Với mỗi con người Việt Nam, áo dài là đặc trưng của văn hóa Việt, chẳng vì thế mà “ao dai” là một trong những từ đã được giữ nguyên vẹn cách viết, cách phát âm của người Việt trong các từ điển nước ngoài khi mô tả.
Và cũng vì thế mà bài hát “Một thoáng quê hương” của tác giả Thanh Tùng đã không còn là xúc cảm của riêng mình tác giả nữa mà đã trở thành niềm tự hào chung của cả dân tộc trước những tà áo dài bay bay trong gió. Thế nên, không có gì khó hiểu khi có mong muốn rằng áo dài Việt sẽ sớm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, để từ đó tạo nên chủ quyền văn hóa trong lĩnh vực thời trang trong nước và quốc tế.
Cuối tháng 6/2020, nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia mang chủ đề “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”
Thú vị nguồn gốc áo dài Việt Nam
Để đi tìm nguồn gốc áo dài Việt Nam, Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã có một hành trình rất lâu dài và tỉ mỉ từ những nét manh nha ban đầu ở thế kỷ 16. “Áo dài 2 thân của nữ giới, vẫn trong hình dạng của áo 5 tà, đã tiếp nối di sản áo dài truyền thống của người Việt từ thế kỷ 16 cho đến nay. Chiếc áo dài truyền thống trải qua 5 thế kỷ đã in sâu một cách thân thương cũng như rất thiêng liêng vào tâm hồn người Việt.
Dù nó có thể có gốc gác từ đôi nguồn ngoại nhập, nhưng người Việt đã sáng tạo ra những nét độc đáo riêng trên cái áo này để ngày nay nó có một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới thời trang quốc tế, sánh ngang với Kimono của Nhật Bản và Salwar Kameez của của các nước Ấn-Hồi. Và để giờ đây đến cả Bộ từ điển bách khoa nổi tiếng toàn cầu Encyclopedia Britanica cũng phải có phần viết riêng về cái áo dài Việt Nam” – ông cho biết.
Từ góc nhìn của một nghệ nhân áo dài, ông Nghiêm Văn Đạt, nghệ nhân làng Trạch Xá, Hà Nội kể câu chuyện năm 979, có bà Tứ Phi của nhà vua là Nguyễn Thị Sen đã cùng con gái rời kinh đô về quê hương sinh sống ở thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Trong thời gian sống cùng nhân dân, bà cảm nhận được sự vất vả, gian nan của bà con nơi đây mà bà đã đem nghề may đo trong hoàng cung truyền lại cho dân làng Trạch Xá và cũng từ đó nghề may đo áo dài phát triển đến nay đã hơn 1.000 năm tuổi. Khi bà qua đời, dân làng nhớ ơn hàng năm lấy ngày 12 tháng chạp là ngày giỗ của bà.
“Dân làng Trạch Xá chỉ cần cái kim, cây thước, cái vạch, cái kéo với tay nải làm hành trang đi khắp mọi miền đất nước để may đo những trang phục áo dài. Khi xã hội chưa phát triển, không có máy may nhưng bằng sự khéo léo, tinh tế của người thợ cùng phương pháp thủ công khâu tay dọc của người Trạch Xá cũng đã làm nên những bộ áo dài chuẩn về số đo, tà áo mềm mại tôn nên vẻ đẹp hình thể của người mặc” – nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt cho biết….
Áo dài Việt Nam – ý thức về quốc gia, dân tộc
Vấn đề này được ThS. Nguyễn Minh Đức - Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM đặc biệt nhấn mạnh. Theo ông Nguyễn Minh Đức, đứng trước làn sóng toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa giữa các nước ngày càng mạnh mẽ, sức mạnh văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc đều được thể hiện bằng nhiều yếu tố khác nhau.
Những công việc sản xuất tiêu thụ, tổ chức các hoạt động tôn vinh vẻ đẹp áo dài cho đến việc mặc chiếc áo dài trong đời sống xã hội nước ta đã vô hình trung tạo thành hình thái văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện nay, việc mặc chiếc áo dài trong các công sở hay trường học thành nét đẹp văn hóa nhu cầu thẩm mỹ nơi công cộng, trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng.
Trong các hoạt động ngoại giao hay giao lưu văn hóa, chiếc áo dài là trang phục được lựa chọn để làm quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. “Không phải ngẫu nhiên mà bà James Sterson, một sứ giả Mỹ đã nói rằng: “Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà áo dài Việt Nam” - ThS. Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Cũng nói về việc bảo vệ áo dài Việt từ cảm nhận của người nước ngoài, ThS. Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Tập đoàn giáo dục Havetco kể lại một câu chuyện: “Chúng tôi tiến hành phỏng vấn một số du khách đến tham quan Hà Nội vào dịp hè năm 2019. Địa điểm phỏng vấn là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy hầu như những người nước ngoài nào cũng biết và thừa nhận áo dài là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Vẻ đẹp của nó đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho bất kỳ người nước ngoài nào có cơ hội đến thăm Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng áo dài với chiếc nón lá là trang phục dân tộc hoàn chỉnh dễ dàng được nhận ra trên toàn thế giới.
Rất nhiều người nước ngoài đã tìm hiểu về áo dài và trang phục người Việt Nam trước khi đến du lịch ở Việt Nam. Các du khách Nhật Bản cho rằng áo dài là một niềm tự hào lớn đối với người dân Việt Nam. Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế tại Tokyo năm 1995 đã trao giải Trang phục dân tộc đẹp nhất cho đại diện Việt Nam (người đẹp Trương Quỳnh Mai).
Năm 1972, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã mặc áo dài trong Hội nghị Paris để thể hiện lòng yêu nước của mình. Ngày nay, nhân viên lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên trong các bảo tàng, di tích đều mặc áo dài để tạo ấn tượng tốt với khách du lịch…”.
Để bảo vệ áo dài Việt Nam
Cũng theo ThS. Nguyễn Đức Hiển, việc một thương hiệu thời trang Trung Quốc có tên là Ne-Tiger đưa lên sàn diễn thời trang bộ sưu tập được gọi là “cách tân” những kiểu áo dài Việt Nam đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bàn luận trong năm 2019. Ông Hiển gọi đây là sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng “đường lưỡi bò” trong văn hóa.
“Năm 2018, Bảo tàng Kimono ở Nhật Bản tổ chức triển lãm về chuyên đề lịch sử Trung Quốc. Trong hệ thống trưng bày có một chiếc áo dài Việt Nam 100%, nhưng lại được ghi chú là trang phục thời cận hiện đại của Trung Quốc. Áo dài tân thời mà chúng ta mặc bây giờ, mọi người vẫn ghi nhận là từ thời ông Cát Tường. Chúng ta cũng thấy ở Trung Quốc có người Kinh và họ cũng có áo dài hao hao chúng ta. Liệu áo dài có bị nhầm lẫn cội nguồn xuất xứ?” – ông Hiển đặt câu hỏi.
Được biết, hiện nay đang có dự kiến xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO về áo dài của Việt Nam. Tuy nhiên, theo PGS. TS.Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc này cũng có những khó khăn nhất định và phải lường trước được vấn đề để hóa giải.
“Trước hết, áo dài về bản chất là một sản phẩm may mặc, một hiện vật vật chất mà chúng ta mặc, có thể nhìn, sờ và sử dụng. Áo dài khác với những chiếc áo khác, trang phục khác, bao hàm nhiều giá trị tinh thần và ý nghĩa văn hóa. Áo dài không chỉ để mặc theo nghĩa đen, mà áo dài còn mang trong nó những ý nghĩa văn hóa xã hội. Vì thế, văn hóa mặc áo dài cũng có thể là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, khi xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì hồ sơ phải tuân thủ theo các điều khoản của Công ước 2003. Trước hết, tên gọi hồ sơ về áo dài. Tên hồ sơ đề cử là: “Áo dài của Việt Nam” hay “Áo dài của người Việt” không thể hiện là di sản văn hóa phi vật thể, mà là một hiện vật, một sản phẩm, một trang phục.
Theo định nghĩa của Công ước, di sản văn hóa phi vật thể là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng. Do vậy, những di sản bản thân là vật thể, vật chất, hiện vật như trang phục, vải, tranh dân gian, đồ gốm, hàng thủ công khác thì các hồ sơ thường có tên gọi gợi mở, liên quan đến khía cạnh phi vật thể, chẳng hạn như: Nghệ thuật, tập quán, văn hóa.
Chẳng hạn các tên liên quan như: “Văn hóa mặc áo dài của Việt Nam/của người Việt”; “Tập quán mặc áo dài của Việt Nam/của người Việt”; “Trang phục áo dài của Việt Nam/của người Việt: Tập quán và bản sắc, biểu tượng văn hóa” - PGS. TS.Nguyễn Thị Hiền cho biết.