Bữa cơm hạnh phúc nhất trong năm
Chúng tôi tìm đến một trong số những gia đình Tứ đại đồng đường hiếm hoi còn lại ở Hà Nội - gia đình PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi, trong một ngày cuối đông có nắng vàng. Bên ấm trà sen ngào ngào ngạt hương thơm, ông kể cho chúng tôi nghe về nếp nhà cũng như cách các thành viên trong gia đình ông gìn giữ bữa cơm hạnh phúc ngày cuối năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: Ông sinh ra trong một gia đình có 7 anh em. Ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ dạy dỗ theo gia phong, nếp nhà của người Hà Nội xưa: trọng lễ nghi, giữ nếp nhà, đặc biệt là phải giữ được bữa cơm tất niên – bữa cơm hạnh phúc nhất trong năm trong bất kể hoàn cảnh nào, kể cả nghèo khó.
“Ngày tôi còn bé, gia đình tôi rất nghèo. Để có tiền cho 7 người con ăn học đến nơi, đến chốn, ngoài làm ruộng bố mẹ tôi còn trồng một vườn hoa huệ để mang ra chợ bán. Tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày với hành trình lặp đi lặp lại quanh năm suốt tháng phụ giúp bố mẹ: Cho lợn, gà ăn khi không phải đến trường, chiều ra ngoài vườn cắt hoa, tối bó lại thành từng bó nhỏ để 5 giờ sáng hôm sau gánh hoa ra ga tàu điện cách nhà 3km cho mẹ mang hoa vào phố bán. Đặc biệt vào ngày Tết, điệp khúc mang hoa ra ga, chợ cho mẹ bán lặp đi lặp lại vài lần/ ngày. Để rồi trong nhiều năm liền, bố mẹ, anh chị em chúng tôi chia nhau miếng bánh chưng mới gói ăn tạm ngoài chợ. Chỉ đến khi tối mịt, những dòng người hối hả về quê đã dần vãn, hoa đã bán hết, cả nhà mới dắt díu nhai về nhà nấu bữa cơm tất niên”. PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nhớ lại.
|
Bữa cơm sum họp của gia đình PGS.TS |
Tiếp lời, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho biết, trong bữa cơm hạnh phúc, các thành viên trong gia đình sẽ nói với nhau về những kỷ niệm vui trong năm cũ, khen những món ngon trong mâm cỗ tất niên. Những câu vui đùa của người già, những lời nói ngộ nghĩnh của con trẻ làm không khí gia đình chiều 30 như được thắp thêm những ngọn lửa ấm áp. Sau bữa cơm Tất niên, bên ấm trà nóng, sinh hoạt chung của gia đình được tiếp diễn, các cháu nhỏ sẽ được người lớn tặng đồ dùng học tập, sách vở với mong muốn sang năm sẽ học hành tốt hơn…
Hiện đại mấy cũng phải giữ… lề lối
Sinh ra và lớn lên ở làng Nghi Tàm, ông Nguyễn Thế Thành (70 tuổi, Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) tâm sự: “Người Hà Nội xưa rất chú trọng đến hình thức trong ba ngày Tết. Hầu như gia đình nào, dù nghèo khó tới đâu họ cũng cố gắng xoay sở để có một cái Tết tươm tất, đủ đầy. Thế nên mới có câu “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè”. Và trong ba ngày Tết ấy, có những nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện, đó là ăn bữa cơm Tất niên”.
Theo đó, trước khi nấu cơm Tất niên, các thành viên trong gia đình ông sẽ cùng nhau ra đồng, thắp hương ông bà tổ tiên, mời các cụ về thụ hưởng 3 ngày Tết với gia đình. “Đứng ngoài nghĩa trang, cánh đồng trong không khí Tết sum vầy, tự nhiên mình thấy những người thân thương đã khuất núi như vẫn còn bên mình, dõi theo mình. Và mỗi lần như thế, không chỉ tôi mà con cháu đều thấy bùi ngùi, xúc động. Và đến bây giờ, gia đình tôi vẫn giữ nếp ấy. Cứ chiều 30 Tết, cả nhà lại lũ lượt kéo nhau ra đồng… Sau đó, mỗi người chia nhau một việc chuẩn bị mâm cơm Tất niên”, ông Thành chia sẻ.
Nối tiếp những truyền thống ấy, hiện nay gia đình ông Thành vẫn giữ nếp ăn bữa cơm Tất niên. Và trong bữa cơm ấy, vợ chồng ông cùng hai người con trai sẽ nói những câu chuyện liên quan đến thú vui đọc và sưu tầm sách tồn tại từ bao đời nay của gia đình và cùng nhau bàn luận về việc sẽ viết chữ gì ngày đầu Xuân. “Đây là một tập tục đẹp tôi học được từ mẹ tôi với mong ước những điều tốt đẹp trong năm mới sẽ đến”, ông Thành chia sẻ../.