AFTA có ảnh hưởng đến số thu ngân sách?

Giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với ASEAN ngày càng mạnh mẽ, qua đó hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng như những chính sách liên quan luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

 Năm 2010 đánh giá mốc quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kiện lớn nhất trong năm đó là Việt Nam làm chủ tịch ASEAN. Giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với ASEAN ngày càng mạnh mẽ, qua đó hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng như những chính sách liên quan luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Thu ngân sách bị ảnh hưởng?

Khu vực ASEAN đang hướng tới mục tiêu hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều nhà kinh tế quan tâm.

Tổng cục Hải quan cho biết trong những năm gần đây quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Trị giá buôn bán hàng hoá hai chiều trong giai đoạn 2005-2008 liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, nhiều năm qua cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN luôn mất cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. 

AFTA có ảnh hưởng đến số thu ngân sách? ảnh 1

Mặc dù trị giá hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam với các nước ASEAN trong nhiều năm gần đây đều tăng so với năm trước (trừ năm 2009) nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân. Do đó, tỷ trọng giao thương của Việt Nam với khu vực này so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước với thế giới lại có xu hướng giảm.

Thực hiện cam kết AFTA, đến năm 2015 Việt Nam sẽ cơ bản xoá bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ ASEAN (một số dòng thuế linh hoạt vào năm 2018). Những tác động trực tiếp của nó đến thu NSNN theo đánh giá của Tổng cục Hải quan là chưa lớn, do sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu liên tục đã bù đắp khoản giảm thu ngân sách do cắt giảm thuế. Xét về mặt định tính, việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong ngắn hạn cũng chưa lớn (tỷ lệ giá trị hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi CEPT/AFTA là khoảng 10%).
 
Cần sửa đổi những gì?

Theo Tổng cục Hải quan, khi tham gia vào AFTA, về lĩnh vực hải quan cần thuận lợi hóa và hài hòa các chính sách thuế. Việc hợp chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng cần được ưu tiên khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Cụ thể: các nước trong khu vực ASEAN cần sử dụng một biểu thuế chung cho cả CEPT, MFN và chi tiết ở cấp độ 8 chữ số, sử dụng thống nhất trong thống kê và khai báo xuất nhập khẩu... Nếu một nước trong khu vực ASEAN có một mặt hàng được phân loại đúng thì cả 10 nước trong khu vực đều sử dụng phân loại như nhau.

 Việt Nam phải tuân thủ theo đúng lộ trình cắt giảm thuế theo hướng vừa đảm bảo thực hiện theo đúng cam kết lại không ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước. Những dòng thuế sát nhập phải lựa chọn ở mức thuế thấp và cam kết sẽ không mở thêm dòng thuế hay thay đổi dòng thuế. Luôn hướng tới mục tiêu thuế là để bảo hộ. Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nước trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam nên sớm xây dựng cơ chế hải quan một cửa ASEAN và các chương trình thuận lợi hóa thương mại.

Doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cần chú trọng đến nhiều vấn đề, trong đó có: chính sách đầu tư quốc tế và khu vực, chất lượng nguồn nhân lực và sự ổn định của hệ thống luật pháp. Có như vậy cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư quốc tế muốn kinh doanh tại Việt Nam mới có thể phát triển và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

Vũ Tuấn

Đọc thêm