LTS: Án lệ (tiền lệ pháp) xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Án lệ giúp bù đắp những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Bởi vậy mà án lệ trở thành một nguồn luật chính thức và có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.
Án lệ mang tính bắt buộc
Dân luật; Thông luật; Tập quán pháp; luật Hồi giáo; hỗn hợp của Dân luật và Thông luật đang là các hệ thống luật tồn tại trên thế giới. Trong đó, Dân luật và Thông luật luôn được đem ra so sánh bởi sự khác biệt quá lớn giữa chúng.
Dân luật được bắt đầu từ các quy tắc trừu tượng mang tính tổng quát để sau đó các quan tòa hay trọng tài phải áp dụng các quy tắc đó cho các vụ việc cụ thể và Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho hệ thống luật này. Trong khi, thông luật thì hoàn toàn ngược lại khi đề ra các quy tắc trừu tượng từ các vụ việc cụ thể. Chính điều đó đã hình thành nên án lệ và ở các nước theo hình thức thông luật như Anh thì án lệ là nguồn chính của pháp luật và. chúng mang tính bắt buộc.
Tính bắt buộc này được thể hiện trong những nguyên tắc áp dụng án lệ cơ bản tại nước Anh nói riêng và các nước theo hệ thống thông luật nói chung. Các nguyên tắc đó bao gồm: Tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của tòa án cấp trên; Tòa án cùng cấp không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ của nhau và Tòa án không bị ràng buộc bởi án lệ của chính mình.
Lý giải cho việc tại sao ở các nước phát triển như Anh án lệ lại mang tính bắt buộc, câu trả lời nằm ở chính những ưu điểm không thể phủ nhận của chúng trong bảo vệ và thực thi công lý. Chính việc được hình thành và phát triển qua các vụ việc cụ thể do tòa án xét xử mà án lệ đã tạo ra một hệ thống luật mở, gần gũi với đời sống thực tế.
Tranh vẽ Edward Coke vào năm 1614 |
Ưu điểm đó được minh chứng rõ ràng trong án lệ năm 1987 khi bà Atia kiện Công ty cung cấp gas Anh. Vụ viêc bắt đầu khi Attia gọi người của công ty đến lắp hệ thống sưởi ấm cho nhà bà, nhưng trong lúc làm việc, do sơ ý, họ để lửa bén vào gác xép. Khi đội cứu hoả đến, lửa đã lan khắp và thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà cùng tài sản trong đó.
Bà Attia đệ đơn lên toà với hai khoản kiện: đòi bồi thường thiệt hại ngôi nhà và tài sản; và đòi bồi thường thiệt hại do bị sốc về tinh thần khi phải chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi. Công ty cung cấp gas đồng ý bồi thường thịêt hại về tài sản, nhưng từ chối bồi thường cho cú sốc tinh thần.
Tòa sơ thẩm khi đó cũng đồng ý với lập luận của bị đơn và bác khoản kiện thứ hai của bà. Bà Attia kiện tiếp lên Tòa phúc thẩm của Anh. Tòa này đã chấp thuận khoản kiện và buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho bà Attia.
Một vụ án khác bà Macloughlin đã thắng khi kiện O’Brian bởi ông này lái xe bất cẩn đã làm chết chồng và con bà trong một vụ tai nạn giao thông, đòi bồi thường về vật chất và tinh thần.
Điều đáng nói là một bên là cái chết của chồng, con và một bên là ngôi nhà bị cháy; hai sự việc dường như khác xa nhau nhưng quan điểm của tòa là cả hai đều chịu cú sốc khi chứng kiến những gì quan trọng với mình mất đi.
Có thể thấy án lệ nước ngoài, đặc biệt là nước thuộc hệ thống thông luật được hình thành dễ dàng và có giá trị áp dụng lâu dài, bắt nguồn từ một vụ việc cụ thể cùng với hướng giải quyết hợp lý thì Tòa án có thẩm quyền công bố đó là án lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự sau này. “Tương tự” ở đây được dùng rất linh hoạt, không cần hòa toàn khớp với án lệ mà còn xem xét đến tinh thần của bản án và từng tình huống cụ thể. Do đó ở Anh, dù đã trải qua cả nghìn năm hình thành và phát triển thì án lệ chính luôn là “ngôi vương” trong hệ thống pháp luật.
Giá trị của các án lệ
Nếu như ở các nước đi theo hệ thống Dân luật, điển hình là Việt Nam thì án lệ càng mới càng có giá trị áp dụng, giải thích. Ngược lại, tại các nước theo hệ thống thông luật như Anh quốc thì những án lệ của các tòa án cách đây hàng trăm năm vẫn có giá trị cho các thẩm phán ngày nay vận dụng để ra quyết định cho một vụ án tương tự. Ở nước Anh, án lệ càng lâu càng có sức thuyết phục, và giá trị.
Hơn 400 năm trước, Ngài Edward Coke, đã phán quyết rằng Vua James I không thể cấm xây dựng nhà mới ở London mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Vua James khi đó tin rằng, ông có quyền thiêng liêng để đưa ra bất kỳ luật nào mà ông muốn. Nhưng tòa án đã phản đối quan điểm của ông, và quyết định rằng chế độ quân chủ không thể sử dụng quyền lực của mình theo cách độc đoán này.
Vụ kiện bắt đầu khi các quốc vương Tudor tin rằng họ có quyền điều chỉnh, thông qua vấn đề tuyên bố của hoàng gia, mà không có sự đồng ý của Nghị viện. Tuy nhiên, quyền lực tuyệt đối của nhà vua để “làm ra” luật pháp đã bắt đầu bị thách thức bởi tư pháp Anh và đang gây lo ngại trong chính Nghị viện.
Vấn đề quyền lực của nhà vua để đưa ra luật pháp được xem xét trước các thẩm phán vào năm 1610 khi James I và Nghị viện đang đấu tranh về vấn đề áp đặt quyền lực của Hoàng gia Anh.
Vào ngày 20/9/1610, Ngài Edward Coke đã được triệu tập trước Hội đồng Cơ mật của Anh cùng với Chánh án Thomas Fleming, Chánh văn phòng Nam tước Lawrence Tanfield và Nam tước James Altham. Họ được yêu cầu đưa ra ý kiến pháp lý trước việc Đức vua James I, bằng quyền lực của mình có thể cấm việc xây dựng các tòa nhà mới ở London, hoặc sản xuất tinh bột hoặc lúa mì. Những phán quyết này của vua James I khi đó đã khiến chính Hạ viện gọi ông là Nhà vua bất bình và chống lại pháp luật.
Tranh vẽ vua James I vào năm 1621 bởi Daniel Mytens |
Khi nhận được yêu cầu đó, Coke đã xem xét cùng với các thẩm phán khác và phán quyết rằng quyền lực của Nhà vua để tạo ra các đạo luật mới là ngoài vòng pháp luật. Do đó, Nhà vua không thể bằng tuyên bố của mình mà cấm các tòa nhà mới được xây dựng trong và xung quanh London.
Do đó, Nhà vua không có quyền tùy tiện, thông qua các tuyên bố của Hoàng gia, cấm việc xây dựng các tòa nhà mới ở London, cũng như việc sản xuất tinh bột lúa mì mà không có sự đồng ý của Nghị viện. Bởi vì quyền lực này trước đây không được Quốc hội trao cho Nhà vua bằng cách xây dựng luật thời hiệu.
Sau đó nhiều thập niên, giữa các cuộc tranh cãi về quyền lực của Hoàng gia trong việc xây dựng pháp luật thì Nghị viện đã luôn trích dẫn phán quyết của Coke. Các nghị sĩ đưa ra phán quyết của Coke để ủng hộ lập luận của Nghị viện chống lại việc sử dụng quyền lực Hoàng gia một cách tùy tiện.
Vào cuối thế kỷ đó, cuộc Cách mạng Vinh quang (1688) đã đặt nền móng cho chế độ quân chủ lập hiến ngày nay. Theo đó, bất cứ ai là Vua hay Hoàng hậu đều tôn trọng thẩm quyền làm luật của Quốc hội được bầu.
Tuy nhiên, vấn đề về phạm vi của đặc quyền Hoàng gia chỉ được giải quyết một cách đúng đắn trong Tuyên ngôn Nhân quyền 1689 của nước Anh, “xác định rằng quyền lực của Vương miện phải tuân theo luật pháp và không có quyền hạn nào của Vương miện không thể bị tước đoạt hoặc kiểm soát theo quy chế”.
(Đón đọc kỳ tới: Án lệ ở Hoa Kỳ)