Có thể nói, ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn thì nơi đó có “dấu chân” của chị em tiểu thương chợ Kinh Cùng lui tới. Đều đặn mỗi tháng, CLB đều kêu gọi vận động quyên góp và trao tặng tiền, quà cho nhiều cảnh đời bất hạnh. Trong suốt 4 năm qua, chẳng ai còn nhớ CLB đã trao bao nhiêu phần quà và bao nhiêu gia đình được “tiếp sức” vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít
Là người “khai sáng” cho hoạt động này ở thị trấn Kinh Cùng, cô Nguyễn Thị Chi (63 tuổi, ngụ ấp Hòa Phụng B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: Xem nhiều chương trình từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh thấy rất hay và ý nghĩa nên cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tặng quà, trao nhà, trao học bổng cho những gia đình khó khăn và học sinh nghèo vượt khó. Lúc này cô chỉ tham gia chung với CLB của phường 7, TP Vị Thanh.
Đến năm 2013, thấy địa phương mình có nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ nên cô đã “đưa” hoạt động này về thị trấn Kinh Cùng rồi kêu gọi những người có lòng hảo tâm, quyên góp, giúp đỡ. Từ đó, CLB Người Tình nguyện thị trấn Kinh Cùng được thành lập. Đi vào hoạt động từ năm 2013, nhưng đến năm 2015 CLB mới chính thức được công nhận, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. “Lúc đầu thành lập chỉ có 6 – 7 người tham gia, chủ yếu là tiểu thương mua bán ở chợ, tuy hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả nhưng giàu lòng nhân ái, thương người. Đến nay CLB có trên 60 thành viên”, cô Chi chia sẻ.
Mỗi khi nghe ai nói hoặc nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn, CLB sẽ vận động các tiểu thương trong chợ đóng góp, giúp đỡ. CLB còn làm một bản thông tin ngắn sơ lược về cảnh đời bất hạnh để các mạnh thường quân, người có lòng hảo tâm hiểu rõ và giúp đỡ. Ngoài ra, thông tin và số tiền của các tiểu thương hỗ trợ được lưu cẩn thận và đầy đủ vào sổ sách, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch. Chính điều này tạo thêm niềm tin của các tiểu thương với CLB. Khi vận động, tùy vào khả năng của từng tiểu thương, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít. Nhờ hoạt động này, nhiều trường hợp khó khăn, thiếu thốn hoặc gặp tai nạn đột xuất… đã được giúp đỡ.
Để có tiền đều đặn hàng tháng giúp đỡ các cảnh đời, nhiều chị em tiểu thương đã bỏ thói quen đọc báo nhịn ăn sáng, ăn cơm nguội để có tiền giúp đỡ người khó khăn. Với cô Chi, niềm vui là thấy những nụ cười phấn khởi hay những giọt nước mắt rung rưng vì hạnh phúc, có điều kiện vượt qua khó khăn. “Đi càng nhiều càng thấy cuộc sống này còn rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh, cần giúp đỡ. Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, khả năng được bao nhiêu giúp bấy nhiêu”, cô Chi cho biết.
|
Sổ sách ghi thông tin đóng góp của các tiểu thương và sổ hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo đều được bà Chi ghi chép và cất giữ cẩn thận |
“Tiếp sức”, cứu nguy nhiều cảnh đời bất hạnh
Ông Lê Văn Dũng (người dân ấp Hòa Phụng B, thị trấn Kinh Cùng) trước đây sống dưới ghe nhưng do vợ bị tai biến nên dọn lên bờ, dựng lều trên đất của người ta sinh sống. Gia cảnh khó khăn, cuộc sống gia đình rất chật vật, thiếu thốn. Mỗi tháng phải lo tiền thuốc thang cho vợ trên 1 triệu đồng. Đối với hoàn cảnh này, CLB cũng thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ.
“May mắn từ khi vợ tôi bị bệnh cho đến nay được sự giúp đỡ và chia sẻ của các chị trong CLB nên gia đình mới đỡ khốn khó”, ông Dũng nói. Đồng thời, ông cũng cho biết mong muốn của gia đình ông hiện tại là có một căn nhà kiên cố che mưa, che nắng, có tiền lo thuốc thang, bệnh tật cho vợ. Ngoài ra, còn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm khác được CLB giúp đỡ.
Được biết, mới đây CLB cũng đã kịp thời giúp đỡ một trường hợp bị tai nạn giao thông qua cơn nguy kịch. Do bị tai nạn giao thông cần phẫu thuật gấp nhưng không có tiền để tiêm 1 mũi thuốc chống giật trong khi mổ não (thuốc ngoài danh mục bảo hiểm) trị giá 6 triệu đồng. Thấy thế CLB đã mượn tiền, ứng tiền để giúp đỡ.
“Cứu người như cứu lửa”, buổi tối khi nghe gia đình nói về hoàn cảnh như vậy nhưng không có tiền sẵn nên phải đi tìm mượn và ứng trước của một chị trong CLB để giúp đỡ, cô Chi cho biết. Nhờ mũi thuốc “thiện nguyện” đó mà người bị tai nạn được phẫu thuật kịp thời và cứu sống. Chưa hết, mỗi tháng CLB còn nhận hỗ trợ đều đặn cho 6 hộ trên địa bàn, mỗi hộ 200.000 đồng/ tháng.
Vào ngày 14 âm lịch hàng tháng, chị em trong CLB còn ra chùa Phước An làm khoảng 400 phần cơm để phát cho người nghèo, người bệnh trong các bệnh viện và người bán vé số, công nhân lao động trên địa bàn. Chị Trương Thị Cẩm Loan (thành viên CLB) tham gia CLB được khoảng 2 năm bộc bạch: Thấy CLB giúp đỡ được nhiều người nên cũng tham gia. Hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả nên phải tiết kiệm để có tiền giúp đỡ người nghèo. “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục ủng hộ để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt qua lúc hiểm nghèo”, chị Loan chia sẻ.
Tham gia các hoạt động từ thiện từ khi còn học mẫu giáo, cậu bé Nguyễn Trần Nhật Huy (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng), thành viên “nhí” của CLB cũng thường xuyên gửi tiền ủng hộ giúp đỡ người nghèo, và các bạn học sinh không có tiền mua tập sách đi học. “Con thấy hoạt động này rất ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người nên con ăn ít lại, bỏ ống heo để giúp đỡ người nghèo”, bé Huy cho biết.
Xã hội sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống khó khăn của con người sẽ được san sẻ chia sớt bởi những tấm lòng thiện nguyện gần gũi và thân thương như thế. Giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu thốn không nhất thiết phải là công việc của những người giàu sang “lắm tiền nhiều của” mà đó là hành động đẹp của những người không giàu tiền bạc nhưng lại dồi dào lòng hảo tâm, trắc ẩn. Thiết nghĩ, đây là một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng cần nhân rộng trong cộng đồng, để những “tấm lòng vàng” lan tỏa khắp mọi nẻo đường cuộc sống.