Mì trường thọ - Món ăn phải có trong ngày sinh nhật và năm mới của người Trung Hoa

(PLVN) - Ẩm thực Trung Hoa đa dạng, phong phú như một quyển tiểu thuyết dài tập, không bao giờ kể hết được. Những món ăn ở đây đều có ý nghĩa của nó. Mì trường thọ là một trong những món như vậy.
Mì trường thọ - Món ăn phải có trong ngày sinh nhật và năm mới của người Trung Hoa

Món ăn mang ý nghĩa 

Mì vốn là một trong những món ăn phổ biến nhất của nền văn hóa ẩm thực Trung Hoa. Từ cách đây 4.000 năm người Trung Quốc đã phát minh ra mì rồi. Ở mỗi vùng khác nhau người ta lại có những cách chế biến mì khác nhau. Tuy nhiên để lựa chọn ra những món mì nổi tiếng nhất của Trung Quốc mà bạn nên thưởng thức thì có lẽ “mì trường thọ” là một cái tên không thể thiếu được.

Không chỉ là một món ăn ngon, mì trường thọ còn đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa của người Trung Quốc. Cách đây từ 300 năm trước, mì trường thọ ở Trung Quốc đã ra đời tại làng Nam Sơn, tỉnh Chiết Giang. Vào triều đại nhà Đường, thực phẩm trở nên rất khan hiếm. Khi đó vợ của hoàng đế Đường Minh Hoàng đã dùng một chiếc khăn tay của mình để đổi lấy một bát mì tặng cho chồng vào ngày sinh nhật.

Mì trường thọ là món ăn phải có dịp sinh nhật và Tết
 Mì trường thọ là món ăn phải có dịp sinh nhật và Tết 

Từ đó món mì này được gọi là mì trường thọ. Giống tên gọi, mì trường thọ của Trung Quốc tượng trưng cho lời chúc về sức khỏe và sống thọ đầu năm mới. Tuổi thọ là một trong nhưng điều được trân trọng nhất trong văn hóa Trung Hoa. Và từ xưa, người dân nước này đã có quan niệm sợi mì kéo càng dài được xem là biểu tượng cho sự mạnh khoẻ, tuổi thọ ngày càng cao.

Thế nên vào mỗi dịp mừng tuổi mới một ai đó, thay vì tặng cho người đó một chiếc bánh sinh nhật, người ta sẽ tặng một bát mì trường thọ. Người Trung Quốc quan niệm rằng khi ăn một bát mì trường thọ thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn, luôn khỏe mạnh và sẽ sống lâu trăm tuổi. Ngoài ra, không chỉ mang ý nghĩa về tuổi tác, mì trường thọ còn được cho là đem lại may mắn và thịnh vượng, thế nên nó còn xuất hiện trong những dịp đầu năm mới nữa.

Cùng thưởng thức món mì trường thọ khổng lồ trong một lễ hội
Cùng thưởng thức món mì trường thọ khổng lồ trong một lễ hội  

Chính bởi ý nghĩa đặc biệt này, người chế biến không được cắt sợi mì, vì làm vậy đồng nghĩa với việc tuổi thọ bị rút ngắn, mang theo xui rủi cho người ăn. Khi ăn mì trường thọ, phải ăn một hơi hết cả sợi mì và trước khi đưa mì vào miệng, không được cắn đứt sợi mì. Nét độc đáo trong văn hoá này ngày nay vẫn được người Trung Hoa duy trì và mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của họ. 

Cách chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ

Một bát mì trường thọ nhìn thì có vẻ rất đơn giản nhưng để làm được một bát mì ngon lại không phải là điều đơn giản chút nào. Người dân làng Nam Sơn trải qua hàng trăm năm đã đúc kết được một công thức làm mì vô cùng đặc biệt. Những sợi mì được làm bằng loại bột đặc biệt, sau khi cán mỏng, mì sẽ được cắt thành sợi nhỏ, đan chéo và phơi dưới nắng vài giờ đồng hồ.

Thời tiết sẽ mang tính quyết định việc ngon hay dở của sợi mì, trời nắng đẹp thì mì sẽ nhanh khô và ngon hơn nhiều. Ngày nay, bất cứ loại mì nào cũng có thể được sử dụng làm nên món ăn thơm ngon này, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến là mì Yi Mein (một loại mì trứng Quảng Đông). Loại mì này có màu vàng hấp dẫn và vị dai, xốp đặc trưng nhờ dùng nước soda trong quá trình chế biến. Để làm loại mì đặc biệt này, người làm cần có kỹ thuật cao. Khâu nhồi bột cũng được chú trọng kỹ lưỡng để đảm bảo đủ độ dai, khiến sợi mì có thể kéo dài. Sợi mì trường thọ sẽ có độ dài khoảng 3m chứ không ngắn như mì bình thường.

Một đầu bếp, nghệ nhân chế biến món mì trường thọ
 Một đầu bếp, nghệ nhân chế biến món mì trường thọ

“Sợi mì trường thọ chuẩn phải là sợi mì mỏng. Chúng tôi thường nhào bột thủ công trên các tấm gỗ và kéo chúng cho đến khi mỏng như sợi chỉ. Đó là lý do vì sao chúng tôi gọi sợ mì là ‘suomia’ (sợi chỉ)”, ông Lin Fagan, 51 tuổi, người làm mì thủ công tại nhà hơn 30 năm ở ngôi làng Nam Sơn. Mì trường thọ thường được làm ngoài trời. Công việc này thường cần từ 2-3 người và phải mất tới 16 tiếng để hoàn thành một mẻ mì.

Xử lý bột là công đoạn vất vả nhất, khi mì gặp nước chúng rất dính và buộc người làm mì phải dùng nhiều sức để nhào bột thật kỹ. Công việc nhào bột sẽ kéo dài trong 2-3 tiếng, sau đó bột sẽ kéo và quấn sợi mì vào 2 thanh gỗ. Ngày hôm sau nếu thời tiết tốt, sợi mì đã quấn sẽ được mang ra phơi. Tiếp đó là công đoạn kéo mì, người thợ phải khéo léo kéo những sợ mì cho đến khi chúng dài khoảng 3m và phải làm sao để sợi mì không bị đứt. Cuối cùng, mì đã kéo sẽ tiếp tục chờ khoảng 3-4 tiếng để sợi mì khô lại, rồi đem xếp chúng vào một chiếc mẹt bằng tre.

“Chúng tôi chỉ làm mì theo cách thủ công. Điều này sẽ giúp mì dai, mềm và ngon hơn. Trong khi máy móc chỉ khiến sợi mì bị bở sau khi chế biến. Mì của chúng tôi nổi tiếng và rất đắt hàng, khách muốn mua phải đặt trước”, ông Lin Fagan cho biết. Tuy nhiên, hiện nay ở làng, chỉ có những người lớn tuổi mới làm mì trường thọ. Lớp trẻ không cảm thấy hứng thú với công việc này.

“Thật đáng tiếc nếu để mất đi nghề truyền thống này, bởi nó đã tồn tại hàng trăm năm qua. Bản thân tôi có tình cảm đặc biệt với nghề làm mì và tôi luôn muốn là người thợ giỏi nhất và luôn cố gắng thực sự vì điều đó. Khi mọi người ăn mì và nói với tôi rằng: Mì là món ăn thật tuyệt vời! Điều đó khiến tôi cảm thấy tự hào” ông Lin Fagan chia sẻ.

Có thể thấy, để làm ra được những sợi mì dai, dài, người dân Nam Sơn đã mất rất nhiều công sức và chế biến với quy trình lâu dài, thận trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đây một trong những món ăn có công đoạn chế biến phức tạp, nên mặc dù đã có mặt ở Trung Hoa từ khá lâu nhưng không phải ai cũng có thể chế biến được. Mì trường thọ chỉ được khoảng vài trăm người biết làm mà thôi.

Ngày nay, mì trường thọ thường được xào với các loại rau củ, hải sản, hoặc nấu trong nước dùng được hầm từ gà. Nếu xào, các nguyên liệu phụ cần được để ráo nước và xào riêng, cho thêm dầu ăn để sợi mì không dính vào nhau. Một số nguyên liệu có thể ăn kèm cùng món này là thịt vịt quay, thịt xá xíu hoặc tôm sú, hoặc cũng có thể ăn riêng một mình.

Người Trung Quốc thường thêm một quả trứng gà vào mì trường thọ, vì trứng gà có hình tròn, tượng trưng cho sự viên mãn. Cũng có người nói, trứng gà tượng trưng cho sinh mạng Trải qua thời gian hình thành và tồn tại lâu dài, mì trường thọ vẫn giữ nguyên công thức chế biến đặc biệt của nó, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Là món ăn được nhiều du khách cảm thấy ngon miệng khi nhắc đến ẩm thực Trung Hoa, và chỉ khi đến vùng Chiết Giang du khách mới có thể thưởng thức bát mì trường thọ cách ngon nhất, đúng khẩu vị nhất. Với ý nghĩa quan trọng đặc biệt như vậy, mì trường thọ không chỉ đơn giản là món ngon bình thường mà nó còn là biểu tượng văn hóa được người Trung Hoa công nhận.

Là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, để khi nhắc đến những món ăn Trung Hoa người ta sẽ nhớ ngay món ngon cả về vật chất, lẫn tinh thần này. Cũng chính bởi ý nghĩa đặc biệt này nên mì trường thọ không chỉ được người Trung Hoa yêu thích, nó còn được nhiều du khách từ khắp nơi tìm đến thưởng thức với mong muốn được sống trường thọ hơn. 

Đọc thêm