Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ I): Án lệ “lên ngôi” sau cuộc chinh phạt nước Anh của vua William I

(PLVN) - Xuất hiện tại châu Âu cách đây cả ngàn năm, án lệ vẫn luôn được duy trì và phát triển trong hệ pháp luật của các nước trên thế giới. Dù được thừa nhận một cách chính thức hay không thì án lệ vẫn luôn tồn tại đan xen trong các hệ thống pháp luật đến ngày nay.
Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ I): Án lệ “lên ngôi” sau cuộc chinh phạt nước Anh của vua William I

LTS: Án lệ (tiền lệ pháp) xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Án lệ giúp bù đắp những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Bởi vậy mà án lệ trở thành một nguồn luật chính thức và có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.

Án lệ (tiền lệ pháp) là một hình thức của pháp luật, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án (trong các tập san án lệ) làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó. Tiền lệ pháp còn là quá trình làm luật của tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử.

Án lệ thời sơ khai

Án lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên - tức thời La Mã cổ đại. Ban đầu, án lệ được tồn tại dưới hình thức các sắc dụ, phán quyết, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phù hợp với sự phát triển của xã hội La Mã thời cổ đại. Minh chứng cho điều này là việc Hoàng đế Severus - người cai trị La Mã từ năm 193 đến năm 211 đã cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự. 

Tuy nhiên, đến năm 529, Hoàng đế Justinian đã cấm các thẩm phán La Mã quyết định các vụ việc mà không dựa vào luật thành văn. Nhưng chỉ sau đó 4 năm, vị hoàng đế này đã phải khôi phục lại chính sách cũ bằng việc cho phép các thẩm phán bổ sung những kẽ hở của pháp luật thành văn khi áp dụng. Do đó, trong lịch sử pháp luật La Mã, các văn bản tập hợp các bản án và lời phân tích được coi là có giá trị pháp lý như luật khi thẩm phán sử dụng nó.

Mặc dù vậy, tư duy án lệ chỉ thực sự xuất hiện từ thời vua William I (1028-1087). Vị vua người Norman đã dành chiến thắng trước đội quân Ăng-lô Sắc-xông do vua Harold II chỉ huy trong trận chiến Hastings, để chiếm lấy Vương quốc Anh vào năm 1066.

Thời điểm đó, nước Anh là sự tập hợp lãnh đạo của nhiều lãnh chúa cát cứ tại nhiều vùng lãnh địa khác nhau. Và trong lãnh thổ Vương quốc Anh khi đó cũng có đa dạng các dân tộc từ người Anh, người Celt, người Viking, người gốc Đan Mạch... Theo đó, mỗi dân tộc này đều có một văn hóa, tập quán, luật lệ, tiếng nói riêng của mình. 

Nhận thấy việc cai trị không thể chỉ dựa vào vũ lực, vua William đã cố gắng tập trung quyền lực tại Vương quốc Anh thông qua 2 hình thức điển hình: Thống nhất sổ sách thuế khóa, ghi chép dữ liệu về vương quốc (để đảm bảo việc thu thuế); và Thống nhất hệ thống công lý vương quốc về tay vua. Đó là những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của án lệ. 

Cuộc chinh phạt của vua William I năm 1066
 Cuộc chinh phạt của vua William I năm 1066

Trước thực tế, Vương quốc anh khi đó tồn tại quá nhiều hệ thống tòa án khác nhau, vua William đã quyết định thiết lập ở Anh một tòa án đặt tại cung điện Buckingham (ở Khu vực Westminster) gọi là Tòa Hoàng gia. Ban đầu, Tòa án này không có thẩm quyền toàn diện vì đây là tòa án riêng để giải quyết các vụ việc liên quan tới những người Norman cùng đến Anh với William I. 

Tới thế kỷ XII, Tòa Hoàng gia đã thay mặt Nhà vua xét xử một số vấn đề về quyền đối với đất đai, thu thuế, trừng phạt các tội phạm hình sự nghiêm trọng cũng như giải quyết một số tranh chấp nhất định, nhất là những tranh chấp có liên quan đến sự ổn định của vương triều. Sự mở rộng thẩm quyền của Tòa Hoàng gia đi kèm là sự mở rộng về mặt quy mô, cơ cấu tổ chức, và cuối cùng đã khiến cho các tòa án địa phương mất tác dụng. Tòa Hoàng gia đã thay thế các tòa án truyền thống để trở thành cơ quan xét xử duy nhất tại Anh. 

Tiền lệ pháp ra đời

Điều đó có được là nhờ tài trị vì khéo léo của vua William I. Dù nhanh chóng chiếm được Vương quốc Anh nhưng vị vua này đã không vội vàng dùng quyền lực và luật lệ của người Norman để áp đặt lên nước Anh. Vị vua này tin rằng, ở một nơi mà người dân coi trọng những giá trị truyền thống như nước Anh thì việc thay đổi điều đó một cách áp đặt là hạ sách. Bởi nó có thể dẫn đến một sự phản kháng quyết liệt từ người dân bản địa. 

Do đó, ông đã khéo léo xây dựng một hệ thống Thông luật qua tay của những vị thẩm phán. Điều đó được thực hiện bằng cách chỉ thị cho rất nhiều thẩm phán của Tòa hoàng gia đã được phái đi thực tế tại các địa phương. Những vị thẩm phán này trở thành những thẩm phán lưu động có nhiệm vụ đi khắp đất nước, đến tất cả các vùng thuộc quyền cai trị của Nhà vua, nhân danh Nhà vua để xét xử các vụ việc tại địa phương bằng các phiên tòa xét xử lưu động. 

Vào thời kỳ sơ khai đó, khi tới các vùng để thực hiện nhiệm vụ, các vị thẩm phán sẽ áp dụng những tập quán và luật pháp vốn có của vùng đó để xét xử các vụ án mà không hề sử dụng luật pháp của Hoàng gia. Nhưng thực tế này lại dẫn đến một vấn đề nan giải là: ở Anh có quá nhiều tập quán ở nhiều vùng miền khác nhau và không có nơi nào giống nơi nào. Do đó, dù cùng một vụ việc giống nhau nhưng mỗi vùng miền lại xử theo một kiểu. Sự không thống nhất trong xét xử đó gây ra khó khăn cho các vị thẩm phán. 

Các thẩm phán của Tòa Hoàng gia góp công lớn trong việc hình thành các án lệ
  Các thẩm phán của Tòa Hoàng gia góp công lớn trong việc hình thành các án lệ

Để giải quyết vấn đề đó, sau mỗi thời gian thực thi nhiệm vụ tại mỗi vùng đất khác nhau, các vị thẩm phán này sẽ cùng tập trung trở lại Westminster, ngồi lại với nhau để thảo luận, trao đổi về những vấn đề tập quán và luật pháp của các vùng mà họ đã tham gia xét xử.

Việc so sánh đạo luật của các vùng khác nhau giúp họ tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của chúng cũng như kinh nghiệm trong quá trình xét xử. Sau đó, việc quan trọng nhất là họ sẽ chắt lọc ra những vụ việc hợp lý, những phán quyết có tính chính xác và thuyết phục cao của các vị thẩm phán ở các vùng khác nhau để làm cơ sở cho các vị thẩm phán tham khảo. Sau đó, họ sẽ áp dụng chúng vào quá trình xét xử của những vụ án có tình tiết tương tự sau này.

Sổ tay Bracton
 Sổ tay Bracton 

Sau này, hờ việc các thẩm phán Hoàng gia áp dụng thường xuyên những tiền lệ nói trên mà các quy định của pháp luật ngày càng giống nhau trên khắp nước Anh. Và để đảm bảo cho việc áp dụng các phán quyết mang tính chuẩn mực, khuôn mẫu đó mà các thẩm phán đã xây dựng nên nguyên tắc tiền lệ - “Stare decisis”, có nghĩa là “tiền lệ phải được tôn trọng”.

Theo nguyên tắc này, bất kỳ ở nơi đâu phát sinh những vấn đề mang tính chất pháp lý thì khi đưa ra phán quyết phải tuân theo những trường hợp tương tự đã giải quyết trước đây và những bản án khuôn mẫu của tòa án trước đây được gọi là án lệ.

Nền luật pháp Anh dần thấm nhuần các thói quen: ghi chép quyết định đã đưa ra một cách có hệ thống (Huấn lệnh Hoàng gia); và áp dụng một cách thực tế các văn bản đã đưa ra từ trước, các quyết định mang tính tiền lệ. 

Hình thức lưu trữ án lệ từ các tuyển tập Huấn lệnh Hoàng gia sang các tập án lệ thực sự theo hướng hiện đại được diễn ra phần nhiều nhờ công sức của Henry de Bracton (1210-1268). Ông là một thẩm phán và tu sĩ đời vua Henry III. 

Trong tác phẩm “Sổ tay Bracton” của mình, Henry de Bracton đã tập hợp khoảng 2.000 án lệ từ các vụ việc ông đã xử suốt hơn 24 năm và từ lưu trữ của các Tòa án Hoàng gia Anh. Bracton là người tiên phong trong việc sưu tầm án lệ thành các báo cáo án lệ (tập hợp nhiều án lệ ghi chi tiết tình tiết từng vụ án cùng quyết định của tòa án, có thể kèm theo bình luận) thay vì chỉ tập hợp các Huấn lệnh Hoàng gia. 

Đọc thêm