Số liệu thống kê cho thấy đến nay đã có khoảng 10 nhà khoa học thuộc diện hàng đầu của Iran trên lĩnh vực hạt nhân bị ám sát. Phía chính phủ Iran cáo buộc Mỹ và Israel đứng sau vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Cách thức nhà khoa học này bị ám sát khiến thiên hạ không thể không liên tưởng đến cách thức mà Israel thường sử dụng để ám sát địch thủ ở nước ngoài. Thiên hạ suy diễn vậy thôi chứ phía Iran cho đến thời điểm hiện tại chưa đưa ra được bằng chứng xác thực nào chứng minh cho những cáo buộc nói trên.
Điều khiến cho vụ việc này trở nên nhạy cảm về chính trị và được để ý đến nhiều là thời điểm. Ở nước Mỹ vừa có cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả là tổng thống đương nhiệm Donald Trump bị thất cử. Từ sau 12h ngày 20/1/2021, ông Trump không còn là tổng thống Mỹ nữa mà sẽ bị thay thế bởi ông Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ. Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) và đối địch quyết liệt với Iran trong khi ông Biden tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại thoả thuận này nếu phía Iran tuân thủ nghiêm chỉnh nó.
Ông Biden cũng còn không biểu lộ là sẽ tiếp tục quan điểm chính sách và hành động của ông Trump đối với Iran. Ông Biden được coi là người rất thân Israel, nhưng không phải là người “chiều” Israel như ông Trump. Bởi vậy, việc ông Trump không còn được tiếp tục cầm quyền là tổn thất lớn đối với Israel, Ả-rập Xê-út, Bahrain... những nước ở trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh muốn dựa vào Mỹ để đối phó Iran.
Phía Iran biết rằng ông Biden làm Tổng thống Mỹ thì mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn sẽ tiếp tục phức tạp và trắc trở, nhưng nhiều khả năng dễ chịu hơn so với thời ông Trump cầm quyền. Vì thế, phía Iran trong những này vừa qua rất kiềm chế và không làm gì khiến ông Biden khó xử.
Kẻ nào chủ mưu án sát ông Fakhrizadeh không phải nhằm mục tiêu gây khó khăn và trở ngại mới cho chương trình hạt nhân của Iran. Iran không thiếu nhà khoa học có thể kế nhiệm ông Fakhrizadeh và tương lai của chương trình hạt nhân của Iran đâu có phụ thuộc vào cá nhân nhà khoa học này. Mục đích chính của thủ phạm là tạo ra bối cảnh tình hình chính trị an ninh khu vực và bầu không khí chính trị trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Iran bất lợi nhất và khó khăn nhất cho ông Biden và Iran ở thời kỳ ông Biden làm tổng thống Mỹ. Bản chất thật sự của vụ ám sát này là “ném đá giấu tay”, giống như giăng ra cái bẫy để nhử Iran sa vào.
Cái bẫy này dựa trên mưu tính kích động Iran có hành động trả thù mà chắc chắn là nhằm vào Mỹ, Israel và các đồng minh của họ trong khu vực. Một khi phía Iran tiến hành trả đũa thì Mỹ sẽ buộc phải thể hiện thái độ và phản ứng trong khi các đồng minh kia của Mỹ sẽ “ăn miếng trả miếng” với Iran. Xung khắc và bạo lực lại gia tăng ở khu vực thì ông Biden không thể thực hiện được những tuyên bố chính sách riêng của mình đối với Iran.
Vụ việc ông Fakhrizadeh bị ám sát khác biệt cơ bản so với vụ việc ông Solemalei bị sát hại hồi đầu năm nay chính ở chỗ đấy. Hồi đầu năm nay, Iran đã có hành động trả đũa nhằm vào Mỹ. Còn bây giờ, nhiều khả năng Iran sẽ kiềm chế để không tạo cớ cho ông Trump hành động quân sự dưới hình thức và với mức độ nào đấy nhằm vào Iran trong những ngày cầm quyền cuối cùng và để ông Biden có điểm xuất phát thuận lợi nhất cho việc xử lý lại toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Iran, trong đó đương nhiên có việc giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.
Nhưng vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của Iran vừa rồi còn cho thấy ông Biden sẽ vấp phải rào cản không hề nhỏ từ phía chính các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh trong việc xử lý lại mối quan hệ của Mỹ với Iran.