêu cầu  áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời kỳ trước khi có được JCPOA.

JCPOA là viết tắt của thoả thuận ký kết giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran hồi mùa hè năm 2015, tạm dịch là Chương trình Hành động tổng thể chung. Mục đích của thỏa thuận này là làm chậm lại và kiểm soát hoàn toàn chương trình tên lửa của Iran để đảm bảo chắc chắn nước này không thể phát triển vũ khí hạt nhân. 

Một trong những điều mà Iran được từ JCPOA là Liên Hợp quốc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran và việc cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ chấm dứt vào ngày 18/10 tới đây. Cũng trong JCPOA có một “cái chốt” cho trường hợp Iran không tuân thủ và thực hiện JCPOA. “Cái chốt” này có tên gọi là Cơ chế Snapback.

Nội dung của nó là nếu có bên nào tham gia ký kết JCPOA cho rằng Iran không tuân thủ đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định của JCPOA thì bên ấy có quyền yêu cầu Liên Hợp quốc áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA mà không thành viên nào của HDBA LHQ có thể phủ quyết. Liên Hợp quốc đã có nghị quyết coi JCPOA như luật pháp quốc tế và vì thế Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp hay Đức đều có quyền kích hoạt Cơ chế Snapback này. 

Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.  

Vấn đề đối với Mỹ ở chỗ năm 2018, Mỹ đã quyết định đơn phương rút khỏi JCPOA, tức là Mỹ tự rũ bỏ mọi trách nhiệm và cam kết với JCPOA. Cũng theo quy định của JCPOA, sau khi Mỹ kích hoạt cơ chế kia, Liên Hợp quốc có thời gian 30 ngày để quyết định về áp dụng trở lại hay không áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời trước khi có được JCPOA.

Mục đích chính của Mỹ là hủy bỏ JCPOA, tuy đã đơn phương rút khỏi JCPOA nhưng đấy không phải là thỏa thuận song phương riêng giữa Mỹ và Iran cho nên JCPOA vẫn có hiệu lực chừng nào các bên tham gia ký kết khác không từ bỏ nó. Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức vẫn tiếp tục nỗ lực như có thể được để duy trì JCPOA trong khi Iran cũng có lợi ích thiết thực ở việc bảo tồn JCPOA.

Bởi thế, Mỹ tìm cách đẩy Iran vào tình thế không còn có thể tiếp tục thực hiện JCPOA được nữa. Một khi Liên Hợp quốc áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt thì Iran sẽ chẳng còn lợi ích gì nữa với việc tiếp tục thực hiện JCPOA.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là sau khi đơn phương rút ra khỏi JCPOA thì Mỹ còn có quyền kích hoạt Cơ chế Snapback kia hay không. Mỹ lập luận rằng cái tên nước Mỹ hiện diện trong văn bản JCPOA khi Liên Hợp quốc công nhận nó như luật pháp quốc tế nên Mỹ có quyền kích hoạt Cơ chế Snapback.

Sẽ có sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về điều này và chừng nào chưa có một thể chế đa phương khách quan phán xử thì chừng ấy vẫn tồn tại một dạng khủng hoảng nhận thức về luật pháp quốc tế. Câu hỏi về luật nào dành cho ai đương nhiên sẽ được phía Mỹ trả lời theo cách riêng và theo lợi ích, mưu tính riêng của mình.

Hệ lụy trực tiếp của tình trạng ấy là Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ xử sự như thế nào khi Mỹ đưa ra một dự thảo nghị quyết mới với nội dung khuyến nghị Liên Hợp quốc không tái trừng phạt Iran để rồi dùng quyền phủ quyết của Mỹ để tự phủ quyết. Cả ở đây cũng thấy có tình trạng luật thì rất cụ thể và rõ ràng nhưng việc vận dụng và lập luận lại có thể theo nhiều cách khác nhau. Hiệu lực của luật trên thực tế bị thách thức, thậm chí cả bào mòn nữa chính vì thế.

Đọc thêm