5 trường hợp được sử dụng hè phố

(PLO) - Việc Nghị định 100 của Chính phủ cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe đã đáp ứng một phần nào  nhu cầu có chỗ đỗ xe của người dân tại các đô thị lớn hiện nay, nhưng thực tế đã cho thấy quy định này rất dễ bị lạm dụng nếu quản lý không nghiêm.
 5 trường hợp được sử dụng hè phố

Được sử dụng vỉa hè trong 5 trường hợp

Nghị định số 100/2013/NĐ-CP (NĐ 100) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP (NĐ 11) quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực được 3 ngày. Nếu theo quy định hiện hành (Điều 25 NĐ 11) chỉ cho phép cơ quan, tổ chức sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) thì tại NĐ 100, Chính phủ đã cho phép cả hộ gia đình được sử dụng phần hè đường để phục vụ cho những công việc mang tính đột xuất như hiếu, hỉ.
Theo quy định này, việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Và trong 5 trường hợp sau đây, hè phố sẽ được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông:
Thứ nhất, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày.
Thứ hai, tổ chức đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ.
Thứ ba, tổ chức đám cưới và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.
Thứ tư, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó.
Thứ năm, điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình. Thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Nghị định cũng lưu ý, vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét; hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Lòng đường cũng được sử dụng không vào mục đích giao thông
Ngoài việc được tạm thời sử dụng một phần hè phố, NĐ 100 cũng cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông, nhưng việc sử dụng này cũng không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong hai trường hợp: Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội. Thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện: không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cho một chiều đi; lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Cần tránh lạm dụng
Quy định trên dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng chắc chắn là việc cho phép tạm thời sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe cũng được không ít người đồng tình, ủng hộ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, quy định bổ sung này đã góp phần giải quyết được bài toán quá thiếu các điểm đỗ dừng, trông giữ xe cho người dân ở các đô thị lớn hiện nay.
Tuy nhiên, ngoài việc tạm thời giải quyết được chỗ gửi xe nơi phố xá đông đúc thì đây cũng là vấn đề không hề đơn giản, và nếu quản lý không chặt sẽ dễ xảy ra tranh chấp hoặc lạm dụng các vỉa hè, lòng đường để kinh doanh trông giữ xe trái phép, bởi thực tế nguồn thu từ dịch vụ này là không nhỏ.
Không chỉ đến nay mà trước đây từ năm 2008, UBND TP.Hà Nội cũng đã có quyết định cấm trông giữ xe tại 62 tuyến phố, nhưng rồi các tuyến phố này vẫn bị các hộ gia đình “trưng dụng” làm bãi giữ xe. Đó là chưa kể đến trường hợp dù quy định đã chỉ rõ các hộ kinh doanh chỉ có thể trông giữ xe trong vạch sơn kẻ sẵn và phải dành một diện tích tối thiểu làm lối đi cho người đi bộ nhưng trong nhiều trường hợp, các đối tượng thường sử dụng vỉa hè vượt quá phạm vi cấp phép, quá đáng hơn, người ta còn ngang nhiên chiếm cả phần lớn lòng đường để trông giữ xe khi nhu cầu tăng cao...
Bên cạnh đó cũng không loại trừ trường hợp các nhà hoạch định khi lên phương án cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường đã không tìm hiểu kỹ thực tế, dẫn đến trường hợp có những tuyến phố luôn ùn tắc giao thông nhưng lại được phép sử dụng vỉa hè làm nơi trông xe, dẫn đến tình trạng càng thêm ùn tắc.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt quy định này, một số ý kiến cho rằng các  cơ quan quản lý trật tự đô thị phải tiến hành khảo sát, điều tra kỹ các tuyến đường, hè phố; phải tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là chính quyền sở tại, Cảnh sát giao thông… trước khi quyết định cho phép thực hiện; ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lạm dụng, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường sai phép, sai mục đích.
Mặc dù việc cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường để  trông giữ xe chỉ là những quy định nhất thời, mang tính giải pháp tình thế, nhưng với tình trạng hạ tầng đô thị chưa đồng bộ như hiện nay của Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung, và khi các phương tiện giao thông cá nhân vẫn là nhu cầu đi lại chủ yếu của người dân thì rất có thể quy định này sẽ phải áp dụng trong thời gian dài. Vậy thì kế hoạch quản lý hoạt động này cũng phải được xây dựng và triển khai sao cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng cơ quan cấp phép “làm khó” cho cơ  quan quản lý.

Đọc thêm