Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) có 15 nghìn người dân tộc thiểu số thì hơn 2/3 người dân tham gia cách mạng. Đặc biệt có một cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên đường đến lạ thường khi trực tiếp chiến đấu 22 trận, tiêu diệt 44 tên địch, chỉ huy hàng trăm trận đánh khiến địch khiếp sợ. Ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai (78 tuổi, dân tộc Pa Cô, ngụ tổ dân phố 4, thị trấn A Lưới; Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII; nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên). Ông tự hào khi bốn lần được gặp Hồ Chủ tịch và là người đầu tiên được mang họ Bác.
Chàng trai Pa Cô dũng cảm
Chiến tranh đã lùi xa 43 năm nhưng ký ức hào hùng một thời vẫn còn in đậm trong tâm trí Anh hùng Hồ Đức Vai. Những ngày giữa tháng 5/2019, khi ngày sinh nhật Bác đã gần kề, đường mòn Hồ Chí Minh là trục chính chạy qua thị trấn A Lưới đỏ rực những pa nô cờ hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, những hồi ức lại càng bồi hồi. Dù mới mổ tim, người còn mệt, chân trái đi lại khó khăn, tai hơi lãng, Anh hùng Vai vẫn ngồi dậy tiếp chuyện nhà báo, kể chuyện một cách say sưa.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên sáu tuổi, ông phải sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con làng xóm. Từ nhỏ, cậu bé Vai tham gia cách mạng với vai trò là giao liên đưa thư. Đến năm 1961, A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng trong kháng chiến. Đồng bào nơi đây theo cách mạng rất nhiều, tinh thần lên cao. Thời gian đó, Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa tới đóng quân tại đồn Aso (xã Đông Sơn) để đàn áp, càn quét, thả vô số bom sát hại đồng bào vô tội. Chứng kiến những cảnh đau thương đó, Vai xung phong tham gia đội du kích.
Với bản lĩnh, mưu trí, kinh nghiệm, không ngại hiểm nguy, nên chưa đầy một năm sau, Vai được làm Tiểu đội trưởng. Trên cương vị này, ông được đồng đội quý mến, nể phục. Ngoài đánh giặc, Vai còn vận động đồng bào tham gia kháng chiến, không trực tiếp chiến đấu thì ủng hộ lương thực.
Với tinh thần chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh, nghệ thuật đánh du kích và đặc biệt là thông thạo địa hình đồi núi hiểm trở, tiểu đội của ông đã khiến cho quân địch phải khiếp sợ; là một trong những điển hình giúp đồng bào yên tâm tin tưởng vào cách mạng. Ông trở thành biểu tượng cho lòng anh dũng chống giặc ngoại xâm của người Pa Cô. Một thời gian sau, Vai được bầu làm Xã đội trưởng xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc).
Một trong những trận đánh mà ông được nể phục, đến bây giờ vẫn còn ghi sâu trong tâm trí của rất nhiều người dân A Lưới, được Anh hùng Vai kể lại dung dị như sau: “Hôm đó, trong lúc tôi đang phát rẫy để trồng sắn thì nghe tin địch ập tới núi A Sờ (xã Thượng Ninh). Tôi không kịp gọi đồng đội nên một mình cầm súng tiểu liên chạy đường tắt tới đó. Đến nơi, tôi bị sốt cao nhưng vẫn gắng tỉnh táo bóp cò quét liên hồi”. Trận đấu “một chọi vô số” kết thúc với chiến thắng thuộc về người anh hùng gan dạ. Trận này địch có ba đối tượng tử trận tại chỗ, số còn lại chạy tán loạn như ong vỡ tổ.
Liên tiếp lập những chiến công hiển hách, năm 1964, Vai vinh dự được địa phương chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam tổ chức tại Tây Ninh và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Vinh dự là người đầu tiên mang họ Bác Hồ
Năm 1965, Anh hùng Vai được ra Bắc tham dự Đại hội liên hoan các Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất. Cùng đi còn có Anh hùng Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng và Lê Chí Nguyện…
Anh hùng Vai kể: “Trước khi được gặp Bác, các già làng ở A Lưới dặn tôi hãy kể về tấm lòng của người Pa Cô dành cho Bác. Tôi vượt Trường Sơn mang lời dặn đó ra Thủ đô. Bốn giờ chiều, tôi được một cán bộ nói chuẩn bị nửa tiếng sau sẽ đi gặp Bác. Lúc đó, tôi rất hồi hộp. Khi đến Phủ Chủ tịch, đứng cách Bác chừng 15m, tôi chỉ biết òa khóc”.
“Cả đoàn người nhưng Bác tới ôm tôi đầu tiên rồi nói: “Bác cháu mình gặp nhau là phải vui, chỉ cười chứ không được khóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến lại gần tôi và hỏi chuyện bằng ánh mắt trìu mến. Bác tiếp tục: “Cháu đã biết nói tiếng Kinh chưa?”. Tôi đáp, giọng hơi run: “Dạ, biết nhưng còn chưa “đúng dấu” ạ”. Câu trả lời của chàng thanh niên Pa Cô có nước da ngăm đen khiến cả đoàn bật cười vui vẻ. Sau đó, Bác hỏi: “Cháu tên gì?”. Tôi khẽ nói: “A Vai”. Ngay lúc đó, Bác liền xoa đầu, gọi tôi là Hồ Đức Vai”.
“Ngày trước, đồng bào A Lưới thường lấy tên những con vật, cây cối, như Arâl, Târnau, PiKêr, Pata, Plo, Prung, Ariêr, Pa Pát để làm họ của mình. Tôi mang họ của Bác từ lúc đó. Tôi tự hào là người đầu tiên mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù trước đó họ tôi là Trầr Nau, mọi người gọi là A Vai. Quả thật, hôm đó là ngày tôi sung sướng nhất đời”, Anh hùng Vai kể.
Tấm lòng của người Pa Cô yêu Tổ quốc nồng nàn, nguyện suốt đời theo Đảng và Bác Hồ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận. Sau khi gặp Bác, cấp trên quyết định Anh hùng Vai ở lại học Trường Thiếu sinh quân (Sơn Tây, Hà Nội). Đầu năm 1967, ông được gặp Bác lần thứ hai. Lần này một mình Anh hùng Vai được triệu tập, đi cùng Bác đón các học sinh đi du học từ nước ngoài về. Lần này, Bác chủ yếu hỏi Hồ Vai về chuyện học hành, căn dặn phải gắng học để giúp ích cho nước nhà. Còn Hồ Vai tâm niệm xin Bác trở lại miền Nam để chiến đấu.
Lần thứ ba, Hồ Đức Vai được gặp Bác vào ngày 22/12/1967, dịp kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Hôm đó, Bác cử người lên trường mời Hồ Vai về chơi với Bác. Anh hùng Vai kể: “Lúc đó khá đông người nhưng Bác vẫn xoa đầu khen tôi cần cù, chịu khó rồi căn dặn: “Chiến trường miền Nam đang rất ác liệt, đồng bào và chiến sĩ ta đang còn phải hy sinh, gian khổ. Vì thế khi cháu trở thành cán bộ cách mạng rồi, thì phải làm gương để mọi người học tập, noi theo”.
Anh hùng Vai bồi hồi: “Lần cuối cùng tôi được gặp Bác Hồ vào tháng 1/1968, lúc đó Bác biết tôi vừa xong ba năm học ở miền Bắc nên gọi tôi lên Phủ Chủ tịch để dặn dò rồi cùng ăn cơm. Bác nói: “Khi cháu tiếp xúc với nhân dân phải gần gũi. Những mặt trái, cháu cần tránh; còn mặt phải, điểm tốt cháu gắng làm cho dân. Việc gì giúp được dân thì dù khó khăn đến mấy cũng phải làm cho bằng được”.
Suốt đời nghe lời Bác Hồ dạy, khi trở về miền Nam tiếp tục đánh giặc bảo vệ quê hương, có những lúc chiến trận khốc liệt, nhiều bộ đội chính quy phải rút sang Lào nhưng ông vẫn quyết bám làng bám bản để đánh Mỹ và đã lập nên nhiều chiến công, cùng đồng bào Pa Cô góp sức đưa đất nước đến đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, Hồ Đức Vai vẫn ở quê làm cán bộ, phát động đồng bào Pa Cô hăng say lao động. Ông chú trọng đến giáo dục, coi đó là quyết sách hàng đầu. Với lối sống lành mạnh, giản dị, Anh hùng Hồ Đức Vai luôn được đồng bào yêu mến quý trọng. Ông được coi là biểu tượng của lòng yêu nước của đồng bào Pa Cô. Sau khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện A Lưới, giúp những nạn nhân bị chất độc da cam và những người nghèo.
Lúc chia tay PV, vợ anh hùng Hồ Đức Vai chỉ vào ngôi nhà đang được sửa chữa nói: “Chồng tôi làm cán bộ liêm khiết, giúp nhiều người nghèo nên lúc về hưu không tích lũy được nhiều. Giờ sửa nhà cũng phải vay mượn. Tôi có hai người con trai, cậu con trai út SN 1980 dù được học hành tử tế nhưng hiện vẫn chưa có việc làm ổn định”.