Ông Bùi Tiến Đạt – Chủ tịch HĐQT Cty CP cơ điện Trần Phú – vẫn còn ngậm ngùi khi kể chuyện mình đã bao lần phải giả làm khách hàng xuống tận các chợ để tận mắt chứng kiến thương hiệu dây cáp điện Trần Phú “nhái” được bày bán công khai. “Những cửa hàng này như những chiếc vòi bạch tuộc, chặt đầu này thì lại mọc đầu khác. Chế tài xử phạt thì còn quá nhẹ so với lợi nhuận đem lại từ việc kinh doanh hàng giả. Thế nên, chúng tôi đành ngậm ngùi nhìn sản phẩm của mình bị loàm nhái mà không biết phải làm thế nào” – ông Đạt phàn nàn.
Chuyện của ông Đạt cũng là chuyện nhiều DN khác gặp phải. Khi mới làm ăn, DN phải chật vật tìm chỗ đứng. Đến khi tìm được chỗ đứng, lại phải chật vật đấu tranh với hàng giả và tìm cách giữ chân khách hàng.
Theo báo cáo của Ban 127 Trung ương, trong 10 năm thực hiện chỉ thị 31/1999/CT-TTg và 02 năm thực hiện Chỉ thị 28/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng. Lực lượng Hải quan cả nước cũng xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả hoặc hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng Cảnh sát kinh tế đưa ra xử lý hình sự hơn 460 vụ và khởi tố trên 550 đối tượng.
Trong khi các cơ quan chức năng “nỗ lực” triệt tiêu hàng giả, thì một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng cho thấy, có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.
Và thế là, một lần nữa vấn đề “chống hàng giả thế nào cho hữu hiệu” lại được đặt ra. Cơ quan quản lý thì cho rằng do DN làm “chưa tới”: chưa có cách để khách hàng nhận diện được hàng thật hàng giả, chưa phối hợp với cơ quan chức năng đủ mức trong phòng chồng hàng giả, chưa kịp thời và coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ… DN thì cho rằng cơ quan chức năng chưa đủ mạnh trong phòng chống hàng giả. Người tiêu dùng thì lúc nào cũng được khuyến cáo “phải thông thái” nhưng không biết thông thái bằng cách nào…
Ai cũng biết, sự hợp tác chặt chẽ từ cả ba phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng trong việc chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu sẽ góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng, cụ thể hóa sự hợp tác đó như thế nào có thể lại sẽ là đề bài tốn công tốn của không biết khi nào mới có được đáp án khả thi.
Từ giờ đến lúc đó, xã hội sẽ phải chung sống với hàng giả?
Tuấn An