Trên đà thành công
Ở thành Milano, có 2 gã khổng lồ là AC Milan và Inter Milan. Mỗi đội bóng một triết lý khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, họ chính là niềm tự hào của thành phố. Nếu như Inter tự hào về 3 chiếc cúp bạc UEFA Champions League/C1 thì đội bóng cùng thành phố còn làm được hơn thế nhiều. AC Milan đã 7 lần lên ngôi tại đấu trường danh giá nhất châu Âu và là đội bóng vĩ đại thứ 2 ở giải đấu này (chỉ sau Real Madrid).
Ấy vậy mà, những thay đổi thượng tầng, sự xuống dốc của bóng đá Ý, khủng hoảng kinh tế và những nước đi sai lầm về nhân sự đã biến Milan trở thành một đội bóng hạng trung tại đất nước hình chiếc ủng. Ngay cả bản nhạc hiệu UEFA Champions League, một thứ vốn đã ngấm vào những Milanista (cổ động viên Milan) thì 6 năm trôi qua, họ không còn nghe thấy nữa.
Mùa giải vừa qua, Milan có sự khởi đầu tồi tệ, đẩy văng chiếc ghế của HLV thiếu cá tính Giampaolo. Pioli, một cái tên lạ hoắc (có lẽ cũng chỉ nghe đến ở Ý) được lựa chọn. Những cái lắc đầu ngán ngẩm, những tiếng xuýt xoa và hattag “Pioli out” (cút đi Pioli) xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội dù lúc đó Pioli còn chưa kịp dẫn dắt câu lạc bộ 1 trận đấu nào. Rồi Ibrahimovic, cầu thủ suýt soát cái tuổi 40 (quá già cho 1 cầu thủ chuyên nghiệp) cập bến San Siro. Lại thêm những sự ngao ngán, bởi lúc đó chẳng mấy ai tin ở độ tuổi đó 1 tiền đạo có thể làm gì hơn là úy lạo tinh thần.
Rồi Simon Kjaer nữa, một trung vệ đã sang tuổi 30 và chỉ đạt đến cầu thủ tiềm năng từ cách đây hơn chục năm rồi cũng được đưa về. Chẳng ai biết Milan sẽ đi theo con đường nào. Trẻ hóa lực lượng sao được khi các trụ cột chỉ nhỉnh hơn 20 tuổi lại đi rước về 2 ông già để làm trụ cột. Đội trưởng của họ, Romagnoli còn kém Ibra đến chục tuổi, không có cá tính mạnh, làm sao “quản” nổi tiền đạo Thụy Điển trên sân? “Cái quái gì đang xảy ra vậy? Họ đang làm trò gì thế?”, tôi vẫn còn nhớ bình luận của một cổ động viên bất mãn trên trang chủ Milan.
Nhưng, mọi thứ đã thay đổi 1 cách chóng mặt sau đợt nghỉ dịch Covid-19. Trước khi thua Lille tại Europa League, họ có chuỗi 24 trận bất bại (19 chiến thắng). Inter, Juventus, Roma, Lazio đều là bại tướng của họ. Những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Họ có đội hình có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu với 24,5 tuổi. Họ cũng có chuỗi 12 trận liên tiếp ghi 2 bàn trở lên, một điều mà đội bóng chưa từng làm nổi kể từ năm 1930. Milan đang là đội bóng duy nhất ở hiện tại có 3 cầu thủ sinh sau 1-1-1999 ghi bàn trong 1 trận tại cúp châu Âu (Brahim Diaz, Dalot và Leao trong chiến thắng 3-0 trước Sparta Praha). 27 trận liên tiếp ghi bàn trên mọi mặt trận cũng là một kỷ lục mà Milan chưa từng làm được.
Milan đang dẫn đầu bảng xếp hạng Serie A. Ibrahimovic cũng đang xếp trên cùng trong danh sách ghi bàn tại giải đấu. Milan bây giờ không còn bế tắc trong các ý tưởng tấn công. Hakan Calhanoglu chơi như lên đồng, là cầu thủ không thể thay thế trong vai trò tạo cảm hứng cho các đợt tấn công. Theo Hernandez vẫn hay như những ngày đầu anh cập bến San Siro. Bộ đội Kessie – Bennacer đang chứng tỏ họ là một trong những cặp tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới. Donnarumma đáng giá từng xu với mức lương 6 triệu Euro/mùa.
Những Calabria, Saelemaekers từ dạng tiềm năng trở thành những cầu thủ không thể thiếu. Các tân binh như Brahim Diaz, Jens Petter Hauge hay Diego Dalot cũng đã chứng tỏ được năng lực. Pioli biết cách xây dựng một lối chơi gắn kết và những chiến thuật hợp lý. Trong khi Paolo Maldini, trong vai trò tuyển trạch viên cũng rất mát tay với những bản hợp đồng của mình. Tất cả đã tạo nên một Milan mà nhiều khi xem họ chơi bóng có cảm giác rất khó để đánh bại. Nếu mọi thứ vẫn được vận hành trơn tru thì mọi thứ trước mắt sẽ rất tuyệt vời.
Còn đó những nỗi lo
Tất nhiên, mọi thứ chẳng có gì là dễ dàng, nhất là với một đội bóng đang tìm đường trở lại sau nhiều năm chìm trong bóng tối như Milan. Trận thua Lille 0-3 trên sân nhà, ngay sau đó là trận hòa 2-2 trước Verona cũng trên San Siro đã bộc lộ rất nhiều những vấn đề Milan đang gặp phải.
Đầu tiên là vấn đề thể lực. Đành rằng đội hình chính của Milan đang vào form, nhưng với mật độ thi đấu dày đặc và liên tục (3 ngày/trận) như hiện tại, thì trẻ khỏe như Kessie, Theo… cũng chịu không nổi, huống gì những cầu thủ đã cao tuổi như Kjaer, Ibra. Tuy nhiên, đội hình này vẫn phải căng sức mà chiến đấu để bảo vệ thành quả đã đạt được, bởi không có ai thay thế họ được.
Nói cách khác, Milan không có phương án 2 cho những vị trí quan trọng mỗi khi họ cần nghỉ ngơi. Pioli không thể trông cậy vào Leao, Colombo để lãnh ấn tiên phong thay Ibra. Calhanoglu cũng phải cày ải vì Diaz dù có tiềm năng nhưng chưa thể xuất sắc trong vị trí tiền vệ sáng tạo. Sandro Tonali, Krunic… còn lâu mới trở thành phương án dự phòng cho bộ đôiKessie, Bennacer.
Đôi cánh Calabria, theo Hernandez thì mới chỉ có Dalot là phần nào đáp ứng được yêu cầu thay thế. Bởi vậy cho nên ở những trận đấu vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy các cầu thủ Milan đã tỏ ra đuối sức và gặp nhiều khó khăn trước các đối thủ chơi thiên về tốc độ và sẵn sàng pressing tầm cao.
Một vấn đề nữa rất dễ nhận ra ở các trận hòa 2-2 trước Verona, 3-3 trước Roma và trận thắng “toát mồ hôi” trước Inter đó là ở 2 vị trí trung vệ. Không tính cầu thủ gây nhiều thất vọng Duarte là Musacchio thì Milan có 3 cầu thủ cho vụ trí này là đội trưởng Romagnoli, Simon Kjaer và Matteo Gabbia.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có Kjaer là có màn thể hiện đáng để tin tưởng. Đội trưởng Romagnoli trở lại sau thời gian dài chấn thương bỗng nhiên không thể hòa nhập kịp. Anh chậm chạp trong những pha theo bóng, thiếu chuẩn xác trong những tình huống phán đoán và yếu ớt trong những pha tranh chấp.
Chính vì thế, Milan rất dễ bị thủng lưới khi đối phương có những tiền đạo cao to, giàu thể lực, tốc độ hoặc trong những tình huống cố định khi một mình Kjaer không thể kiểm soát hết được. Trung vệ còn lại là Gabbia dù có tiềm năng, nhưng còn quá trẻ, mới chỉ 21 tuổi và cũng là lần đầu tiên tham dự đấu trường Serie A. Bởi vậy, khó có thể sử dụng Gabbia một cách thường xuyên bởi môi trường Serie A rất khắc nghiệt và các tiền đạo chơi bóng tại đây cũng thập phần tinh quái.
Hiện tại, khi cuộc chiến trên sân bóng đang nóng bỏng thì bộ sậu của Milan lại phải lao vào 1 cuộc chiến khác khốc liệt không kém, đó là giữ chân các trụ cột. Khi các cầu thủ chơi tốt lên thì sẽ được nhiều câu lạc bộ ở bên ngoài nhòm ngó. Có rất nhiều thông tin về việc các đội bóng lớn đang nhăm nhe những trụ cột của Milan như Theo Hernandez, Bennacer, Calhanoglu…
Rõ ràng, mức lương trần hiện tại là 3,5 triệu Euro (chỉ có Ibra và thủ thành Donnarumma ngoại lệ) của câu lạc bộ là quá thấp. Vì thế các cầu thủ sẽ dễ bị dao động với mức lương cao hơn nhiều lần từ các đại gia như Man City, PSG. Bên cạnh đó, ngay khi mùa giải này kết thúc, cả Donnarumma và Calhanoglu đều hết hạn hợp đồng và đội bóng vẫn đang rất khó khăn trong việc gia hạn. Bởi vậy, chưa biết có mất các trụ cột hay không, nhưng khi các cầu thủ chưa thể yên tâm thi đấu thì chắc chắn tâm lý cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng và ít nhiều ảnh hưởng đến phong độ trên sân.