Ngoại giao vaccine
Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong một tuyên bố cho biết, từ ngày 20/1, nước này chính thức chuyển lô hàng vaccine Covid-19 đầu tiên bao gồm khoảng 1 triệu liều vaccine được sản xuất trong nước đến Bhutan, Maldives, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Seychelles. Ngoài ra, Sri Lanka, Afghanistan và Mauritius cũng sẽ nhận được vaccine Covid-19 của Ấn Độ khi các nước này phê duyệt các quy định cần thiết để mở đường cho việc tiếp nhận và sử dụng vaccine.
Ấn Độ cũng đã thông quan xuất khẩu thương mại vaccine Covishield sang Brazil. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp vaccine trên toàn thế giới sau khi tính đến các yêu cầu trong nước cũng như các nhu cầu và nghĩa vụ quốc tế.
Ngoài ra, một số nước như Hàn Quốc, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Maroc và Nam Phi đều đã bày tỏ mong muốn mua vaccine sản xuất tại Ấn Độ. Theo kế hoạch, Nam Phi sẽ nhận 1 triệu liều vaccine Covishield vào cuối tháng này và nhận thêm 500.000 liều nữa vào tháng sau.
Ấn Độ lâu nay vốn nổi tiếng là một cường quốc về vaccine, nước này sản xuất 60% lượng vaccine trên thế giới và là nơi đặt trụ sở của gần chục nhà sản xuất vaccine lớn. Chính vì vậy nên việc nước này “sốt sắng” và trở thành một trong những nước đi đầu trong cuộc tìm kiếm vaccine nhằm ngăn ngừa đại dịch Covid-19 cũng là điều dễ hiểu. 2 loại vaccine mà nước này đang đưa vào sử dụng đại trà và chuyển cho các nước khác bao gồm một loại vaccine nội địa có tên Covaxin.
Vaccine này do hãng Bharat Biotech và Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ phát triển. Loại vaccine sản xuất trong nước này của Ấn Độ được sản xuất dưới sự hậu thuẫn của chính phủ. Đơn vị sản xuất Bharat Biotech trong khi đó là nhà sản xuất vaccine đã hoạt động 24 năm, với 16 loại vaccine đã được đăng ký và xuất khẩu sang 123 quốc gia.
Covaxin là một loại vaccine bất hoạt, có nghĩa là nó được tạo thành từ các virus corona đã bị giết chết, làm cho nó an toàn khi tiêm vào cơ thể. Bharat Biotech đã sử dụng một mẫu virus corona do Viện Virus học Quốc gia của Ấn Độ phân lập để phục vụ cho việc sản xuất vaccine của mình. Theo đơn vị sản xuất, khi được tiêm, các tế bào miễn dịch vẫn có thể nhận ra virus đã chết, thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại virus corona chủng mới gây bệnh.
Giới chức Ấn Độ cho biết, vaccine này được tiêm thành 2 liều, cách nhau bốn tuần. Vaccine có thể được bảo quản ở 2 độ C đến 8 độ C. Bharat Biotech cho biết họ có một kho dự trữ 20 triệu liều Covaxin và đang đặt mục tiêu sản xuất 700 triệu liều tại 4 cơ sở của công ty ở hai thành phố vào cuối năm nay.
Loại vaccine còn lại là Covishield - một phiên bản do hãng dược AstraZeneca và trường Đại học Oxford phối hợp bào chế. Vaccine này đang được sản xuất trong nước. Cả hai loại vaccine trên đều được Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất và được phê duyệt khẩn cấp vào đầu tháng 1 này. Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - cho biết đang sản xuất hơn 50 triệu liều vaccine Covishield mỗi tháng.
Một số nhà quan sát cho rằng việc Ấn Độ cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước láng giềng trong nỗ lực “ngoại giao vaccine” như trên là để tăng cường vị thế và củng cố tầm quan trọng địa chính trị của nước này trong khu vực. Ông Harsh Pant - người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Observer có trụ sở tại New Delhi – cho hay, Ấn Độ đã rất tích cực tương tác với các nước láng giềng qua việc cung cấp các hỗ trợ y tế kể từ khi đại dịch bùng phát. “Ngoại giao vaccine là một phần của những nỗ lực hỗ trợ này”, ông nói.
Theo ông Pant, có hai lý do đằng sau hoạt động này. Lý do thứ nhất là Ấn Độ muốn được coi là một cường quốc khu vực có trách nhiệm và không vụ lợi. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ có thể cung cấp vaccine cho các nước láng giềng vào thời điểm mà họ cần sẽ cho thấy Ấn Độ rất hào phóng. “Có lẽ Ấn Độ muốn sử dụng điều này như một công cụ ngoại giao”, ông Pant nhận định.
Còn theo Giáo sư Pankaj tại Đại học toàn cầu OP Jindal Ấn Độ cũng đã tỏ ra thận trọng khi thực hiện các biện pháp nói trên vì bất kỳ trường hợp gặp tác dụng phụ hoặc có vấn đề trong quá trình vận chuyển vaccine sẽ làm bùng phát “một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn hơn”.
Chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng
Trước đó ít ngày, ngày 16/1 vừa qua, Ấn Độ cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 1,3 tỷ người. Trong đó, trong chiến dịch tiêm chủng thuộc nhóm lớn nhất thế giới, giới chức đất nước đông dân thứ hai trên thế giới đặt mục tiêu đến tháng 7 tới sẽ tiêm chủng cho 300 triệu người, gần tương đương với dân số nước Mỹ.
Khoảng 30 triệu nhân viên y tế và những người tiếp xúc nhiều nhất với dịch bệnh sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng, tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc những người dễ bị nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng do Thủ tướng Narendra Modi phát động trực tuyến từ New Delhi, khoảng 300.000 người đã được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
Chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng của Ấn Độ cũng được triển khai với 2 loại vaccine Covaxin và Covishield. Khoảng 150.000 nhân viên ở 700 huyện đã được đào tạo đặc biệt trong nước để tham gia chiến dịch tiêm chủng. Ấn Độ cũng đã thực hiện một số cuộc diễn tập cấp quốc gia trước khi bắt đầu việc tiêm chủng, đặc biệt là mô phỏng việc vận chuyển liều vaccine và rèn luyện cách tiêm. Chính quyền Ấn Độ cho biết họ sẽ triển khai chiến dịch dựa trên kinh nghiệm thu được từ các cuộc bầu cử và các chiến dịch tiêm phòng bệnh bại liệt và bệnh lao trước đây.
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng thứ hai, sau Mỹ, với hơn 10 triệu ca mắc bệnh được ghi nhận nhưng nếu tính theo dân số, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này vẫn thuộc loại thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chiến dịch tiêm chủng của nước này là một thách thức vô cùng lớn vì cả hai loại 2 loại vaccine được triển khai tiêm chủng đều phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.
Trong khi đó, hệ thống đường sá và y tế của Ấn Độ đều không được đánh giá cao. Một thách thức khác là sự ngờ vực của dân chúng. Người dân nước này vẫn còn một số hoài nghi về vaccine do thông tin sai lệch tràn ngập trên mạng. Theo một cuộc khảo sát gần đây với 18.000 người, 69% cho biết họ không vội vàng để tiêm phòng mà muốn chờ xem chiến dịch tiêm chủng diễn ra ra sao.