“Vua cờ bạc” Stanley Ho qua đời và cuộc chiến tranh giành gia tài tỷ đô

(PLVN) - Dư luận thế giới tuần qua xôn xao trước thông tin Stanley Ho, tức Hà Hồng Sân - người đã xây dựng đế chế sòng bài ở Macau (Trung Quốc) và trở thành một trong những người giàu nhất châu Á - đã qua đời hôm 26/5 vừa qua ở tuổi 98.
Bức ảnh chụp Stanley Ho bên gia đình
Bức ảnh chụp Stanley Ho bên gia đình

 Ông trùm cờ bạc

 Stanley Ho được cho là có ảnh hưởng đối với Macau nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào trong lịch sử. Ông ta từng được biết đến với những biệt danh như Bố già, Vua cờ bạc, Ông trùm casino... Tên tuổi của ông ta từng được xem là đồng nghĩa sự trỗi dậy của Macau, vượt qua Las Vegas để trở thành kinh đô cờ bạc hàng đầu thế giới.

Stanley Ho sinh năm 1921 trong một gia đình giàu có ở Hong Kong nhưng mang trong mình dòng máu châu Âu. Stanley Ho chính là người thừa kế của 1 trong 4 gia đình kiểm soát phần lớn của cải và công việc kinh doanh ở Hong Kong khi khu vực này vẫn là thuộc địa của Anh. Tuy nhiên, sau khi ông nội của ông ta qua đời năm 1926, việc kinh doanh của cha ông đã sụp đổ. Từ chỗ là gia đình danh giá có tiếng, họ rơi vào cảnh bần hàn cực độ.

Sau này, Stanley kể lại rằng, khi đến tuổi cập kê, với vẻ ngoài lai Tây, ông ta được khá nhiều cô gái để ý. Tuy nhiên, ông ta đã bỏ chạy khi các cô gái nói ông mua cà phê cho họ vì ông quá nghèo. Khi Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong vào năm 1942, Stanley Ho bỏ chạy đến Macau - khi đó là thuộc địa Bồ Đào Nha và ở thế trung lập trong Chiến tranh Thế giới II. Toàn bộ tài sản mà ông ta mang theo trong người khi tìm tới miền đất hứa chỉ là 10 đô-la Hong Kong.

Vua sòng bài Stanley Ho
Vua sòng bài Stanley Ho 

Tại Macau, Stanley buôn bán mọi thứ, từ dầu hỏa tới máy bay. Với dòng máu kinh doanh có sẵn trong người, ông ta nhanh chóng gặt hái được những thành công đáng kể. Năm 24 tuổi, ông ta đã kiếm được 1 triệu đô-la Hong Kong. Năm 1942, Stanley Ho kết hôn với người vợ đầu tiên, là con của một gia đình giàu có người Bồ Đào Nha. Nhờ đó, ông ta được gia nhập giới thượng lưu chính trị Macau, nắm giữ tài sản trải dài từ Macau sang Bồ Đào Nha đến Vancouver, Canada.

Được biết đến với biệt danh là “Vua cờ bạc”, Stanley Ho thống trị hoạt động cờ bạc ở Macau cho đến năm 1961. Năm đó, với sự hậu thuẫn tài chính của một doanh nhân Hong Kong, người được mệnh danh là “bố già bất động sản Hong Kong” Henry Fok Ying-tung, công ty của Stanley Ho là SJM Holdings Ltd đã giành được giấy phép kinh doanh độc quyền cờ bạc ở Macau.

Song, cũng có những nguồn tin khẳng định SJM năm đó sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc đấu giá để giành giấy phép cho hoạt động kinh doanh hốt bạc trên nếu không có sự giúp đỡ của gia đình bà Leitao. Có thông tin cho biết, gia đình này đã giúp Ho nắm được thông tin nội bộ để đưa ra mức giá là 410.00 USD, cao hơn 10.000 USD so với đối thủ.

Toàn cảnh xa hoa bên trong sòng bài của Stanley Ho trước khi đón khách vào chơi
Toàn cảnh xa hoa bên trong sòng bài của Stanley Ho trước khi đón khách vào chơi 

Sự trỗi dậy của Stanley Ho đã biến Macau từ một khu vực không quá phát triển về thương mại thành “Las Vegas của châu Á” bằng cách khai thác lợi thế lớn của nó so với phần còn lại của Trung Quốc - đó là sòng bạc là hợp pháp. Khi tài sản phình to, ông ta đã mở rộng các hoạt động kinh doanh ra bên ngoài, xây dựng các tòa nhà dân cư và văn phòng tại Hong Kong. Năm 1984, ông ta giành được giấy phép vận hành sòng bạc ở Bồ Đào Nha và chi 30 triệu USD để mở Sòng bạc Bình Nhưỡng ở Bắc Triều Tiên vào năm 2000.

Đến đầu những năm 1990, tiền thuế từ các sòng bài của Stanley Ho chiếm một nửa tổng thu ngân sách của chính quyền Macau. Công việc kinh doanh của Ho vẫn tiếp tục phát triển ngay cả sau khi Macau trở về dưới sự điều hành của Trung Quốc vào năm 1999 và thành phố này trở thành địa điểm duy nhất trên đất Trung Quốc có thể mở casino hợp pháp. Dòng người đến từ Trung Quốc đại lục đã thúc đẩy sự phát triển của Macau, giúp đặc khu hành chính này vượt qua Las Vegas trở thành kinh đô cờ bạc thế giới.

Giấy phép kinh doanh độc quyền của Ho tại Macau đã hết hạn vào năm 2001. Sau đó, Trung Quốc đã cấp giấy phép cho các đối thủ cạnh tranh, bao gồm Sheldon Adelson, Las Vegas Sands và Wynn Resorts Ltd. Có điều, thay vì làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ho thì sự cạnh tranh gia tăng cùng với nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc càng đẩy nhanh sự phát triển của Macau thành trung tâm trò chơi lớn nhất thế giới cũng như tiền tài của ông ta Ho.

Đế chế Stanley Ho vẫn không ngừng lớn mạnh, chiếm khoảng một nửa trong số hơn 40 sòng bạc ở Macau, cũng như các khu ở Bồ Đào Nha. SJM vận hành 20 sòng bạc ở Macau, với tổng cộng 1.700 bàn đánh bạc và 2.400 máy đánh bạc. 

Cuộc đấu đánh giành quyền lực

Gia tộc nhà Stanley Ho theo chế độ đa thê và bản thân ông ta có tổng cộng 17 người con với 4 người phụ nữ mà ông gọi là vợ, dù không rõ 3 người trong số những phụ nữ đến với ông ta sau có kết hôn hay không. Hong Kong chính thức ban hành luật cấm đa thê từ năm 1971. Trong số 4 người vợ của ông ta có 1 người đã qua đời vào năm 2004. Cả 3 người còn lại đều đang sở hữu những ngôi nhà hoành tráng ở Hong Kong và trở thành chủ doanh nghiệp theo cách riêng của họ.

Trong đó, người vợ thứ tư của ông ta tên Angela Leong On-kei sở hữu khối tài sản trị giá ước tính lên tới 3,7 tỷ USD cùng chuỗi bất động sản thương mại và bán lẻ cao cấp ở Hong Kong, Macau và Trung Quốc đại lục.

Người vợ thứ 3 của ông ta là Ina Chan nắm trong tay khối tài sản có giá trị ước tính lên tới khoảng 1 tỷ USD vào năm 2014. Người vợ thứ 2 là bà Lucina Laam là mẹ của 3 tỷ phú, bao gồm 2 người con gái Pansy Ho Chiu-king và Daisy Ho Chiu-Mush và 1 người con trai tên Lawrence Ho Yau-lung. Thế nhưng, cùng với sự giàu có về tiền bạc, cuộc sống gia đình của họ cũng luôn tiềm ẩn xung đột, đôi khi là bộc lộ không còn giấu giếm.

Sở hữu khối gia sản khổng lồ, sau khi tỷ phú sòng bài Stanley Ho qua đời là cuộc chiến tranh chấp di sản của những người thừa kế
Sở hữu khối gia sản khổng lồ, sau khi tỷ phú sòng bài Stanley Ho qua đời là cuộc chiến tranh chấp di sản của những người thừa kế 

Năm 2011, người vợ thứ 2 và thứ 3 của ông ta cùng với các con của người vợ thứ 2 bị cáo buộc đã tìm cách tiếp quản phi pháp các sòng bạc của ông trùm. Vụ việc kết thúc bằng một thỏa thuận hòa giải nhưng chỉ sau cuộc chiến công khai phơi bày những rạn nứt trong đại gia đình. Đó không phải lần duy nhất mà những tranh chấp trong gia tộc giàu có diễn ra trước mắt công chúng.

Năm 2005, giữa lúc đang tranh cãi gay gắt với người em gái của mình là bà Winnie về cổ tức và tiền thanh toán từ các khoản đầu tư, Stanley Ho lớn tiếng tuyên bố không còn coi bà này là em gái nữa. Khi Ho nghỉ hưu vào khoảng giữa năm 2018, ông ta đã chuyển một số vai trò hàng đầu tại SJM cho những người thừa kế của mình. Daisy Ho (con gái ông ta) trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành của công công ty.

Bà Angela Leong - cổ đông lớn thứ hai của SJM, vợ thứ tư của Ho trở thành đồng chủ tịch kiêm giám đốc điều hành. Tuy nhiên, sự kế thừa đã khiến sự cạnh tranh trong gia đình họ sôi sục trở lại và kéo dài. Vào tháng 1/2019, Pansy - con gái lớn của Ho với người vợ thứ hai - đã gia nhập lực lượng với một số anh chị em trong một liên minh nắm giữ cổ phần kiểm soát tại SJM, trao cho Leong quyền lực cao hơn trong cuộc chiến giành vương miện của Đế chế Ho trị giá 14,9 tỷ USD.

Pansy (một trong những người giàu nhất Hong Kong, cũng là Chủ tịch điều hành của Shun Tak Holdings Ltd) là người điều hành hầu hết các phà giữa Hong Kong và Macau. Năm 1981, con trai cả của ông ta là Robert qua đời vì tai nạn xe hơi cùng với vợ là bà Suki Potier, một người mẫu nổi tiếng người Anh, để lại 2 đứa con nhỏ.

Cái chết của Robert được cho là đã khiến cả Stanley Ho và vợ suy sụp. Ông trùm được cho là đã chuẩn bị để Robert trở thành người thừa kế sự nghiệp. Stanley Ho cho đến khi qua đời đã bị không ít người chỉ trích. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông ta đối với Macau vẫn được cho là nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào trong lịch sử.

Đọc thêm