“Ảm đạm” thị trường sách điện tử Việt Nam

(PLVN) - Trong nỗ lực chấn hưng văn hoá đọc của người Việt, sách điện tử (ebook) dù đang là xu hướng trên thế giới lại ngày càng “đuối sức” trên thị trường sách Việt Nam.
Sách điện tử cũng phải đối mặt với vấn đề sách lậu.
Sách điện tử cũng phải đối mặt với vấn đề sách lậu.

Nghịch lý

Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2014 có khoảng 360 triệu bản sách và các xuất bản phẩm khác được xuất bản; nhưng con số này cứ tụt dần còn hơn 200 triệu bản trong vòng 2 năm sau đó. Nhưng, tới năm 2017 thì số lượng xuất bản phẩm bất ngờ tăng lên 416 triệu bản.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 17.111 xuất bản phẩm với hơn 250 triệu bản được nộp lưu chiểu, tăng 6,9% về xuất bản phẩm và tăng tới 43,6% về số bản được phát hành so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy một nỗ lực lớn để gây dựng lại niềm hứng thú của bạn đọc Việt Nam đối với sách giấy nói riêng và sách nói chung.

Trái ngược với tín hiệu mừng trên là sự “ảm đạm” của thị trường sách điện tử. Trong 2 năm 2017-2018, mỗi năm chỉ có khoảng 200 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu so với khoảng 30.000 bản sách in. 

Theo đó, cũng năm 2017, Thông tư 42/2017/TT – BTTTT yêu cầu nhà xuất bản, công ty ebook phải xây dựng đề án hoạt động xuất bản – phát hành xuất bản điện tử để tiếp tục hoạt động; rất nhiều nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh ebook đã không đáp ứng đủ yêu cầu của đề án và phải dừng lại giữa chừng việc phát hành ebook.

Cách đây nhiều năm khi thị trường sách điện tử đang nở rộ với sự tham gia của nhiều công ty xuất bản ebook, sản xuất máy đọc ebook, ứng dụng đọc ebook trên thiết bị thông minh… như Alezaa, Lạc Việt, Ybook đến các công ty có “thâm niên” như NXB Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP, Tiki, Vinabook, Cty Sách Phương Nam...

Hiện nay, chỉ còn 5 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, theo Cục Xuất bản, in và phát hành.

Về điều này, đại diện của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cho biết, nội dung và công nghệ là yếu tố tiên quyết và cũng là hạn chế lớn nhất của các đơn vị cung cấp ebook khác nhau của Việt Nam trước nhu cầu của độc giả.

Đơn cử, chỉ nói riêng đến thiết bị đọc ebook, hầu như không có công ty nào mới ra đời có tự tin vượt qua “hào quang” về công nghệ, thiết kế, cũng như cạnh tranh về giá cả với những sản phẩm đã có “thâm niên” trên thị trường như Kindle (Amazon) và Kobo (Rakuten). 

Còn nói về số lượng sách, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nền tảng có thể tích hợp số lượng sách lớn tới hàng triệu đầu sách đủ mọi thể loại để có thể đáp ứng tất cả mọi độc giả như Google Ebook Store,  Amazon Free Kindle Ebook, Library Genesis, Internet Archive…

Bên cạnh đó, vấn nạn vi phạm bản quyền sách điện tử còn rất phổ biến. Hầu như rất dễ dàng tìm thấy hàng triệu đầu sách điện tử miễn phí trên mạng, hoặc với một mức giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm gốc.

Chính vì thế, trong khi xu hướng của thế giới là sách điện tử đang áp đảo sách giấy; thì tại Việt Nam, thị trường sách điện tử lại ngày càng thu hẹp trong thời gian qua. Có thể nói, đây là sự thất vọng lớn của ngành xuất bản sách điện tử Việt Nam trong quá trình tiến tới nền xuất bản công nghiệp 4.0. Liệu điều này xuất phát từ nhu cầu bạn đọc ngày càng giảm xuống hay đến từ sự thờ ơ của ngành xuất bản đối với sách điện tử?

Muôn vàn thách thức

Nhiều nhà phát hành sách cho biết, việc phát hành sách điện tử vẫn còn khá nhiều rào cản về cơ chế, kinh phí và quan trọng nhất là thói quen đọc sách của độc giả. Hiện nay, bố mẹ đều hướng cho con cái rời xa màn hình của các thiết bị thông minh (máy tính, điện thoại) bởi những nguy hại về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Tâm lý này là một trong những trở ngại lớn nhất với sự phát triển dòng sách điện tử ở Việt Nam.

Theo đó, xu hướng của thế giới hiện nay bắt đầu chuyển hướng sang mô hình audio book, tức sách nói, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu trên, cũng như mở rộng tập khách hàng của thị trường sách điện tử cho người lái xe, người khiếm thị, hoặc người bận rộn không có thời gian đọc sách…

Nhưng muốn theo kịp xu hướng này đòi hỏi nguồn lực và kinh phí lớn để phát triển công nghệ, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên môn, cũng như chi phí cho bản quyền các đầu sách. 

Không chỉ thế, để được phát hành ebook, các NXB và công ty phát hành ebook có bản quyền còn phải tiến hành thực hiện rất nhiều thủ tục, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý Nhà nước khác nhau.

Ngặt nỗi, các hành động “ăn cắp” bản quyền như chia sẻ, phát tán sách qua mạng xã hội, Internet, thậm chí thêm bớt nội dung sai lệch lại không bị kiểm soát. Phải trải qua nhiều “chông gai” nhưng quyền lợi không được bảo đảm khiến các nhà xuất bản, nhà phát hành không khỏi “ngán ngẩm”, đành phải rút khỏi thị trường sách điện tử, tập trung làm sách giấy cho chắc chắn.

Thiết nghĩ, trong các rào cản đối với sự phát triển thị trường sách điện tử ở Việt Nam, thì thị trường sách lậu nở rộ là cản trở lớn nhất. Bởi một khi bản ebook lậu được phát tán trên thị trường thì bản gốc gần như không còn giá trị.

Nếu không có những định hướng, cũng như các biện pháp chấn chỉnh phù hợp, thì thị trường ebook trong nước vẫn mãi mãi chỉ là “thị trường của ebook lậu, tạp nham và mất kiểm soát” mà thôi. 

Đọc thêm