Ám ảnh 'đội quân ma' của Thiên hoàng Nhật ở nước ngoài

(PLO) - Đại chiến thế giới thứ II (ĐCTGII) đã càn quét cả thế giới. Một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất về ĐCTGII là một toán lính Nhật đã không tự sát mà sống trốn tránh trong một vùng đất xa lạ để tự bào chữa cho họ thoát khỏi nỗi sỉ nhục bị thất bại suốt một thời gian dài kể cả sau khi kết thúc chiến tranh. 
Binh lính Nhật trong thời kỳ Đại chiến tranh thế giới thứ II
Binh lính Nhật trong thời kỳ Đại chiến tranh thế giới thứ II

Họ biến thành một thứ gọi là “những bóng ma sống”, sống trong ác mộng bởi chiến tranh và chịu sự phán xét của tòa án lương tâm...

Một trong những người lính nổi tiếng nhất trong “đội quân ma” là một sĩ quan tình báo thuộc quân đội Thiên hoàng Nhật có tên là Hiroo Onoda.

Bi kịch

Onoda làm việc tại lực lượng bộ binh của quân đội Thiên Hoàng, được huấn luyện để trở thành một sĩ quan tình báo và được phong quân hàm Trung úy đệ nhị. Một thời gian ngắn sau khi phát xít Nhật xâm lược Philippines, Hiroo Onoda lên tàu sang xứ lạ, và khoảng năm 1944 thì ở Lubang, một hòn đảo cách thủ đô Manila chừng 90 hải lý về phía Tây Nam.

Hiroo Onoda khi còn là một sĩ quan tình báo trẻ
Hiroo Onoda khi còn là một sĩ quan tình báo trẻ  

Quân Đồng Minh đã đẩy bật quân Nhật ra khỏi Philippines, giải phóng Manila. Lực lượng lính Nhật tứ tán, mất phương hướng, và nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục ở Lubang trong hình thái chiến tranh du kích nhiều năm sau đó. Hiroo Onoda nằm trong số họ, thường xuyên ẩn hiện mở các cuộc tấn công chớp nhoáng đối phương. Cuối cùng, chỉ còn lại Onoda may mắn sống sót, nhưng cuộc chiến trong ông chỉ thực sự chấm dứt 29 năm sau đó. 

Khi ĐCTGII kết thúc vào tháng 8/1945, thì Onoda không tin là sự thật, khẳng định rằng tất cả chỉ là đòn tuyên truyền của quân thù. Trong mắt Onoda, chiến tranh đang tiếp diễn và ông phải phục tùng mệnh lệnh. Những năm sau đó, Onoda sống một mình trong những cánh rừng già của Philippines, đột nhập các nông trang để lấy cắp thực phẩm hoặc gia súc, sẵn sàng giết bất kỳ ai có ý đồ ngăn cản.

Chính quyền Philippines đã cố gắng chiêu dụ Hiroo Onada nhưng đều không thành công. Gia đình và bạn bè của Onada thậm chí đã đến Lubang, gọi loa và phát tờ rơi nhưng Onada không tin, vẫn nghĩ rằng đó là cái bẫy của kẻ thù. Ngày 20/2/1974, Hiroo Onado tình cờ chạm trán một nhà thám hiểm kiêm thợ săn Yeti người Nhật tên là Norio Suzuki:

“Nếu ông ta (Suzuki) không mang vớ (tất chân) tôi sẽ bắn liền. Ông ta đứng lại, nhìn quanh, thấy tôi và chào. Rồi Suzuki lại chào lần hai. Tay ông ta rung lên, tôi thấy đầu gối ông ta cũng vậy. Suzuki hỏi tôi: “Có phải ông là Onoda-san?”. Tôi đáp: Đúng rồi, Tôi là Onoda”. Suzuki reo lên: “Chao ôi, thật ông là Trung úy Onoda chứ?”. Tôi gật đầu.

Suzuki bắt chuyện: “Tôi biết ông lâu lắm rồi. Chiến tranh kết thúc rồi. Ông có muốn về quê hương với tôi không?”. Cách nói chuyện nhã nhặn lịch sự của Suzuki đã thuyết phục tôi rằng ông ta đã lớn lên ở Nhật. Khi đó tôi vẫn còn giận dữ, hét lớn: “Không đời nào, tôi sẽ không về Nhật! Chiến tranh đâu đã chấm dứt!”. Onoda thực sự cảm nhận rằng ông ta đang thực thi nhiệm vụ theo lệnh cấp trên, và không thể từ bỏ vai trò của một sĩ quan cao cấp. 

Không lâu sau, có một thông điệp được gửi tới Hiroo Onoda, viết bởi Thiếu tá Yoshimi Taniguchi, người từng là chỉ huy của Onoda trong thời chiến. Taniguchi giải thích cho người lính của mình rằng chiến tranh đã lùi xa 3 thập kỷ, “hạ lệnh” cho Onoda ngừng nhiệm vụ. Onoda được đưa tới thủ đô Manila, “đầu hàng” Tổng thống Philippines-Ferdinand Marcos và nhận được sự ân xá.

Trở về Nhật Bản, câu chuyện của Hiroo Onoda đã trở thành “hot news” (tin nóng hổi), ông được đối xử như một người hùng, thậm chí Onoda còn viết một cuốn sách mang tiêu đề “Không đầu hàng: cuộc chiến 30 năm của tôi”, bán chạy chưa từng thấy. 

Hiroo Onoda một thời gian ngắn sau khi đầu hàng
Hiroo Onoda một thời gian ngắn sau khi đầu hàng 

Tuy nhiên, Hiroo Onoda chưa bao giờ thực sự hòa nhập với cuộc sống ở quê nhà hay trong xã hội hiện đại. Ông đã đi tới một vùng xa xôi hẻo lánh mãi tận Brazil để bắt đầu dựng một nông trang dành cho những người Nhật di cư sống một cuộc đời bình dị, chăn nuôi gia súc ở Terenos, Mato Grosso do Sul.

Onoda lấy vợ và quay lại Nhật vào năm 1984,  mở một ngôi trường dạy về sống còn trong thế giới hoang dã gọi là Onoda Shizen Juku (“Trường thiên nhiên Onoda”). Ông sống những ngày cuối đời ở Nhật trước khi qua đời vì những biến chứng từ căn bệnh viêm phổi vào tháng Giêng năm 2014, thọ  91 tuổi. 

“Đội quân ma”

Một người lính Nhật khác tên là Shoichi Yokoi, phục vụ quân ngũ ở Mãn Châu, sau đó lên tàu sang những cánh rừng già nhiều muỗi ở đảo Guam vào năm 1944. Khoảng tháng 7/1944, Mỹ phản công dữ dội và quân Nhật bị đẩy văng khỏi Guam.

Cũng như Hiroo Onoda, Yokoi và những người lính Nhật khác nhận ra họ đang bị phân tán trong những vạt rừng già bạt ngàn ở Guam, tự chống chọi để tồn tại, tự học cách ngụy trang, đào hang để ngụ cư, sống hòa mình vào đại ngàn hoang dã. Yokoi trở thành “bóng ma” trong rừng, và khi nghe tin chiến tranh kết thúc, ông lại cố gắng lủi sâu hơn vào rừng già bởi lo sợ sẽ bị bắt giữ và bị hành quyết.

Sau 28 năm sống chui lủi, vào ngày 24 tháng Giêng năm 1972, Shoichi Yokoi bị phát hiện bởi một toán thợ săn. Và cũng như Hiroo Onoda, việc Shoichi Yokoi quay về Nhật đã tạo nên một cơn sốt trong giới truyền thông. Nhưng không thể tự điều chỉnh hành vi trong thế giới văn minh, Yokoi cảm thấy bất mãn với người Nhật hiện đại, ông quay trở lại Guam, sống và qua đời ở đó vào năm 1997, hưởng thọ 82 tuổi. 

Tham gia vào “đội quân ma” là một người lính Nhật khác có tên gọi là Sakae Ōba, từng là một giáo viên vui tính tại một trường công trước khi gia nhập Trung đoàn bộ binh 18 của quân đội Thiên hoàng vào năm 1934. Ōba đã tham chiến ở Saipan (quần đảo Bắc Mariana, Mỹ) trong biên chế của Trung đoàn chiến đấu.

“Người rừng” Shoichi Yokoi
“Người rừng” Shoichi Yokoi

Khoảng tháng 2/1944, Ōba và 600 lính Nhật khác bị mắc kẹt ở đảo Saipan sau khi chiếc tàu Sakito Maru của họ bị tấn công, và bị đắm bởi ngư lôi của người Mỹ. Họ tái tập hợp lực lượng trên đảo Saipan và Ōba nắm vai trò phụ trách một trạm y tế cùng với 225 quân nhân khác. Không lâu sau đó, trận chiến Saipan ngày 5/6/1944 đã buộc Ōba cùng đồng đội rốn lên núi Tapochau.  

Họ tập hợp lại quân số xấp xỉ 4000 người, thực hiện một cuộc tấn công quyết tử vào ngày 7/6/1944. Họ tiếp tục các chiến thuật trong vòng 16 tháng sau đó, quấy rối hàng vạn lính Mỹ đang đồn trú trên đảo Saipan và tiếp tục các cuộc đột kích dù rằng đã lâu họ không còn quân thù nào. Chỉ đến tháng 11/1945, Sakae Ōba mới bị thuyết phục rằng nước Nhật đã đầu hàng sau khi nguyên Thiếu tướng Umahachi Amō khẳng định, ĐCTGII đã thật sự kết thúc, hạ lệnh cho Ōba và những người đồng đội ngồi xuống, gia nhập vào các lực lượng Mỹ.

Ám ảnh thời hậu chiến

Những trường hợp thời hậu chiến của Nhật vẫn đang ám ảnh các cánh rừng trên thế giới, mặc dù không ai trong số họ nổi tiếng như những nhân vật trong bài này. 

Ở Malaysia có 2 công dân Nhật là Shigeyuki Hashimoto và Kiyoaki Tanaka vẫn đang tiếp tục chiến đấu chống lại các lực lượng Malaysia sau khi Nhật đầu hàng vào tháng 8/1945. “Triều đại khủng bố” của 2 người lính Nhật này đã kết thúc vào ngày 2/12/1989, khi họ đầu hàng tại biên giới Malaysia-Thái Lan, khi đó Nakamoto khoảng 71 tuổi, còn Tanaka thì 77 tuổi. 

Vụ gần đây nhất đã xảy ra vào năm 2005 khi vài báo cáo nói rằng vẫn còn sót lại 2 người lính Nhật từ thời kỳ ĐCTGII vẫn đang tiếp tục sống đâu đó trong rừng già ở đảo Mindanao (Philippines). 2 người lính này được xác định là Tsuzuki Nakauchi và Yoshio Yamakawa, phục vụ cho Sư đoàn 30 của quân đội Thiên hoàng, và sau đó một thời gian họ được xác định là đã chết khi một trận chiến đẫm máu đã tiêu diệt sạch cả Sư đoàn của họ.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Saipan trong thời kỳ Đại chiến tranh thế giới thứ II
Lính thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Saipan trong thời kỳ Đại chiến tranh thế giới thứ II 

Câu chuyện về hai người lính Nhật trên bị cho là trò đùa, có lẽ là một chiến dịch tuyên truyền của tổ chức khủng bố Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), hoặc nếu có thật thì 2 người này đang sống đâu đó trong rừng rậm. Số phận của họ khó mà biết được. Những người lính này do những hoàn cảnh xung đột tâm lý nào đó đã tự nguyện bước vào rừng và không muốn quay trở lại, họ sống hòa mình vào đại ngàn và làm chủ cuộc sống của mình.

Thế giới vẫn không ngớt xảy ra những cuộc chiến tranh và đâu đó vẫn còn có những số phận người kỳ lạ còn chưa được biết đến.

Đọc thêm