Người dân Myanmar lao đao vì cắt điện toàn quốc, ngoại hối bị “đóng băng”

(PLVN) - Nhiều người Myanmar làm việc tại nước ngoài “đứng ngồi không yên” khi họ không thể gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” như thế này. Bên cạnh đó, mới đây ngày 5/3 mạng lưới điện bị cắt ở nhiều khu vực của Myanmar mà không rõ nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn...
Người biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Mandalay.
Người biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Mandalay.

Mất điện do sự cố?

Theo Reuters, cư dân tại các thành phố từ Myitkyina (phía Bắc) đến thủ đô Naypyitaw, TP Yangon và Mawlamyine (phía Nam) cho biết mạng lưới điện bị cắt vào đầu giờ chiều 5/3 (giờ địa phương).

Một viên chức làm trong ngành điện lực ở thành phố Yangon xác nhận mất điện diện rộng đã xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp Myanmar và nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế như một sự cố bất thường.

Cư dân tại nhiều khu vực từ thủ đô Naypyidaw đến Yangon và Mawlamyine cho biết việc mất điện đã xảy ra từ đầu giờ chiều 5/3. Mạng xã hội Facebook ở Myanmar cũng tràn ngập các thông tin mất điện diện rộng. Một vài người lo lắng không hiểu điều gì đã, đang và sắp sửa xảy ra.

Lý giải việc này, một quan chức ở Yangon cho biết: “Cúp điện là do sự cố ở hệ thống, chúng tôi không cắt điện. Trong tối nay sẽ có điện trở lại như bình thường”, Hãng tin Reuters trích lời vị này.

Hôm 5/3, Reuters đưa tin cảnh sát Myanmar tiếp tục nổ súng vào người biểu tình phản đối cuộc đảo chính khiến có người thương vong.Tại TP Yangon, cảnh sát bắn đạn cao su và ném lựu đạn gây choáng để giải tán người biểu tình, trong đó có khoảng 100 bác sĩ mặc áo trắng.

Cảnh sát Myanmar được triển khai nhằm ngăn dòng người biểu tình ngày 26/2/2021 (ảnh: TTXVN).
Cảnh sát Myanmar được triển khai nhằm ngăn dòng người biểu tình ngày 26/2/2021 (ảnh: TTXVN).  

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet yêu cầu lực lượng an ninh Myanmar ngừng trấn áp người biểu tình ôn hòa. Bà Bachelet cho hay hơn 1.700 người đã bị bắt kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào đầu tháng 2. 

Trong bối cảnh trên, rất nhiều cảnh sát Myanmar đã từ chức để tham gia phong trào bất tuân dân sự (CDM), con số đã lên đến hơn 600 người, bao gồm một số sĩ quan cấp cao.Những cảnh sát từ chức để phản đối chính quyền thuộc nhiều lực lượng như điều tra tội phạm, đặc nhiệm, an ninh...

Một số đơn từ chức của cảnh sát nêu lý do là họ không muốn thực hiện mệnh lệnh của hội đồng quân sự và từ chức để đứng về phía người dân, nói rằng họ chỉ chấp nhận một chính phủ được bầu. “Tôi không thể chịu đựng được cảnh nhiều người gặp khó khăn để một vài cá nhân thành công. Tôi biết một cây làm chẳng nên non nhưng tôi đã chọn ra đi, tự nhủ ít nhất họ sẽ mất một sĩ quan trấn áp những người biểu tình nếu tôi nghỉ việc”, một cảnh sát ở TP Yangon bộc bạch. 

Ngoại hối bị gián đoạn

Hơn 4 triệu trong dân số 54 triệu người của Myanmar làm việc ở nước ngoài, trong số đó nhiều người là trụ cột gia đình và số tiền họ gửi về là nguồn sống duy nhất của thân nhân ở trong nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối gửi về Myanmar lên tới 2,4 tỷ USD năm 2019, tương đương hơn 3% GDP của đất nước này.

Tuy nhiên, kể từ khi tình hình trở nên rối ren, những người làm việc ở nước ngoài không thể gửi tiền về Myanmar dù thân nhân của họ đang rất khó khăn. Như trường hợp của cô Own Mar Shwe(41 tuổi) là một ví dụ, kể từ khi đến Thái Lan làm việc vài năm trước, Own Mar Shwe hàng tháng gửi tiền về cho gia đình và 3 đứa con ở Myanmar mua thực phẩm và thuốc men. Nhưng từ khi xảy ra vụ chính biến, cô không thể tiếp tục gửi tiền về cho các con. Giống như hàng triệu lao động Myanmar làm việc ở nước ngoài và gửi thu nhập về nước cho những người phụ thuộc, cuộc đảo chính ngày 1/2 đã chặt đứt nguồn kiều hối cho gia đình, khi các dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền bị gián đoạn.

“Tôi lo lắng không biết gia đình mình xoay xở thế nào mỗi ngày, mẹ tôi 76 tuổi đang bị bệnh, phải dựa vào khoản tiền tôi gửi về để mua thuốc”, cô Shwe nói.Trước đây cô thường gửi 6.000 baht (200 USD) mỗi tháng qua một người trung gian sử dụng dịch vụ thanh toán Wave Money,tiền sẽ được chuyển các cửa hàng tiện lợi ở Myanmar, nơi người thân của cô đến rút.

Đối với Ko Nai Ling (33 tuổi,hiện làm việc tại trạm rửa xe tại Malaysia) thì tất cả những gì anh hy vọng là có thể sớm gửi tiền trở lại. Anh gần như không thể liên lạc với gia đình kể từ cuộc đảo chính.“Tôi rất lo lắng vì tôi là người duy nhất chu cấp cho họ. Nếu tôi không gửi được tiền, không biết họ sẽ sống ra sao”.

Giờ đây, các dịch vụ ngân hàng tại Myanmar hoạt động cầm chừng, một số chi nhánh đóng cửa, số khác giảm hoạt động và hạn chế rút tiền.Sự gián đoạn đã khiến một số ngân hàng và công ty tài chính ở nước ngoài ngừng dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar hoặc khuyên khách hàng nên hoãn kế hoạch chuyển tiền, với lý do giao dịch có thể bị đình trệ.

Ngân hàng Kasikornbank của Thái Lan ở Bangkok, các chi nhánh của Western Union và các điểm chuyển tiền quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã xác nhận điều này. Trong khi đó, một ngân hàng khác của Thái Lan, Siam Commercial Bank, cho biết dịch vụ chuyển tiền của họ vẫn hoạt động.

Western Union (công ty chuyển tiền lớn nhất thế giới)thì“không thể đưa ra khung thời gian cụ thể” về thời điểm nối lại dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar, theo một bài đăng trên trang web ngày 19/2.

“Kiều hối là vô cùng quan trọng với nhiều gia đình”, Nicola Piper, giáo sư tại Đại học Queen Mary, London, nói. “Trong tình hình hiện tại, khi Covid-19 kết hợp với khủng hoảng chính trị, sẽ tác động lớn đến sinh kế của các gia đình bị bỏ lại phía sau”.

Benjamin Harkins - giám đốc cấp cao của Quỹ An ninh Lương thực và Sinh kế LHQ ở Yangon cho biết, nhiều lao động Myanmar ở nước ngoài đã sử dụng các kênh không chính thức để gửi tiền. Trong thời điểm hiện tại, cách làm đó có thể giúp họ xoay xở khi các tổ chức tài chính dừng hoạt động.

Các kênh như vậy được thực hiện thông qua một mạng lưới chuyển tiền do những trung gian không giấy tờ tiến hành. Ông cho rằng lượng kiều hối của Myanmar có thể lên tới 10 tỷ USD nếu bao gồm các dòng tiền không chính thức này.

Harkins đánh giá kiều hối sẽ còn trở nên quan trọng hơn sau cuộc đảo chính, vì các công ty nước ngoài có thể xem xét lại việc đầu tư vào Myanmar, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường việc làm trong nước. “Điều đó có thể dẫn đến tình huống nhu cầu kiều hối lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của lao động ở nước ngoài, khiến các hộ gia đình thêm khó khăn còn các lao động thêm áp lực”.

Đọc thêm