Trùm băng đảng “Môn đệ giang hồ” gãy cánh như thế nào? (Kỳ cuối)

(PLVN) -Về phần Larry Hoover, sau khi tập hợp liên minh giữa các băng đảng tại nhà tù Stateville thì ông trùm này đã được chuyển đến nhà tù Pontiac (bang Illinois). Tại đây, Larry đã tận mắt chứng kiến cảnh các tù nhân bị đối xử tàn tệ như thế nào, nhà tù thì quá đông, điều kiện cho các tù nhân vô cùng tồi tệ.
Trả giá cho tội ác của mình, năm 1997 Larry Hoover bị tuyên 6 án tù chung thân
Trả giá cho tội ác của mình, năm 1997 Larry Hoover bị tuyên 6 án tù chung thân

Larry Hoover đã quy tụ các đầu lĩnh của các băng đảng khác thực hiện một vụ bạo loạn vào ngày 22/7/1978 để lật đổ hệ thống cai quản của nhà tù này và đã gây ra hàng loạt tổn hại nghiêm trọng hệ thống cán bộ thi hành pháp luật trong nhà tù. Trong bối cảnh bạo lực dữ dội, ba sĩ quan cải huấn đã bị đâm chết. Khi 17 đầu lĩnh này (trong đó có cả Larry) phải ra hầu tòa, tất cả đều thoát tội vì không đủ chứng cứ.

Trong năm 1981, Larry Hoover đặt ra quy định cho các thành viên của bang đảng của mình trong tù, đó là không làm hại các cai ngục hoặc bất kỳ nhân viên nhà tù nào trừ khi được yêu cầu làm như vậy. Năm 1982, ông trùm này đã thành lập phong trào có tên là “Brothers of the Struggle” (tạm dịch là ‘Huynh đệ cùng đấu tranh’). Ông trùm này đã gửi thông điệp tới các thủ lĩnh khác để hướng tới việc cải thiện tổ chức và khuyến khích các thành viên tự hoàn thiện bản thân.

Vào tháng 3/1987, Larry Hoover sau khi được đánh giá là cải tạo tốt, đặc biệt là sau khi ban bố cho các đàn em và các thủ lĩnh khác về việc không làm hại nhân viên nhà tù và các quản giáo nên đã được chuyển đến Trung tâm cải huấn Vienna (bang Illinois). Từ lúc này, Larry Hoover đã điều hành kinh doanh của băng đảng ở bên ngoài một cách dễ dàng hơn vì an ninh ở nhà tù này không bị thắt chặt như các nhà tù trước đây.

Tuy nhiên bên cạnh việc điều hành các hoạt động buôn bán ma túy của băng đảng “Môn đệ giang hồ” ở bên ngoài, Larry thực hiện một chương trình tích cực nhằm mục đích giúp các đàn em tránh khỏi việc trở thành một tổ chức tội phạm. Hai chữ viết tắt của băng đảng là “GD” đã được Larry cải biến thành “Growth and Development”, tạm dịch là ‘Trưởng thành và Phát triển’. Điều này quả thật làm người ta phải phân vân, có thể đại khái rằng ông trùm cho rằng việc buôn bán ma túy là cách để các thành viên trong băng đảng mưu sinh qua ngày và cống nạp cho thủ lĩnh, nhưng vẫn phải “hướng thiện” để tránh các vụ đổ máu trên đường phố.

Vào những 90 của thế kỷ trước, việc buôn bán ma túy ngày càng cạnh tranh trong khu phố Englewood giữa các băng đảng và dẫn đến một loạt vụ bắn giết. Khi bạo lực bùng phát, Larry Hoover dù đang ở trong tù vẫn cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để hòa giải các cuộc xung đột.

Đến năm 1993, “Môn đệ giang hồ” đã có những động thái mới, cho thấy sự qui củ và tổ chức chặt chẽ hơn. Đối với xã hội, các động thái này nhằm giúp cải tạo các khu phố và mang lại sự thay đổi tích cực.Trong năm này, Larry Hoover được tạm tha, hơn 10.000 thành viên của băng “Môn đệ giang hồ” đã tập trung tại một buổi dã ngoại lớn ở Kankakee (bang Illinois), nơi Larry Hoover đã có một bài phát biểu cho tất cả các thành viên ở đó.

Larry nói về “Trưởng thành và Phát triển”, đó là thuật ngữ mới mà Larry Hoover muốn sử dụng để thay thế cho thuật ngữ cũ “Gangsters Disciples”. Các khái niệm này là để giúp các thành viên trong băng đảng trở nên tốt hơn, cải tà qui chính và giúp thay đổi cộng đồng theo hướng tích cực thay vì những xung đột tranh giành lãnh địa giữa các băng nhóm. Sau đó, một loạt thư gửi Thống đốc Jim Ryan cầu xin sự khoan hồng và xem xét tạm tha cho Larry Hoover, tuy nhiên những đề nghị này đã bị từ chối.

Tuy nhiên, các hà phê bình và điều tra viên nhận thất những “nghĩa cử” của Larry dường như để tạo lớp vỏ bọc “cải tà qui chính” để có cơ hội được xem xét ân xá. Trong khi bạn bè và các đồng minh ở bên ngoài ra sức vận động để cho Larry được tạm tha nhờ những đóng góp của mình cho xã hội, các nhân viên thực thi pháp luật khẳng định rằng thực chất Larry đang ngấm ngầm điều hành và mở rộng mạng lưới tội phạm của mình. Con số cho thấy thành viên “Môn đệ giang hồ” đã tăng lên hơn 15.000 thành viên ở ít nhất 5 bang. Tất cả các thành viên của băng đảng đều chịu sự lãnh đạo của Larry, lợi nhuận từ ma túy của băng đảng này cũng tăng lên hàng triệu đô-la, nó đổ vào túi ai?

Một chi tiết là sau khi được chuyển đến Trung tâm cải huấn Vienna (Illinois), Larry lại có một cuộc sống xa xỉ hơn, quần áo mới, đồ trang sức đắt tiền, bữa ăn được chuẩn bị đặc biệt và hầu như ngày nào cũng có người thăm viếng. Các nhà chức trách nghi ngờ và bắt đầu tiến hành điều tra, từ đó ghi âm được các cuộc trao đổi giữa Larry với những người vào thăm. Hóa ra ông trùm này bên ngoài vỏ bọc “hướng thiện” thì vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động phi pháp của băng đảng từ trong nhà tù.

Tệ hơn nữa, những người cung cấp thông tin tiết lộ rằng các tổ chức phi lợi nhuận của Larry và băng đảng lập ra thực sự là vỏ bọc để rửa tiền kiếm được từ ma túy. Theo lời khai của các thành viên “Môn đệ giang hồ”, thực chất không có khoản tiền nào được chuyển đến tay những người cần được giúp đỡ.

Vào ngày 31/8/1995, sau một cuộc điều tra bí mật kéo dài 5 năm của chính quyền liên bang, khi Cảnh sát Chicago phát động “Chiến dịch Headache” đã bắt giữ gục 39 thành viên cấp cao của “Môn đệ giang hồ”, bao gồm cả Larry Hoover và Andrew Howard (được tạm tha vào năm 1992).

Thời điểm đó, cảnh sát đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy Larry có liên quan đến các hoạt động buôn bán ma túy, bảo kê, giết người, hành hung. Năm 1997, Hoover bị kết tội về mọi tội danh, và bị tuyên 6 bản án chung thân. Ông trùm này sau đó đã bị chuyển đến “siêu nhà tù” an ninh tối đa ADX Florence (bang Colorado), cắt đứt hơn 95% giao tiếp của ông trùm này với thế giới bên ngoài.

Đọc thêm