Sân cỏ đóng băng vì Covid-19, cầu thủ rớt giá

(PLVN) - Các giải đấu bị “đóng băng”, các câu lạc bộ điêu đứng vì doanh thu sụt giảm. Dịch bệnh cũng khiến giá trị cầu thủ, đặc biệt là các ngôi sao hàng đầu thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Chưa kể, một mùa hè ảm đạm với ít thương vụ bom tấn tại kỳ chuyển nhượng sắp tới là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra. 
CLB Liverpool mất hàng triệu bảng Anh vì giá chuyển nhượng cầu thủ sụt giảm
CLB Liverpool mất hàng triệu bảng Anh vì giá chuyển nhượng cầu thủ sụt giảm

Giá trị cầu thủ giảm mạnh

Theo thống kê gần nhất của Transfermarkt, chuyên trang hàng đầu thế giới về chuyển nhượng cầu thủ, giá trị của các ngôi sao bóng đá sụt giảm đến 9,22 tỷ Euro. Việc hoãn các giải đấu, đồng nghĩa không có tiền bản quyền truyền hình, tiền tài trợ khiến các câu lạc bộ điêu đứng. Điều đó cũng khiến giá trị cầu thủ trên thị trường buộc phải giảm theo bở nếu vẫn giữ mức giá các ngôi sao như những năm gần đây thì câu lạc bộ có thèm muốn đến thế nào chăng nữa thì cũng chẳng còn nguồn tài chính dồi dào để hướng đến.

Ảnh hưởng nhiều nhất là Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) khi giá trị đội hình của các câu lạc bộ giảm đến 1,6 tỷ bảng (gần 1,4 tỷ Euro). Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của câu lạc bộ Manchester City. Nếu như trước đây, dàn sao của sân vận động Etihad có giá hơn 1,2 tỷ bảng thì bây giờ con số này là khoảng 917 triệu bảng, tức là bốc hơi gần 300 triệu bảng. Liverpool cũng vào cảnh tượng bị đát khi theo ước tính sự sụt giảm giá trị của dàn sao như Mohamed Salah, Sadio Mane và Virgil van Dijk… đã khiến câu lạc bộ bốc hơi khoảng 205 triệu bảng. 

Tại Giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga), các câu lạc bộ cũng đang phải chịu cảnh giảm khoảng 1,168 tỷ Euro giá trị cầu thủ. Nếu như trước đây, Real Madrid có giàn hảo thủ được định giá 1,1 tỷ Euro thì nay, con số này chò còn khoảng 888,5 triệu. Với Barcelona, đội bóng này thậm chí còn thiệt hại nặng nề hơn khi mất đến 207,1 triệu Euro giá trị cầu thủ (từ 1,059 tỷ Euro xuống còn 852,6 tỷ, tương đương khoảng 20%).

Kilian Mbappe hiện là cầu thủ đắt giá nhất thế giới
 Kilian Mbappe hiện là cầu thủ đắt giá nhất thế giới 

Một đội bóng như Atletico Madrid cũng đang đau đầu với việc mất giá cầu thủ khi dàn sao mà HLV Simeone sở hữu sụt giảm 161,6 triệu Euro. Đây sẽ là tổn thất rất lớn đối với Atletico bởi từ trước đến nay, đội bóng thủ đô Tây Ban Nha vẫn được biết đến với những phi vụ chuyển nhượng khôn ngoan, mang lại khoản lãi lớn, như Griezmann (mua 30 triệu Euro, bán 120 triệu Euro), Jan Oblak (mua 15 triệu Euro, giá hiện tại 90 triệu Euro), Diego Costa (mua 1,5 triệu Euro, bán 38 triệu Euro)…

Về phía các ngôi sao hàng đầu thế giới, trước đại dịch Covid-19, theo định giá, cầu thủ người Pháp Kylian Mbappe đang khoác áo CLB Paris Saint-German tại giải Ligue 1 có giá đắt giá thế giới. Trước dịch Covid-19, giá trị của Mbappe lên đến 200 triệu Euro. Hiện tại, Mbappe đã bị sụt giảm 10% giá trị, tương đương chỉ còn 180 triệu Euro.

Một ngôi sao lớn nữa của Paris SaintGerman là tiền đạo Neymar, nếu như trước đại dịch có giá 150 triệu Euro thì bây giờ chỉ còn khoảng 120 triệu. Đừng quên, cách đây 3 năm, gã nhà giàu nước Pháp đã phải bỏ ra đến 220 triệu Euro để đưa tiền đạo Brazil về sân Công viên các hoàng tử.

Trước đây, một đội bóng muốn sở hữu siêu sao Lionel Messi của Barcelona thì phải bỏ ra đến 140 triệu Euro, thì bây giờ số tiền này rơi vào khoảng 112 triệu. Trong khi đó, Cristiano Ronaldo còn rớt giá thê thảm hơn, bởi trước đây, anh được định giá khoảng 90 triệu Euro, còn bây giờ, giá trị của anh rơi vào khoảng 60 triệu.

Chờ đợi điều gì ở mùa hè 2020?

Các năm trước, kỳ chuyển nhượng mùa hè luôn thu hút sự chú ý của giới túc cầu bởi các thương vụ bom tấn, còn ở mùa hè này, rất có thể điều đó sẽ không tiếp tục diễn ra. Chắc chắn sẽ không có những mức giá vẫn được truyền thông gọi là “điên rồ”, “trên trời”, vượt xa giá trị thực của cầu thủ bởi ai cũng hiểu, các câu lạc bộ sẽ buộc phải có chính sách thắt lưng buộc bụng sau khi doanh thu bị sụt giảm do Covid-19.

Trên truyền thông, ông chủ của Tranfermarkt, Matthias Seidel khẳng định, giá cổ phiếu đã xuống thấp khiến không ít câu lạc bộ có thể sẽ bị đe dọa vì không trả được nợ, các kế hoạch chuyển nhượng cũng bị đắp chiếu vì có quá nhiều điều không thể lường trước được. Bên cạnh đó, các giải bóng đá hàng đầu châu Âu như UEFA Champions League, Premier League, La Liga, Serie A… đang đứng trước viễn cảnh sẽ hủy bỏ toàn bộ kết quả. Điều đó đồng nghĩa các cầu thủ sẽ mất đi những trận đấu vốn được coi là “khúc cua” của mùa giải để thể hiện bản thân. Đây lại là thời điểm mà trước đây, các câu lạc bộ thường tung các tuyển trạch viên theo dõi sát sao các cầu thủ để có những định hướng cho chính sách chuyển nhượng mùa hè. Các đội bóng vì thế cũng sẽ phải dè dặt hơn trong việc xuống tiền đem về những cầu thủ có giá trị cao.

Cũng sẽ không lấy gì làm chắc chắn việc cầu thủ có thể duy trì được phong độ sau khoảng thời gian rất dài không cọ xát trên sân cỏ. Chưa kể, những ngôi sao có giá trị chuyển nhượng cao đã từng dương tính với Covid-19 như Paulo Dybala (Juventus), Hudson-Odoi (Chelsea)… lấy gì để bảo đảm họ sẽ không bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài sau khi nhiễm bệnh? Tất cả những yếu tố đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu chuyển nhượng của các đội bóng, từ đó khiến những “quả bom tấn” rất có thể sẽ khó được “kích hoạt” ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2020.

Trước đây, thị trường chuyển nhượng mùa hè thường bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào 31/8 hoặc muộn nhất là đầu tháng 9. Tuy nhiên, năm nay chắc chắn mốc thời gian sẽ thay đổi bởi các giải đấu chưa có kế hoạch tiếp tục hay hủy bỏ. Mới đây, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã cho phép thị trường chuyển nhượng mùa hè có thể kéo dài đến hết năm 2020. Như vậy, rất có thể một điều chưa từng xảy ra sẽ xuất hiện trong mùa bóng tới, đó là kỳ chuyển nhượng mùa hè và mùa đông sẽ gộp lại làm một.

Bên cạnh đó, tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới cũng cho phép các cầu thủ hết hạn hợp đồng vào hè 2020 có thể tiếp tục thi đấu tại đội bóng của mình cho đến khi giải đấu quốc nội tại quốc gia đó khép lại. Điều đó đồng nghĩa các đội bóng sẽ có nhiều thời gian hơn để shopping, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.

Trước tiên, các đội bóng sẽ đổ bể kế hoạch chuyển nhượng mà họ đã lên phương án từ trước đó rất lâu. Chưa kể, thông thường, việc chuyển nhượng cầu thủ diễn ra vào mùa hè, là thời điểm không diễn ra các trận đấu sẽ giúp các câu lạc bộ cũng như cầu thủ có nhiều thời gian hơn và không bị phân tâm với những thương vụ của mình. Khi bóng vẫn lăn, chuyển nhượng vẫn diễn ra, sẽ không tránh khỏi tình trạng “vừa đá, vừa dòm”, đồng nghĩa cả đội bóng lẫn câu lạc bộ sẽ bị phân tán, mất tập trung hơn.

Tất nhiên, kéo dài thời gian chuyển nhượng sẽ giúp các đội bóng sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để tiếp cận cầu thủ cũng như chuẩn bị tài chính. Ví dụ, Real sẽ rảnh rang hơn trong việc tiếp cận những cái tên họ thèm muốn như Erling Haaland, Kylian Mbappe và Paul Pogba. Barcelona cũng đang có kế hoạch đưa Neymar trở lại với sân Nou Camp… Tuy nhiên, tất cả những phi vụ đó chỉ đang nằm lại ở dạng tin đồn. Chắc chắn rằng, mọi chuyện chỉ ngã ngũ khi đại dịch Covid-19 được kiềm chế và các giải đấu trở lại. Nhưng đó là khi nào, ai có thể khẳng định. 

Đọc thêm