Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam quốc dân đảng (Kỳ 5) - Nhà báo đặc biệt họ Phạm

(PLO) -Được nhóm lửa từ Nam Đồng thư xã, Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) ra đời. Công sáng lập thư xã của Phạm Tuấn Tài (1905-1937), ông giáo gốc thành Nam nặng lòng với nước đối với nước thật to lớn. Dù có phải đứng trước vành móng ngựa của thực dân, mà lòng vẫn cứ bừng bừng lửa ái quốc. 
Nam Đồng thư xã nằm bên hồ Trúc Bạch xưa
Nam Đồng thư xã nằm bên hồ Trúc Bạch xưa

Nói đến sự ra đời của VNQDĐ, không thể không nhắc đến vai trò của Phạm Tuấn Tài. Sở Mật thám Pháp, trong hồ sơ điều tra về VNQDĐ, đã xác nhận rõ điều này. Hồ sơ ấy, bạn đọc có thể xem trong tập san “Sử Địa” số 6 năm 1967 với tiêu đề “Tìm hiểu về các đảng phái Việt Nam trong thời Pháp thuộc: Việt Nam quốc dân đảng (1927-1930)”: “Nhóm khai sáng VNQDĐ gồm một giáo viên trẻ tên Phạm Tuấn Tài, anh của Tài là Phạm Quế Lâm làm nghề quảng cáo và một nhà báo mới vào nghề là Hoàng Phạm Trân. Đầu năm 1927, những người trẻ này lập tại Hà Nội một nhà xuất bản lấy tên Nam đồng thư xã”. 

Thư xã yêu nước

Theo ghi chép nơi “Việt sử tân biên”, phần “Chế độ Pháp thuộc ở Việt Nam”, thì những ngòi bút cổ động tinh thần ái quốc của VNQDĐ buổi ấy, nằm ở Nam Đồng thư xã và “Thực nghiệp dân báo”, mà hai cơ sở ấy, chủ trương bởi Phạm Tuấn Tài và Nhượng Tống đấy. “Cận đại Việt sử diễn ca” nói về việc thành lập Nam Đồng thư xã, chính là bởi ở sự kết hợp giữa hai nhà yêu nước này:

“Hai người mật thiết giao du,

Tự do nghề nghiệp mưu trù sinh nhai.

Một nhà giáo: Phạm Tuấn Tài,

Con người tâm trí ai hoài giang sơn.

Nhà văn ký giả họ Hoàng,

Bút danh Nhượng Tống, chính chàng Phạm Trân.

Mở nhà xuất bản canh tân,

Nam Đồng Thư Xã đỡ đầu nhà văn”.

Nam Đồng thư xã được lập ra, về mặt công khai, là một cơ sở xuất bản và buôn bán sách vở, tọa lạc ở số 6, đường số 96 nơi bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long ở Hà Nội, được lập cuối năm 1926. Nguyên do cho việc lập nên nhà xuất bản này, được Nhượng Tống ghi lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”, là liên quan đến thực tế tình hình chính trị nước nhà dạo ấy:

“Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đường bừng bốc. Tuy vậy, trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém. Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nghĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ quốc, biết thế nào là quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách”. 

Vậy đấy, để “khai dân trí”, để góp phần đưa tri thức của dân ta nâng lên, thoát khỏi cái chính sách “ngu dân” của kẻ cai trị, mà Nam Đồng thư xã ra đời. Mục đích ấy cao cả lắm, vì dân, vì nước lắm. Và đây chính là cơ sở để khởi phát cho sự hình thành VNQDĐ về sau vậy. Lại vẫn về Nam Đồng thư xã, nhờ dạo ấy chưa thực hiện chính sách kiểm duyệt trước khi xuất bản sách.

Nên nhiều bài có tính chính trị hoặc nhạy cảm không bị kiểm duyệt trên báo không đăng được, thì có thể tập hợp mà xuất bản thành sách. Dẫu sau có nghị định mà cấm sách ấy, thì sách cũng đã được bán hết rồi. Mà làm xuất bản, để lợi dân, nên sách bán rẻ cho mọi người có thể mua đọc. Còn mật thám, thì không biết sao mà cấm cho được, nên đành phải buộc các chủ nhà in những sách nào của Nam Đông thư xã đem in, thì phải đưa chúng xem trước. 

Không chỉ là một cơ sở xuất bản đơn thuần, Nam Đồng thư xã chính là nơi tập hợp những đồng chí cùng chí hướng với nhau, là nơi để kẻ anh hùng chí lớn tìm về. Nên đôi câu dưới đây của “Cận đại Việt sử diễn ca” viết cũng chẳng ngoa:

“Nam Đồng bí mật họp nhau,

Dọn đường cách mạng lật nhào Tây dương”.

Việc thành lập VNQDĐ, được “Việt sử tân biên” cho rằng, nguồn cơn ở việc Phạm Tuấn Tài được đại biểu của Trung Hoa quốc dân đảng ở Hà Nội là Hứa Gia Ngũ đề nghị lập đảng theo mô hình của Quốc dân đảng bên Trung Hoa. Chính từ đó, Phạm Tuấn Tài “trình bày việc này với Nguyễn Thái Học và được các anh em tán đồng vào cuối năm 1927 rồi Việt Nam quốc dân đảng chính thức thành lập vào ngày 25/12/1927”. Các sáng lập viên của đảng chủ yếu là những người đã sáng lập nên Nam Đồng thư xã. 

Thực nghiệp dân báo
Thực nghiệp dân báo

Tranh biện trước tòa

Tổng bộ đầu tiên được thành lập, nhưng không có Phạm Tuấn Tài. Bởi vì nghi Phạm Tuấn Tài tham dự vào việc chính trị, nên đầu năm 1928, chính quyền đã thuyên chuyển thầy giáo họ Phạm lên công tác ở Tuyên Quang. Và cũng vì thế, Nam Đồng thư xã đóng cửa, không xuất bản thêm được cuốn sách nào nữa. 

Đầu năm 1929, đúng lúc đương cả nước đón Tết Nguyên đán, thì trùm mộ phu Bazin lãnh đạn mà chết. Sau vụ ám sát Bazin, thực dân Pháp bố ráp, bắt bớ khắp nơi. Tòa soạn “Thực nghiệp dân báo” bị khám, tư gia của Phạm Tuấn Tài cũng bị xét... Nhiều anh em trong VNQDĐ bị bắt, tống giam. Phạm Tuấn Tài cũng nằm trong số ấy.

Sau đó, Hội đồng Đề hình đã đưa ra xử các thành viên VNQDĐ ngày 3/7/1929 mà họ bắt được. Phiên họp bắt đầu lúc 8 giờ sáng tại Hà Nội, được “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” tường thuật chi tiết.

Đến phiên xét hỏi Phạm Tuấn Tài, lúc này 26 tuổi, nguyên là giáo học Tuyên Quang, tòa hỏi về việc anh cùng Nhượng Tống lập Nam Đồng thư xã, việc anh xuất bản những cuốn sách sau bị cấm, lại phát truyền đơn ở Hải Phòng, cũng như việc nghi ngờ anh giáo trẻ lập đảng cách mạng ở Tuyên Quang.

Đến phần phản biện của Phạm Tuấn Tài, anh dõng dạc tuyên bố cái mục đích lập nhà xuất bản để “khuếch trương về đường đức dục, trí dục cho anh em trong nước”, rồi điểm thẳng vào sự vô lý của chế độ đương quyền “Nếu nước Pháp có cấm người ta mến sự tự do, thì tôi là người có tôi; nếu không, thì nên tha cho tôi. Vì tôi oan, trong bốn tháng nay tôi vô tội mà lại đã bị giam cầm trong ngục tối”. 

Không chỉ kết tội thầy giáo họ Phạm tội xuất bản sách bị cấm, lập đảng, Hội đồng Đề hình còn quy cho Phạm Tuấn Tài tội lập Ban ám sát. Phạm trả lời rằng, đó chỉ là ban bù nhìn, và không biết Tổng bộ có lập hay không. Khi được tòa hỏi có nói thêm gì, Phạm Tuấn Tài biết rằng, công lý, pháp luật nằm trong tay kẻ thù, có cãi lý, thì cũng không dễ gì thay đổi được, anh ngạo nghễ mà rằng: “Tôi còn muốn nói nữa để bày tỏ ý kiến, song nếu ngài không cho phép thì tôi về chỗ”. 

Lưu đày đất Côn Lôn

Phiên tòa trên, trong hồi ức của Hoàng Văn Đào nơi “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-an”, ta được biết xửa 75 người, 27 người bị kết tội 2-5 năm tù, 25 người 5-20 năm cấm cố lưu đày và thêm 5 năm biệt xứ, 23 người chịu án treo hoặc tha bổng. Phạm bị kết án lưu đày 15 năm ra Côn Đảo. Nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này, thì sống không bằng chết. 

Cuối tháng 7 năm ấy, anh cùng 24 bạn tù được giải đi Hải Phòng đáp tàu đi Côn Đảo. Khi đến Côn Đảo, anh cùng mọi người bị đưa vào Khám đường số 2. Cảnh tù đày cực khổ, gạo hẩm, cá mắm mục cùng chút rau, ăn không no, lại phải lao động cực khổ, ấy nhưng Phạm Tuấn Tài vẫn giữ vững chí khí của người yêu nước.

Với cái án chính trị phạm bên mình, nghĩa là như “Côn Lôn quần đảo trước ngày 9/3/1945” cho hay, đó là án chống lại nhà cầm quyền Pháp ở hình thức này hoặc hình thức khác. Thế nên, Phạm Tuấn Tài được để ý đặc biệt. Thế nhưng, anh vẫn cùng bạn tù bí mật làm cái việc mà anh giỏi nhất, ấy là ra báo, nào “Tiếng gọi”, “Tiếng rên”, “Tiếng gào”… để đấu tranh với chế độ, mà trước hết là với bọn cai ngục ác ôn.

Tiếc rằng, hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, Phạm Tuấn Tài bị bệnh lao, loại bệnh nan y thời ấy không dễ gì chữa cho dứt được, nên sau khi ở tù gần 7 năm, dù được ân xá năm 1936, nhưng Phạm Tuấn Tài sau đó mất tại quê nhà Nam Định, khi mà đảng cách mạng anh có công sáng lập cũng đã chuyển hướng đi, và cuộc nổi dậy Yên Bái đã trở thành dĩ vãng. Nhưng có hề chi, với anh, vẫn đó sự ngạo nghễ như lời thơ ông chủ Nam Đồng thư xã một thời viết:

“Giang sơn này hỡi giang sơn,

Thề kia dù lỗi, hương tàn còn thơm”.

Đọc thêm