Trào lưu chơi đùa với “tử thần”
Theo tờ South China Morning Post, chỉ trong khoảng 3 tháng đầu năm 2021, quốc gia Ấn Độ ghi nhận hàng chục ca tử vong khi đang chụp ảnh tự sướng. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Tất nhiên, hành động chụp hình selfie, được hiểu đơn giản là hành động chụp lại hình ảnh của chính mình, không phải là nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, nhiều người vì muốn chụp được những bức ảnh “selfie” độc lạ để thử thách bản thân hoặc để sống ảo nên đã tìm đến những địa điểm nguy hiểm như những mỏm đá khúc khuỷu, vắng vẻ tại các bãi biển, trên đường ray xe lửa, nóc xe lửa đang chạy hay các mỏm đá sát vực sâu… Chỉ cần không chú ý hoặc sẩy chân khi tạo dáng, những người này dễ để bản thân rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng.
Đầu tháng 4/2021, chính quyền thành phố Agra (miền Bắc Ấn Độ) ghi nhận 2 thiếu niên chết đuối khi đang selfie dưới ao. Còn tại bang Orissa (miền Đông Ấn Độ) đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong, một phụ nữ 27 tuổi ở bang Orissa (miền Đông Ấn Độ) bị chết đuối vì trượt chân ngã trong khi chụp “selfie” tại khu dã ngoại Kaanakund, một học sinh 13 tuổi chết cháy vì vướng vào dây điện cao thế trong lúc “selfie” trên nóc đoàn tàu đang chạy.
Hình ảnh những thanh niên “chơi trội”, thích “biểu diễn” trên những địa hình “thách thức thần chết” dù vẫn được lan truyền nhanh trên mạng xã hội của Ấn Độ nhưng đã không còn nhận được những lời tung hô. Thay vào đó, một bộ phận khống nhỏ người dân Ấn Độ đã bài xích, phê phán và tẩy chay trào lưu này, gọi đó là “trò chết người”.
Năm 2018, Viện Khoa học Y tế Ấn Độ công bố từ năm 2011 đến 2017 có khoảng 259 trường hợp tử vong do “selfie” trên thế giới, trong đó Ấn Độ có 159 người thiệt mạng khi cố thực hiện các pha “selfie” mạo hiểm. Đáng nói, vấn nạn này không chỉ xảy ra Ấn Độ, mà các quốc gia Nga, Mỹ, Pakistan cũng được “xướng tên” trong tốp đầu danh sách quốc gia có nhiều ca “killfie” (trò selfie tại các khu vực nguy hiểm). Phần lớn nạn nhân chết đuối, bị tàu hoả hoặc xe đâm, rơi từ trên cao xuống. Các nam thanh niên trẻ, đặc biệt những người yêu thích mạo hiểm, chiếm đến 3/4 trong số những ca “killfie” trên toàn cầu.
Để có bức hình độc, lạ, nhiều người bất chấp tính mạng. |
Theo tìm hiểu các các chuyên gia Ấn Độ, xu hướng nghiện “selfie” bắt nguồn từ sự phát triển của công nghệ trong xã hội. Theo công ty dữ liệu Statista, Ấn Độ cũng là quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, tương đương khoảng 760 triệu người dùng trong năm 2021. Trên thế giới, số người dùng điện thoại thông minh ước tính có thể vượt mốc 3,8 tỷ trong năm nay.
Mặt khác, bà Rita Joshi – Giáo sư Xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết: “Ảnh selfie khiến mọi người cảm thấy bắt kịp xu hướng khi đăng lên mạng xã hội và nhận về lượt thích. Đó là cách dễ dàng nhất để giới trẻ (Ấn Độ) kết nối với toàn cầu, đặc biệt là những người ở phương Tây có phong cách sống mà họ muốn bắt chước”.
Theo đó, các chính trị gia, ngôi sao, người nổi tiếng trong Ấn Độ cũng là động lực thúc đẩy trào lưu này đến với giới trẻ. Thử nghĩ xem, dù là bức hình “selfie” của Thủ tướng Narendra Modi với các quan chức lãnh đạo thế giới hay là bức ảnh “selfie” của những diễn viên Bollywood cũng có thể khiến hàng triệu người hâm mộ học hỏi theo.
Không ai nói rằng “Selfie” là một hành động xấu xa nhưng hành vi “selfie” thiếu trách nhiệm như làm phiền người khác, phá hoại cảnh quan hay tự gây nguy hiểm cho bản thân, lại là một hiện tượng đáng lo ngại. Vì thế, chính quyền ở Ấn Độ cũng đang cố ngăn chặn vấn nạn này. Sự ra đời của ứng dụng Saftie (Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha – Delhi) được công bố, giúp cảnh báo người dùng về các địa điểm “selfie” nguy hiểm, đặc biệt là nhóm nhân khẩu học từ 19 đến 30 tuổi.
Và check-in tại “mỏm đá tử thần” ở Mã Pì Lèng, Hà Giang. |
Về phía cộng đồng, có thể nhắc tới phong trào “SelfieToDieFor” của một doanh nhân tiếp thị kỹ thuật số đã phát động nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về “killfie” và hàng loạt trang web truyền thông những video cảnh báo về hậu quả của hành vi selfie mạo hiểm.
Về phía Chính phủ, cảnh sát thành phố Mumbai và tiểu bang Goa đã tạo ra các khu vực cấm “selfie” xung quanh những bãi biển nổi tiếng. Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ cũng công khai khuyến cáo người trẻ tránh “selfie” trên đường ray xe lửa hoặc trong lúc thực hiện các pha nguy hiểm. Theo đó, Trung tâm Đường sắt đã chia sẻ các mẹo #SelfieSafety (tạm dịch: selfie an toàn); còn lực lượng Bảo vệ Đường sắt công bố các biện pháp trừng phạt đối với những trường hợp cố tình “selfie” mạo hiểm.
Những pha “check-in” mạo hiểm của người Việt
Trào lưu tự chụp ảnh, quay phim bản thân tại các địa điểm nguy hiểm bất kỳ ai xem cũng phải hú hồn, nhằm “sống ảo” và tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng xã hội, đã xuất hiện ở nước ta từ nhiều năm nay, đặc biệt đối với dân phượt ưu mạo hiểm, thích độ cao. Trên những mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất Việt Nam như Facebook, Youtube, Tik Tok, … không khó để tìm thấy những bức ảnh, clip ghi lại những pha “thách thức tử thần” của các bạn trẻ Việt Nam trên các nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp, đèo dốc, vách núi cheo leo,…. mà không hề có bất kỳ bảo hộ gì.
Tháng 1/2021, một bạn trẻ trèo ra “mỏm đá tử thần” Pải Lủng trên đèo Mã Pì Lèng ở Hà Giang để chụp hình không cẩn thận đã bị trượt chân ngã xuống vách núi. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tạm cấm du khách lên khu vực này cho đến khi có phương án an toàn. Tuy nhiên, trái với tư duy thông thường là nên tránh những điểm nguy hiểm, nhiều diễn đàn trên mạng còn “rỉ tai” nhau những lời mời chào nhất định phải đến “check-in” ở điểm đến này để “chứng minh bản lĩnh” hay “vượt qua sợ hãi”.
Gần thời điểm này, một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), đó là một thanh niên rơi từ mái nhà xuống đất tử vong khi đang quay video trên mái nhà của một người khác. Được biết, nạn nhân là một người dùng Tiktok khá nổi với hơn 140.000 người theo dõi. Tất nhiên, còn nhiều những trường hợp như vậy trong nhiều năm gần đây khi xã hội ngày càng phát triển, ngày càng nhiều người trẻ sở hữu những chiếc điện thoại thông minh đời mới, chức năng chụp hình căng nét không thể chê vào đâu. Đáng nói, dù đã được cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn như “con thiêu thân lao vào lửa”, nhất định phải tìm đủ mọi cách để thực hiện những pha nguy hiểm để nhận được những lượt “thả tim”, “nút like”, “lượt view” của cộng đồng mạng.
Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho công nghệ mà chính sự tôn vinh các giá trị ảo, hay căn bệnh “sống ảo” của một bộ phận người Việt, mới là nguồn cơn của những nhận thức lệch lạc và các hành vi bất chấp tính mạng để phải có được các “shot hình giật gân”. Đáng nói, trào lưu “killfie” này đã rất thịnh hành trên thế giới đã thực sự “du nhập” vào cuộc sống người Việt trong nhiều năm nay.
Năm 2018, nhiều diễn đàn mạng đã truyền nhau đoạn clip ghi lại ba nam thanh niên leo lên nóc toà nhà 38 tầng (được cho là tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) để “selfie” và quay phim. Trong đó có cảnh các bạn trẻ này đứng sát mép nhà rồi dùng gậy tự sướng để chụp mà không hề dùng bất kì đồ bảo hộ nào, chỉ cần sẩy chân có thể rơi xuống. Đến nay, “killfie” vẫn là một trào lưu của giới trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt mạng. Như vậy, cảnh báo về nhận thức liệu đã là đủ?