Anh thợ cắt tóc mê đắp tranh bằng xi măng kỳ lạ ở Hà Nội

(PLO) - Trong một lần dự triển lãm ảnh 25 năm gặp Việt Nam của nhiếp ảnh gia Mỹ Catherine Karnow, chúng tôi bất ngờ trước một hình ảnh được bà photo với kích thước gần như lớn nhất trong số những bức ảnh được triển lãm. Theo lời đề của tác giả, đây là một hình ảnh bà chụp được của một người thợ cắt tóc tại Hà Nội. 
Ông Quát chuyện trò về quá trình hoàn thành bức tranh
Ông Quát chuyện trò về quá trình hoàn thành bức tranh
Đam mê hội họa từ trong máu
Người thợ cắt tóc có tâm hồn nghệ sĩ ấy là Bùi Văn Quát, sinh năm 1952, quê ở Thái Bình. Cậu bé Quát sinh ra trong nghèo khổ nhưng có niềm đam mê  hội họa từ bé. Có lần đi học muộn vì mải vẽ, Quát bị cô giáo phạt, truy hỏi lý do. Khi Quát trình bày, cô giáo không tin bắt cậu học sinh dắt đi tìm bức vẽ và chính cô đã động viên Quát theo đuổi đam mê hội họa của mình… 
Niềm đam mê hội họa càng được chắp cánh vào cái ngày gia đình Quát chuyển đến gần nhà một họa sỹ nghiệp dư, ngày ngày Quát sang nhà anh hàng xóm để luyện vẽ cho thỏa đam mê. Nhưng rồi Quát lại phải nghe theo lời mẹ thi vào Cao đẳng nghề Luyện kim để về công tác tại Viện Năng lượng. 
Lẽ ra ông Quát sẽ mãi gắn bó với chân cán bộ kỹ thuật của Viện Năng lượng, quên hẳn đam mê hội họa của mình thì một tai họa ập xuống, gia đình Quát phải bán nhà để giữ lại mạng sống cho ông. Quá vất vả với công việc mưu sinh, năm 2005 ông xin nghỉ làm ở Viện Năng lượng, quyết tâm ra vỉa hè cắt tóc, kiếm tiền nuôi con ăn học…
Bức tranh tường lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Mỹ
Bắt đầu ra vỉa hè mưu sinh, những lúc rỗi rãi ngắm người, xe qua lại khiến con người nghệ sĩ trong ông Quát bùng lên. Ông bảo, cứ tưởng tượng ra những hình ảnh tuyệt đẹp ở trong đầu mà không có bút vẽ, cũng không có giấy để vẽ cảm thấy thật khó chịu. 
Thế là mỗi khi ở nhà, ông tranh thủ vẽ lại những hình ảnh đã vụt qua đầu, có khi ông vẽ cả đống tranh xếp chật hết cả cái gác xép, vốn để đồ đạc không dùng đến trong nhà. Mỗi lần vợ ông muốn tìm đồ gì đó bị vướng cả đống tranh của ông, bà lại vùng vằng, bắt ông vứt đi cho đỡ chật nhà…
Vẽ không giữ được hình ảnh thì ông chuyển sang… đắp tranh. Ban đầu ông đắp lên tường nhà. Vợ ông thấy ông hì hục cả buổi tối làm cái việc chẳng giống ai nên lại thấy khó chịu. Người vợ tối ngày tất bật lo kiếm ăn không thể hiểu được con người nghệ sĩ của chồng khiến mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, dẫn đến ly hôn. 
Khi ở một mình, ông chống chếnh, vùi mình vào việc đắp tranh khắp nhà. Đắp chán ông lại đi các xưởng điêu khắc xin được làm nghề cho thỏa đam mê… 
Xin làm tại các xưởng một thời gian thì ông thấy không thích kiểu “ông chủ trong nghề vẽ”, lại bỏ ra vỉa hè, vừa cắt tóc vừa nuôi dưỡng đam mê. Ông bắt đầu đắp bức tranh trên tường ở sân vận động từ một sự rất tình cờ. 
Trong lúc rỗi rãi, ngồi đung đưa trên chiếc chiếu, cứ phải nhòm vào bức tường trống rỗng ngay trước mắt khiến ông ngứa nghề, ông quyết tâm bắt tay vào việc thể hiện khả năng của mình. 
Ban đầu bảo vệ của sân gây khó dễ, không cho ông làm, cứ bắt tay vào đắp là người ta lại ra nhắc nhở, nên ông thường làm trộm… và làm trộm trong 2 tháng thì hoàn thành bức tranh. Mỗi ngày mua một ít xi măng, mang đến và trổ tài, ban đầu chỉ là những hình ảnh nhỏ xinh, lâu dần lại thấy muốn tạo thành một bức tranh Hà Nội sống động nên ông mở rộng dần và đắp được hẳn một bức tranh tường rộng, đẹp mắt, sống động và thu hút bao nhiêu ánh mắt người qua lại. 
Có lẽ nhiếp ảnh gia Catherine Karnow đã không khỏi bất ngờ nên đã thu lại hình ảnh ấy trong ống kính của mình và trịnh trọng mời ông đến tham dự triển lãm. 
Ông kể, khoảng năm 2011 ông bắt tay vào đắp bức tranh tường này. Có những lúc rỗi rãi ông lại sang bên đường mua ít xi măng để tiếp tục đắp bức tranh, đang hứng đắp, vẽ say sưa thì có khách đến cắt tóc. Phải đấu tranh ghê lắm ông mới dừng tay để làm nghề kiếm sống, gác nghệ thuật lại một bên. 
Cũng có những lần người khách ngẩn ngơ trước tay nghề của ông nên đề nghị ông cứ tiếp tục công việc, người ta có thể ngồi chờ. Lúc ấy cả chủ và khách lại đàm đạo xung quanh câu chuyện về hội họa, nghệ thuật. 
Ban đầu ông định đắp nho nhỏ thôi nhưng dần dần cứ làm, bức tranh cứ to dần ra, bởi càng vẽ ông càng thấy thiêu thiếu, cảm giác như chưa hài lòng với hình ảnh mình đã đắp nên ông quyết định làm nữa, làm cho tới khi hài lòng thì thôi. 
Và một hình ảnh đẹp về Hà Nội với  những địa danh nổi tiếng đã được ghi trên bức tường sân vận động Hà Nội…

Đọc thêm