Tổn thất lớn
Cuối năm 1985, đầu năm 1986, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) sững sờ phát hiện những điệp viên người Liên Xô làm việc cho họ đột ngột biến mất với tỉ lệ cao báo động. Trong số những nguồn tin này, theo tài liệu của Mỹ, bao gồm 2 quan chức làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ tên Valery F. Martinov và Sergei M. Motorin. “FBI đã tổn thất cay đắng trong vụ này. Họ đã mất 2 nguồn tin quý giá từ Đại sứ quán”, một quan chức Mỹ cho biết.
Martinov và Motorin đến Washington vào năm 1981 với cương vị quan chức phụ trách về văn hóa và thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 đều là những điệp viên của Liên Xô. Trong đó, Martinov có trách nhiệm chính là tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật và khoa học còn Motorin được nhiệm vụ giúp Moscow tìm hiểu về các kế hoạch của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Mặc dù vậy, theo phía Mỹ, chỉ 1 thời gian ngắn sau, FBI đã tuyển mộ được họ làm điệp viên cho nước này trong các năm 1983 hoặc 1984. “Việc tuyển mộ những người này cực kỳ khó khăn vì những nhân vật ở tầm đó rất ít. Với lực lượng tình báo Mỹ, việc mất đi những người như vậy là thảm họa và thảm kịch”, một quan chức Mỹ khi đó nhận xét.
Ngoài ra, một điệp viên khác có biệt danh “GTMOTORBOAT” mà phía Mỹ đã tuyển mộ được cũng biến mất không dấu tích. Trước việc liên tục mất đi những nguồn thông tin quý như vậy, đầu năm 1986, CIA quyết định mở một cuộc điều tra quy mô lớn để tìm hiểu thông tin. Người đầu tiên bị đưa vào diện tình nghi là Edward Lee Howard – một thành viên CIA đã đào tẩu sang Moscow - nhưng người này sau đó đã được loại trừ.
Cuộc điều tra của CIA cứ thế dậm chân tại chỗ đến tận năm 1991, khi CIA đã có đủ lý do để khẳng định có sự hiện diện của một kẻ phản bội trong nội bộ. Lúc này, họ mới đề nghị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) phối hợp, mở ra cuộc điều tra phản gián hợp tác quy mô lớn đầu tiên giữa CIA và FBI dù trước đó CIA không bao giờ chia sẻ các tài liệu về hoạt động của họ với FBI.
Phát hiện thủ phạm
Ngay sau khi FBI vào cuộc, cuộc điều tra chung của 2 cơ quan trên đã có tiến triển lớn. Danh sách các đối tượng tình nghi của họ được thu hẹp xuống còn 28 người trước khi rút tiếp xuống chỉ còn 1 người: Aldrich Hazen Ames - người đứng đầu bộ phận Liên Xô trong đơn vị phản gián của CIA, có quyền tiếp cận trực tiếp các dữ liệu về các chiến dịch hành động của CIA.
Nghi ngờ nhằm vào Ames xuất hiện do các điều tra viên phát hiện ông ta có rất nhiều tiền và tài sản quý giá, vượt hơn nhiều lần so với mức lương. Tháng 3/1993, FBI chính thức mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Ames. Tuy nhiên, trong suốt 4 tháng sau đó, dù đã huy động một đội phản gián hùng hậu, thực hiện nhiều biện pháp như theo dõi, nghe lén điện thoại nhưng FBI vẫn chưa có được bằng chứng để chứng minh nghi ngờ của họ.
Phải đến ngày 15/9/1993, khi Ames tới Thổ Nhĩ Kỳ công tác, các điệp viên của FBI quyết định lấy thùng rác của nhà ông ta, tỉ mẩn ghép từng mảnh vụn trong thùng rác, họ mới tìm được một thông điệp hẹn trao đổi thông tin giữa Ames và người nhận tin phía Liên Xô. Đầu năm 1994, khi Ames và vợ chuẩn bị tới Moscow, Nga để dự một hội thảo, FBI quyết định tung lưới, bắt giữ Ames tại nhà riêng của ông ta.
Con đường trở thành kẻ phản bội
Vốn là con trai của một cựu điệp viên của Mỹ, Ames được CIA tuyển mộ khi đến tuổi vào đại học. Sau quá trình huấn luyện, năm 1969, ông ta được điều tới Thổ Nhĩ Kỳ với nhiệm vụ tìm cách chiêu mộ các điệp viên người Liên Xô, biến họ trở thành điệp viên cho Mỹ.
Một thời gian sau đó, ông ta được điều trở về Mỹ. Dù không có thành tích đáng kể trong công việc nhưng Ames vẫn được tin tưởng cất nhắc lên vị trí người đứng đầu bộ phận Liên Xô trong đơn vị phản gián của CIA. Công việc chính của ông ta là tuyển mộ và điều phối hoạt động của các điệp viên nước ngoài.
Điều tra của giới chức Mỹ cho biết, trong khi công việc có những tiến triển tốt thì đời tư của ông ta lại không được suôn sẻ, nguyên nhân cũng chỉ bởi một chữ tình. Theo đó, sau khi ly hôn người vợ đầu, ông ta cặp kè một người phụ nữ tên Rosario. Cũng kể từ đó, ông ta luôn trong tình trạng thiếu thốn vì Rosario có thói chi tiêu vô tội vạ. Sau một thời gian suy nghĩ, Ames quyết định kiếm thêm tiền bằng cách phản bội, trở thành điệp viên 2 mang cho Liên Xô.
Ames bị bắt giữ bên ngoài nhà riêng năm 1994 |
Ngày 16/4/1985, Ames tìm tới Đại sứ quán Liên Xô tại Washington để đề nghị hợp tác. Sau khi kiểm tra, xác minh, KGB đã quyết định tuyển mộ ông ta. Ngay trong lần giao dịch đầu tiên, Ames đã trao cho phía Liên Xô tên của 2 điệp viên KGB đang hoạt động tại Mỹ nhưng đã bị phía Mỹ mua chuộc trở thành người của FBI. Lần đó, Ames nhận được 50.000 USD – một số tiền rất lớn vào lúc bấy giờ.
“Ngựa quen đường cũ”, sau lần đó, Ames thường xuyên chuyển tài liệu cho KGB, bao gồm danh tính những công dân Liên Xô đang làm gián điệp cho Mỹ và nhiều thông tin quan trọng khác. Hoạt động gián điệp của ông ta đóng vai trò lớn trong việc làm sụp đổ mạng lưới gián điệp của Mỹ ở Liên Xô.
Theo một số tài liệu, đã có 25 điệp viên của Mỹ bị Ames bán đứng, trong đó có ít nhất 12 người đã bị Liên Xô phát giác và tống giam. Ngoài ra, hàng trăm điệp viên của các nước khác cũng được cho là đã bị phát giác do hành vi của người này.
Với những “thành tựu” đó, Ames được đánh giá là một trong những điệp viên 2 mang thành công nhất lịch sử. Ông ta cũng là điệp viên được trả giá cao nhất trong lịch sử Mỹ khi theo các tài liệu do phía Mỹ công bố, Ames đã nhận tổng cộng hơn 2,5 triệu USD từ Liên Xô.
Thông tin do KGB đưa ra cho biết con số này lớn hơn nhiều, lên đến 4,6 triệu USD! Theo các tài liệu này, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm từ tháng 12/1986 tới tháng 5/1989, Ames đã nhận hơn 2,7 triệu USD từ Liên Xô. Điệp viên FBI Leslie G. Wiser Jr. cho rằng vụ việc của Ames là trường hợp đặc biệt bởi người Liên Xô vốn nổi tiếng trong việc tiết kiệm, thường không chi trả nhiều tiền để mua chuộc những nguồn tin của đối thủ.
Bước ngoặt
Về phía Liên Xô, các quan chức KGB về sau cho biết, vào cuối năm 1985, KGB đã phát hiện việc phản bội của Martinov. Đến tháng 11/1985, họ đã ra chỉ thị yêu cầu người này hộ tống một điệp viên khác về nước và tiến hành bắt giữ. Motorin cũng đã bị đưa về Liên Xô trong cùng thời gian.
Cùng lúc, KGB được cho là cũng đã có bước ngoặt trong chiến thuật của mình. Nếu như trước đó, họ thường lưỡng lự trong việc cung cấp các thông tin có chất lượng cao cho các điệp viên 2 mang thì sau khi tiếp nhận Ames, KGB nhận thấy cần phải cung cấp cho các điệp viên 2 mang những thông tin đủ hấp dẫn để CIA dính mồi.
Theo hướng này, cơ quan tình báo của Liên Xô đã xây dựng được một đường dây gián điệp 2 mang chuyên gửi về cho Mỹ những “thông tin được kiểm soát”, tức đã được lựa chọn kỹ nghe thì hay nhưng không có nhiều giá trị trên thực tế.
Ví dụ, nếu KGB cho phép các điệp viên 2 mang chuyển các thông tin cụ thể về các thành phần trong tàu ngầm mới của họ thì điều đó đồng nghĩa với việc họ đã dừng nghiên cứu về dự án hoặc họ quyết định khiến Mỹ nghĩ rằng tiến độ dự án đang thụt lùi xa so với thực chất.
Những thông tin đó đủ thu hút đến mức dù biết đó là tin do các điệp viên 2 mang cung cấp nhưng các nhà phân tích của CIA và Lầu Năm Góc vẫn sử dụng để đánh giá các kế hoạch quân sự của Liên Xô. Trong thời gian này, người Nga luôn duy trì được khoảng 6 điệp viên người Liên Xô mà CIA nghĩ rằng đang làm việc cho họ nhưng thực chất tất cả đều vẫn trung thành với Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Ames bị bắt, chiến thuật này của KGB đã trở nên khó khăn hơn do người Mỹ đã dè chừng hơn trước.
Trở lại với vụ án Ames, ngày 28/4/1994, ông ta nhận tội làm gián điệp cho Liên Xô. Cùng năm, ông ta bị buộc tội và bị kết án tù chung thân không ân xá. Vợ của ông ta cũng bị kết án 63 tháng tù giam. “Những điệp viên đó đã tử vong vì kẻ phản bội muốn một ngôi nhà lớn hơn và một chiếc xe hơi hiệu Jaguar”, Giám đốc CIA lúc bấy giờ R. James Woolsey nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin New York Times năm 1994.