Háo hức chờ ngày khai ấn đầu năm
Là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239, lễ khai ấn của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ và được gìn giữ đến ngày nay. Tại đền Cố Trạch, các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm. Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ “Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện.
Đúng giờ Tý (12 giờ đêm), buổi lễ bắt đầu. Một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó, người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ để họ về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Sau lễ khai ấn đầu năm tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15-20/8 Âm lịch hàng năm. Cũng như những lễ hội khác, tại đây cũng bao gồm các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian từ xưa với các lễ rước từ khác đền chùa xung quanh về làm lễ dâng hương và tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo.
Nhiều năm trở lại đây, nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp đưa lễ khai ấn trở thành nét sinh hoạt văn hoá lớn, có thêm phần hội với tên gọi Lễ hội đền Trần, Lễ hội Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Lễ hội Khai ấn đền Trần đã phải tạm dừng nhưng vẫn thực hiện đủ nghi thức khai ấn như mọi năm. Cùng với đó, ấn vẫn sẽ phát tới tay người dân nhưng trong khuôn khổ an toàn theo quy định phòng chống dịch.
|
Cổng vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần - Nam Định. |
Cần hiểu đúng và đủ
Mặc dù đã tồn tại từ lâu đời nhưng ý nghĩa thực sự của ấn đền Trần vẫn chưa được hiểu đúng. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, ý nghĩa của dòng chữ trên ấn “Tích phúc vô cương” hoàn toàn không liên quan đến quyền lực hay tiền tài. Việc lấy ấn để có chức quyền là do mọi người tự nghĩ ra. Vì vậy, Khai ấn chỉ là để thực hành một nghi lễ, một tín ngưỡng.
Trải bao thế kỷ, khi ấn cũ không còn, tới năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ; thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và đó cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Tất cả các nghi lễ tại di tích đền Trần phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc. Chính vì vậy, việc duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy chính là góp phần nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm, tâm thức uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã liên tục thông qua các phương tiện truyền thông làm rõ ý nghĩa thực sự của lá ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn. Đó là cầu mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc để bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động - sản xuất tốt, chứ không phải là “lá ấn thiêng” để “cầu quan, phát lộc” như nhiều người nhầm tưởng rồi tranh cướp ấn.
Ngoài ra, xác định được giá trị và tầm quan trọng của khu di tích đền Trần đối với đời sống văn hóa của người Việt, ngày 25/1/2019, tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt đền Trần - Chùa Tháp, UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ khởi công Dự án “Đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định”.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 2/1/2016, xây dựng trên tổng diện tích đất 92,5ha, gồm 3 phân khu chính: Khu công viên văn hóa Trần (25,6ha); Khu Trung tâm lễ hội (23,6ha) và khu đệm, khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối đến các phân khu, giao thông nội bộ, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật chung...
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hoá thời Trần tại Nam Định gồm các hạng mục: Khu công viên văn hóa thời Trần (xây dựng 2 hồ nước cảnh quan với diện tích 12ha trong lô 5 và lô 7; cây xanh cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật); Khu trung tâm lễ hội gồm sân lễ hội chính và các sân phụ, hệ thống cây xanh và cảnh quan phục vụ lễ hội.
Dự án sẽ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể khu di tích trong giai đoạn mới, phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.
Đồng thời, trong tương tai gần, Dự án cũng sẽ hình thành một điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá thời Trần, làm phong phú hơn các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phù hợp với ước nguyện của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.