Ẩn ý sau những biểu tượng tôn giáo (Bài 4): Bài học gia đình sau biểu tượng Bàn tay Hamsa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 10.000 tôn giáo khác nhau, trong đó Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo… Trong đó, mỗi tôn giáo lại có những tín ngưỡng, đức tin, những biểu tượng khác nhau.
Ẩn ý sau những biểu tượng tôn giáo (Bài 4): Bài học gia đình sau biểu tượng Bàn tay Hamsa

* Hình tượng bánh xe lăn trong Phật giáo có ý nghĩa như thế nào?

Hamsa là một biểu tượng được sử dụng rất phổ biến trong nhiều tín ngưỡng. Với mỗi cộng đồng văn hóa, biểu tượng này lại mang những ý nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung, người ta tin rằng biểu tượng này sẽ giúp bảo vệ người sở hữu, mang lại cho họ sự minh mẫn, hạnh phúc, sức khoẻ và phú quý.

Bàn tay Hamsa trong văn hóa Hồi giáo

Bàn tay Hamsa hay còn có tên gọi khác là Bàn tay Hamesh, Chamsa, Khamsa… Đây là một trong những biểu tượng mang tính cách điệu với hình bàn tay gồm các ngón đối xứng qua ngón tay giữa, bao gồm cả ngón cái. Một số bàn tay còn có hình ảnh một con mắt gắn lên lòng bàn tay. Biểu tượng này được cho là đã ra đời từ thời cổ đại ở khu vực Trung Đông trước khi theo thời gian vươn ra khắp nơi trên thế giới, trở thành biểu tượng được ưa chuộng.

Cả đạo Hồi, đạo Do thái và Cơ Đốc giáo đều sử dụng biểu tượng này. Trong đó, ở các quốc gia Hồi giáo, người ta thường đeo những chiếc vòng tay, dây chuyền, mặt dây chuyền… có hình biểu tượng Bàn tay Hamsa. Những dụng cụ và các vật thể có hình biểu tượng Bàn tay Hamsa cũng được sử dụng nhiều trong nhà với niềm tin cho rằng chúng sẽ giúp người sở hữu tránh được những điều xui xẻo như hỏa hoạn và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Biểu tượng Bàn tay Hamsa trong văn hóa Hồi giáo có mối liên hệ chặt chẽ với Nhà tiên tri Muhammad và đôi khi còn được gọi là Bàn tay Fatima. Fatima là con gái của Nhà tiên tri Muhammad. Biểu tượng này trong văn hóa Hồi giáo rất dễ phân biệt. Nó là một lòng bàn tay người với ba ngón tay là ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn giơ lên còn ngón út và ngón cái gấp lại. Ở giữa lòng bàn tay, có một con mắt người không có tròng đen.

Nguồn gốc biểu tượng này gắn liền với một truyền thuyết đẹp và buồn. Theo truyền thuyết của người Hồi giáo, Fatima vô cùng yêu thương và vị tha với chồng cô là Ali. Cô vì vậy không muốn chia sẻ chồng với bất kỳ ai. Tuy nhiên, Ali lại không chú ý đến tâm tư của vợ. Một ngày, khi Fatima đang chuẩn bị bữa tối trong bếp thì Ali đi về, mang theo một người phụ nữ mà anh thông báo sẽ cưới thêm làm vợ. Sững sờ và bị sốc bởi thông báo của chồng, Fatima đã làm rơi cái muỗng đang cầm trên tay.

Tuy nhiên, cô vẫn không hề hay biết và tiếp tục khuấy thức ăn nóng bằng tay. Nỗi đau tinh thần đã khiến cô quên đi những đau đớn trên thân thể. Chứng kiến cảnh này, Ali cũng đã bị sốc. Anh nhận ra được tình cảm của vợ và ngay lập tức từ bỏ ý tưởng lấy thêm một người phụ nữ khác. Kể từ đó, Bàn tay Fatima trở thành biểu tượng cho sự tận tụy, tình yêu gia đình và lòng khoan dung của người phụ nữ. Con mắt giữa bàn tay Hamsa chính là con mắt khóc ròng trong đau đớn, mang hàm ý giúp con người tránh được những sự hắc ám.

Lý do Bàn tay Hamsa là thuật ngữ được sử dụng phổ biến hơn so với thuật ngữ Bàn tày Fatima là bởi Hamsa trong tiếng Ả rập có nghĩa là 5, đề cập đến 5 ngón tay của bàn tay. Số 5 cũng tượng trưng cho 5 nguyên tắc thiêng liên trong đức tin của họ. Cũng trong đạo Hồi, với những người theo Hồi giáo Sunni, từ hamsa gắn liền với Năm trụ cột của Hồi giáo.

Thần hộ mệnh bảo vệ bình yên

Với người Do thái, nhiều người tin rằng mặt dây chuyền Hamsa tượng trưng cho Bàn tay của Miriam – chị gái của nhà tiên tri Moses. Bản thân bà cũng là một nhà tiên tri. Cho đến nay, người Do thái vẫn lưu truyền câu chuyện “Giếng nước của Miriam” để về những công lao của bà.

Chuyện kể rằng, 3 món quà thần thánh tuyệt vời được ban tặng cho người Do thái là bánh Manna, đám mây huy hoàng và giếng nước đều là công đức của Moses, Aaron và Miriam. Trong đó, “Giếng nước của Miriam” là một tảng đá cuộn đi cùng người Do Thái trên những chuyến đi của họ, cung cấp nước ngọt cho không chỉ con người mà còn cả gia súc và cừu của họ trên sa mạc, khiến đồng cỏ tốt tươi và hoa thơm nở khắp cánh đồng sa mạc. Vì dành nhiều thời gian cho phụ nữ và trẻ em, Miriam được ví như người mẹ của Israel.

Bàn tay Hamsa với người Do thái tượng trưng cho sự phòng thủ, dũng cảm và quyền lực và nó thường được sử dụng như một biểu tượng của sự bảo vệ. Số 5 của người Do thái trong biểu tượng này đại diện cho 5 cuốn sách trong ngũ thư của Do thái giáo, bao gồm Sáng Thế Kí, Xuất Hành, Leviticus, Dân Số, Phục truyền - Luật lệ cho người Do thái.

Nhiều người Do Thái cũng tin rằng bàn tay Hamsa thường chứa một biểu tượng con mắt, đó là một lá bùa mạnh mẽ chống lại con mắt ác, làm thay đổi hướng nhìn của quỷ dữ. Nó thường được đeo như một món đồ trang sức, được dùng để trang trí nhà cửa, hay cho những em bé mới được sinh ra như một thần hộ mệnh bảo vệ.

Cả người Cơ Đốc giáo cũng sử dụng biểu tượng Bày tay Hamsa. Nó cũng đôi khi được gọi là Bàn tay của Đức mẹ Maria. Nó cũng tượng trưng cho chữ cái thứ năm có tên là “Heh”, biểu tượng cho một trong những tên thánh của Chúa. Vì thế, biểu tượng Bàn tay Hamsa tượng trưng cho bàn tay của Chúa bảo vệ cho muôn loài. Những người hữu bàn tay Hamsa sẽ có được hạnh phúc, may mắn, sức khỏe.

Mặc dù bàn tay Hamsa đã trở thành biểu tượng của Hồi giáo và Do thái giáo trong nhiều thế kỷ nhưng những cuộc khai quật khảo cổ ở Trung Đông gần đây đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy Hamsa còn xuất hiện trước những tôn giáo này. Theo một số tài liệu, bàn tay này có nguồn gốc từ Phoenicia - một nền văn minh cổ đại ở Trung Đông và được dùng làm biểu tượng bảo vệ cho một nữ thần Trung Đông cổ đại.

Bàn tay Hamsa khi đó thường gắn với một thực thể nữ như mang đến sự bảo vệ cho họ khỏi cái ác và sự bất hạnh. Theo một số nhà khảo cổ học, Biểu tượng Hamsa bắt nguồn từ một tôn giáo Trung Đông cổ đại.

Nhìn chung, bàn tay Hamsa gắn với hình ảnh mang tính tâm linh, tôn giáo nên mỗi cộng đồng văn hóa sẽ có những sáng tạo, cách điệu riêng để lấp đầy ý nghĩa của biểu tượng này theo cách riêng của họ. Song, có thể thấy, ý nghĩa phổ quát của biểu tượng này vẫn là mang đến người sử dụng hạnh phúc, may mắn, sức khỏe và bình an.

Biểu tượng Bàn tay Hamsa được sử dụng phổ quát, cả phụ nữ và nam giới đều có thể đeo nó nhưng ý nghĩa và năng lượng của biểu tượng với mỗi người sở hữu lại có hơi khác nhau. Đối với một người đàn ông, người ta cho rằng, Bàn tay Hamsa giúp họ tăng cường trực giác, có thể nhận biết và vượt qua được những tình huống khó khăn. Nó rất thường được sử dụng không chỉ như một biểu tượng bảo vệ, mà còn là một loại phương tiện thần bí giúp nhìn về tương lai. Người Ấn Độ tin rằng việc liên tục đeo trên cơ thể Hamsa sẽ giúp chủ nhân của nó lường trước những sự kiện xấu và ngăn chặn chúng.

Còn với phụ nữ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta tin rằng biểu tượng Bàn tay Hamsa mang đến cho chủ nhân của nó những phẩm chất như sự trung thành, tận tụy và kiên nhẫn. Trong khi đó, người Ai Cập sử dụng biểu tượng này để bảo vệ bản thân khỏi ảnh hưởng của thế lực đen tối.

Bàn tay Hamsa được coi là một lá bùa mang lại sự hòa thuận và hòa hợp cho cuộc sống gia đình, ngăn ngừa cãi vã và giúp vợ chồng duy trì hôn nhân suốt đời. Dấu hiệu này đặc biệt được ưa chuộng bởi phụ nữ mang thai - người ta tin rằng nó giúp người phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạng và bảo vệ cả 2 mẹ con trong khi sinh.

Ngày nay, biểu tượng Bàn tay Hamsa xuất hiện phổ biến trong các loại hình nghệ thuật như săm, hội họa, điêu khắc…đặc biệt là chế tác trang sức. Trang sức bàn tay Hamsa (vòng cổ, vòng tay hamsa ) được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, giới nghệ sĩ cũng rất ưa chuộng biểu tượng này và thường xuyên chọn làm trang sức cho mình.

Đọc thêm