Ấn tượng không phai về người lính cuối cùng của Đội du kích Ba Tơ

(PLO) -Tham gia cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa rồi trở thành du kích Ba Tơ, trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc, cho đến khi về với cõi vĩnh hằng, về với anh em đồng đội, sự trung kiên một lòng vì nước của ông vẫn còn vang mãi…   
Cụ Phạm Hương lúc còn sống.

Người lính oai hùng

Ngày 21/2 vừa qua, đại tá Phạm Hương (ở tổ dân phố Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) - người cuối cùng của Đội du kích Ba Tơ trong buổi đầu thành lập đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 98 tuổi. 

Theo gia đình đại tá Hương, những năm gần đây cụ tuổi cao nên thường hay bị bệnh. Sau tết Đinh Dậu, cụ bị tràn dịch màng phổi, gia đình chuyển qua Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi rồi chuyển ra Bệnh viện C TP.Đà Nẵng. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng rồi tuổi cao sức yếu, cụ đã không qua khỏi.

Theo tư liệu lịch sử, vào đêm ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, khiến Pháp tháo chạy và Nhật làm chủ Đông Dương. Ngay trong đêm ngày 9/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, nhận định cuộc đảo chính sẽ tạo tình thế khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín mùi. Trong thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi mở ngay Hội nghị bàn bạc và quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền Ba Tơ. 

Trưa ngày 11/3/1945, tổ chức phân công đồng chí Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn chỉ huy toàn bộ lực lượng đội du kích tiến hành khởi nghĩa ở Ba Tơ. Đến rạng sáng ngày 12/3/1945, tại sân vận động Ba Tơ, đồng chí Phạm Kiệt tổ chức mít tinh quy mô lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, xóa bỏ thuế xâu, lập chính quyền cách mạng Ba Tơ và kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia hàng ngũ cứu quốc.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công, Đội du kích Ba Tơ được thành lập gồm 28 đồng chí và tuyên thệ bên dòng sông Liêng rồi thẳng tiến lên núi Cao Muôn lập căn cứ. Thời gian đó, cụ Hương đã hoàn thành xuất sắc trong việc về đồng bằng kết nối đường dây, vận chuyển lương thực, vũ khí ngược sông Liêng lên bến Buông rồi chuyển lên chiến khu Cao Muôn.

Rồi khi Đội du kích Ba Tơ chuyển về trung tâm Ba Tơ, cụ Hương lại đảm nhiệm chức Trung đội trưởng Trung đội Lương Ngọc Quyến, thuộc đại đội Hoàng Hoa Thám đóng quân trên núi Lớn trước khi tỏa về giành chính quyền ở Quảng Ngãi.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nhiều thành viên Đội du kích Ba Tơ  đã qua rèn luyện thử thách được cấp trên điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Cụ Hương được phân công làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận tham gia đánh Pháp ở chiến trường Đồng Nai khi Pháp quay trở lại chiếm Nam Bộ cuối năm 1946. Rồi cụ Hương được điều động ra chiến trường Quảng Đà.

Cuối năm 1952, cụ Hương được được điều động ra Bắc tập huấn rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là Chủ nhiệm chính trị phụ trách các tiểu đoàn thông tin, vô tuyến điện trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đóng quân ở Mường Phăng. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên, cụ Hương cùng với các tướng lĩnh đã theo đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến kiểm tra chiếc hầm trú ẩn của tướng Đờ Cát.

Sau chiến thắng Điện Biên, cụ Hương được điều động sang lực lượng pháo binh rồi chuyển sang lực lượng phòng không không quân bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Năm 1962, cụ tham gia mở đường Trường Sơn với tư cách là chính ủy binh trạm 3 trực tiếp phụ trách đoạn từ Bến Bạt (tỉnh Quảng Trị) đến Tà Xẻng (tỉnh Kon Tum). Ba năm sau, cụ được điều động về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng. Đến năm 1980 về hưu với cấp hàm đại tá.

Cụ Phạm Hương nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Cái nghĩa, cái tình…

Cụ Hương sinh ra ở thôn Trường Định (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi học xong sơ học yếu lược tại trường làng, thay vì tiếp tục lên tỉnh học lớp nhì, cụ Hương phải ở nhà chăn trâu, cắt cỏ vì nhà quá nghèo. Như bao nhiêu người sống đời nô lệ, cụ ghét cay ghét đắng bọn Tây. 

Khi được tổ chức giác ngộ, cụ Hương hăng hái tham gia cách mạng và được cử làm Phó Bí thư chi bộ Đảng thôn Trường Định. Đến tháng 11/1939, cơ sở bị lộ, cái còng của chính phủ thực dân nửa phong kiến đã còng vào đôi tay cụ.

Ở trại giam Di Lăng 2 năm, mãn hạn tù, cụ Hương bị Pháp đưa về căng an trí Ba Tơ để quản thúc cùng với các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn. Tại đây, bất đắc dĩ cụ phải trở thành dân “bá nghệ”, lúc chăn vịt, lúc thì đưa đò, buôn cau để móc nối tổ chức. Đến tháng 3/1945, từ người tù bị quản thúc, cụ trở thành quân khởi nghĩa. 

Trong làn nước mắt, cụ Võ Thị Quá (vợ cụ Hương) sụt sùi: “Trước lúc bệnh nặng, ổng nói với tôi, sắp đến tháng 3, kỷ niệm 72 năm khởi nghĩa Ba Tơ. Lần kỷ niệm này, ổng tính lên Ba Tơ dự lễ, thăm bà con một lần, chứ biết đâu rồi không có dịp được đi nữa. Mà quả đúng như vậy. Những ngày nằm ở Bệnh viện C TP.Đà Nẵng, sức khỏe yếu dần, ổng nói chắc ổng không vượt qua. Nếu ổng đi, gia đình cố gắng đừng làm phiền nhiều đến bà con, anh em”.

Lau dòng nước mắt, cụ Quá bảo: “Năm 1952, ổng với tôi nên duyên vợ chồng. Lúc đó, tôi làm ở Hội Phụ nữ xã. Ngày cưới, tôi mặc áo nâu sồng, còn ổng mặc đồ bà ba may bằng vải xô. Thương vợ, ổng cố gắng may cho tôi bộ quần áo bằng vải lụa tơ tằm. Nhưng khi ở trụ sở cơ quan của tôi về thăm quê, đến gần xóm, ổng suy nghĩ rồi bảo tôi, gia đình người thân đều mặc áo vải xita vá đằm, vá chụp nên muốn tôi trốn vào lùm cây thay lại cái áo. Nghĩa vợ tình chồng là vậy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt thời gian cụ Hương đi làm cách mạng, ở quê nghèo mẹ và 2 em cụ bị bệnh, thiếu đói rồi chết. Cách mạng tháng 8/1945 trở về làng, nghe chòm xóm người thân kể lại, cụ chỉ còn biết ngùi ngùi ra mộ thắp cho mẹ và 2 em nén nhang. 

Năm 1954, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ được giao đón cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Vừa gặp người quen, cụ đã nhận được tin buồn rằng: “Con mày bị bom Pháp thả chết rồi”. Một tuần sau, trung tướng Phạm Kiệt lại tìm đến báo tin tiếp: “Vợ mày cũng chết vì bom trong ngày đó”. 

“Ổng nói với tôi, đã là người lính thì chuyện sinh tử sá gì. Ổng bị thương nhiều lần, may nhờ bom đạn “tránh” chứ làm gì tránh được nó. Nhưng khi nghe tin con chết, vợ chết, ổng hụt hẫng vô cùng. Nhưng may là vợ con đều bình yên. Ổng bảo, cái giá mà cả dân tộc này phải trả để có được hòa bình, độc lập hôm nay là vậy đó”, cụ Quá bộc bạch.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 65 năm khởi nghĩa Ba Tơ, cụ Hương về Ba Tơ thay mặt anh em Đội du kích Ba Tơ nhận Bằng khen của Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Đội du kích Ba Tơ, cụ Hương bồi hồi nói: “Giá mà anh em trong Đội du kích Ba Tơ còn sống mà về đây chia sẻ niềm vui”. 

Cụ Quá kể: “Ổng vẫn thường nói, hồi lên núi Cao Muôn lập căn cứ, bà con đồng bào dân tộc đóng góp công sức nhiều lắm. Có bà mẹ Thía nghèo thường ngày phải mót khoai, nhường gạo cho anh em du kích. Có người bị Nhật lên bắt rồi đưa gươm dọa giết vẫn một mực không khai nơi ẩn nấp của anh em. Cái nghĩa, cái tình của những vùng quê cách mạng, công sức, máu xương của anh em bộ đội du kích trong chiến tranh lớn lắm”.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi bày tỏ: “Đồng chí Phạm Hương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân đồng chí cũng tham gia cách mạng từ rất sớm.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào, dù bị địch bắt tù đày, đánh đập, đồng chí vẫn thể hiện tính chiến đấu của Đảng, tính trung kiên của người cách mạng, của người cộng sản, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó”.

Đọc thêm