Án tồn vì ủy thác tư pháp!

 Từ lâu, kết quả ủy thác tư pháp đã là một vấn đề “nhức nhối”, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Song, qui định pháp luật hiện hành về vấn đề này còn chung chung, nên cả cơ quan nhà nước và người dân chỉ biết “chờ đợi” cơ quan nhận ủy thác có kết quả trả lời.

Từ lâu, kết quả ủy thác tư pháp đã là một vấn đề “nhức nhối”, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Song, qui định pháp luật hiện hành về vấn đề này còn chung chung, nên cả cơ quan nhà nước và người dân chỉ biết “chờ đợi” cơ quan nhận ủy thác có kết quả trả lời.

Từ một vụ án bị “ngâm”…

Ngày 26/6/2009, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà” giữa nguyên đơn là ông Chuang Yu Sheng và bị đơn là bà Nguyễn Thị Thúy Hương và ông Huang Wen Yuan. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Chang Mang Tang và ông Lin FuLin (người Đài Loan, Trung Quốc).

Do những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại phiên tòa ngày 26/6/2009 nên TAND TP.HCM đã có Công văn đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp TA có thẩm quyền của Đài Loan để niêm yết bản án số 1542/2009/DSST. Kể từ đó, công văn “đi lại” liên tục giữa TAND TP.HCM và Bộ Tư pháp, giữa Bộ Tư pháp với TA có thẩm quyền của Đài Loan nhưng không có kết quả.

Do đó, ngày 7/7/2009, bà Hương có đơn kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số 1542/2009/DSST, nhưng TAND TP không thể chuyển bán án lên TA cấp phúc thẩm để giải quyết vì một lý do gần như “bất khả thi”: “Không nhận được kết quả ủy thác tư pháp”.

Mặc dù đã có Luật Tương trợ Tư pháp nhưng hàng trăm nghìn vụ, việc dân sự như của bà Hương nêu trên vẫn đang phải xếp hàng, không thể có phán quyết cuối cùng vì còn chờ “kết quả ủy thác tư pháp”. Hậu quả trước mắt là làm giảm uy tín của cơ quan TA đối với việc giải quyết các tranh chấp dân sự vì người dân cảm thấy “TA đang gây khó dễ, không quan tâm đến quyền lợi của mình”.

Đồng thời còn khiến quyền lợi của người dân bị “treo” vô thời hạn, các tranh chấp cứ nghiêm nhiên tồn tại và các lợi ích liên quan (nếu có) của các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí  lụi tàn theo từng ngày chờ đợi một câu trả lời từ bên kia biên giới.

Đến mảng “tối” của ủy thác tư pháp

Nhưng đúng là trong các trường hợp này, các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là TA và Bộ Tư pháp, đã bị rơi vào tình trạng “tình ngay lý gian” vì theo qui trình hiện hành, toàn bộ qui trình ủy thác vẫn theo kiểu “chuyển hồ sơ” từ các cơ quan chức năng Việt Nam sang nước ngoài.

Giai đoạn cuối cùng lại là “nhờ” cơ quan tư pháp nước bạn thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu thành công, hồ sơ đi ngược hành trình để quay về TA Việt Nam thì không có gì để than phiền. Nên khi hồ sơ bị “ách” ở các cơ quan nước bạn vì những lý do “đẩu đâu” thì các vụ, việc dân sự đó sẽ được liệt vào danh sách “án tồn” gần như không có giới hạn.

Thực tế, mỗi ngày, lãnh đạo các cơ quan chức năng Việt Nam phải “chia nhau” ký hàng chục hồ sơ ủy thác tư pháp. Nhưng như Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Khánh Ngọc thừa nhận: “Bộ Tư pháp chỉ có chức năng chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp. Nếu giữa hai nước có Hiệp định Tương trợ tư pháp thì còn có căn cứ để “nhắc nhở” các cơ quan chức năng của bạn thực hiện theo yêu cầu ủy thác. Còn nếu không thì đành chỉ biết chờ bạn có thông tin”.

Nên như trường hợp vụ “tranh chấp quyền sở hữu nhà” giữa bà Hương và ông Yuan với ông Sheng này, dù Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng chức năng “chuyển hồ sơ” sang Bộ Ngoại giao để làm thủ tục ủy thác tư pháp, nhưng vì phía Đài Loan và Việt Nam chưa có thỏa thuận về vấn đề tương trợ tư pháp nên ta chỉ biết “ngồi chờ”, mà không thể có một động thái nào để giúp tiến trình giải quyết vụ án dân sự tiến triển tích cực hơn.

Cách giải quyết “thụ động” này khiến kết quả ủy thác tư pháp đang là một trong những “rào cản” lớn nhất đối với việc giải quyết các vụ, việc án dân sự có yếu tố nước ngoài.

Để gỡ vướng, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… đang có chủ trương xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc ủy thác tư pháp giải quyết vụ, việc dân sự. Trong đó, sẽ lưu ý đến trường hợp ủy thác đến lần thứ 2 mà không có kết quả, cũng như qui định cụ thể các bước, các biện pháp xử lý đối với từng giai đoạn trong quá trình ủy thác tư pháp, từ thụ lý, thu thập tài liệu, chứng cứ, hòa giải đến việc đưa án dân sự đó ra trước một Hội đồng xét xử… và những vấn đề khác liên quan như thủ tục tống đại, kháng cáo, kháng nghị mà không có kết quả ủy thác tư pháp…

Huy Anh

Đọc thêm