Áp lực phải kết hôn "bóp nghẹt" những cô nàng bị mang danh “gái ế” xứ Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Trung Quốc, những cô gái từ 25 tuổi trở lên chưa kết hôn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Đặc biệt là mỗi dịp đầu năm đi chúc Tết họ hàng, câu hỏi khiến người trẻ Trung Quốc ám ảnh nhất là ”Đã có người yêu chưa? Bao giờ cưới?”.
Áp lực phải kết hôn "bóp nghẹt" những cô nàng bị mang danh “gái ế” xứ Trung

Tranh thủ nghỉ lễ để xem mắt

Trong văn hóa Trung Quốc, việc chăm lo cho gia đình và có con nối dõi nằm trong số những điều quan trọng nhất. Vậy nên, các bậc cha mẹ thường can thiệp rất sâu vào chuyện yêu đương của con cái khi đã đến tuổi cập kê. Chính sách một con trước kia đã khiến câu chuyện trở nên nặng nề hơn, vì con họ cũng là hy vọng duy nhất để tiếp nối dòng dõi gia tộc.

Nhưng cũng chính bởi vậy mà việc chưa lập gia đình và có con trở thành một gánh nặng, đặc biệt là với những “phụ nữ thừa” (sheng nu) - khái niệm dành cho phụ nữ gần 30 tuổi vẫn độc thân ở Trung Quốc. Càng gần Tết, áp lực càng lớn hơn, đến mức họ tìm cách lẩn tránh chính gia đình của mình.

Một số người quyết định chọn cách ở lại thành phố, không về quê. Họ thậm chí xin làm thêm giờ vào dịp nghỉ lễ. Có người thì tìm cách kiếm tạm một anh bạn trai nào đó về ra mắt. Nhưng tựu trung, áp lực dồn lên họ là quá nhiều. Các bệnh viện thậm chí còn ghi nhận làn sóng người trẻ phải điều trị rối loạn lo âu gia tăng.

“Năm ngoái tôi sợ đến mức chẳng dám về nhà. Năm nay cũng thế, chẳng muốn về nhà, nhưng có lẽ chẳng tránh được”, Emily Liu (32 tuổi) - nhân viên làm việc cho một công ty nhà nước chia sẻ. “Bố mẹ bảo rằng: ‘Bạn học của mày có con cái hết rồi, còn mày đến bạn trai còn chẳng có’. Đây là chủ đề duy nhất được bàn đến mỗi khi tôi về nhà. Nó thậm chí đánh động cả họ hàng nữa. Áp lực thực sự”, cô than thở.

Trước Tết Nguyên đán năm nay, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao trước câu chuyện của Xiao Xia - một nữ nhân viên văn phòng độc thân tại Giang Tô. Cô bị áp lực bởi gia đình thúc giục chuyện lấy chồng. Dịp nghỉ Tết 7 ngày, cô được sắp xếp 6 buổi xem mắt. Những cuộc hẹn hò mù quáng, phải gặp và trò chuyện liên tục với nhiều người lạ khiến Xiao gặp vấn đề tâm lý. Sau khi chẩn đoán, cô được xác nhận mắc “hội chứng trước kỳ nghỉ”.

Chengzi - một cô nàng đang độc thân kể đã bị bố mẹ sắp xếp 14 cuộc xem mắt trong 7 ngày. Suốt cả tuần nghỉ Tết, sáng nào cô cũng phải dậy sớm thay quần áo rồi tiếp chuyện những anh chàng được bố mẹ họ đưa đến nhà. Trong khi cặp nam nữ ngồi nói chuyện trong nhà, phụ huynh đôi bên cũng đứng bàn tán sôi nổi ngoài sân. Những cuộc xem mắt diễn ra trong không khí gượng gạo.

Chengzi thừa nhận cô không thể chấp nhận nổi những buổi hẹn hò mù quáng kiểu này. Tuy nhiên, dù muốn cự tuyệt xem mắt, cô vẫn không thể thoát khỏi áp lực từ bố mẹ. “Bố mẹ liên tục hỏi tôi có nhắn tin mỗi ngày với người ta không, tình cảm của chúng tôi tiến triển đến đâu rồi...”, cô kể.

Hay là câu chuyện của Yaya (27 tuổi) sinh ra ở một huyện nhỏ tại Phúc Kiến. Khác với những cô gái ở đây thường kết hôn từ khi còn khá ít tuổi, Yaya theo học đại học ở Bắc Kinh và ở lại đây làm việc sau khi tốt nghiệp. Cường độ công việc quá lớn khiến cô gần như không còn thời gian để hẹn hò, yêu đương.

Ngày về quê ăn Tết, cô được bố mẹ, cô dì trong gia đình sắp xếp xem mắt 10 chàng trai trong 5 ngày. Biết sẽ phải xem mắt vào các buổi sáng, chiều mỗi ngày, cô thấy như mình bị cầm tù. Sau buổi sáng trò chuyện với chàng trai lạ, cô chỉ có chút thời gian ăn uống, nghỉ ngơi rồi lại gặp thêm người nữa vào buổi chiều.

“Tôi không hiểu được bố mẹ, họ muốn tôi kiếm một anh chàng cùng quê để kết hôn. Bố mẹ muốn tôi ở nhà chăm chồng, nuôi con, không phải vất vả làm lụng bên ngoài. Thế nhưng những gì tôi được giáo dục ở trường lại hướng tôi phấn đấu vì cuộc sống mà mình mơ ước, không phải chỉ biết an phận”, Yaya bày tỏ.

Áp lực đáng sợ

Tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi cảm thấy sợ phải về nhà và đối mặt với vô số áp lực cũng như mong muốn mai mối từ cha mẹ. Theo một khảo sát của trang Zhenai.com, khoảng 85% người độc thân trên 30 tuổi cho biết cha mẹ họ thúc giục phải sớm thành hôn.

Shen - cô gái 27 tuổi tại Ninh Ba đã lựa chọn con đường khá vất vả để lẩn trốn chuyện này. Cô dành nguyên một tháng trời để chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép cô và một diễn viên nổi tiếng. Khi gửi về cho bố mẹ, họ đều rất hài lòng. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô phát hiện ra bài đăng của bố mình trên mạng xã hội. “Đêm qua tôi mơ thấy con gái mình kết hôn. Tôi đã khóc rất nhiều và tỉnh dậy nhiều lần trong đêm. Tôi bắt đầu tập phát biểu cho ngày trọng đại của con gái rồi...”, cha của Shen thổ lộ với bạn bè trên mạng xã hội.

Trên thực tế, cụm từ “phụ nữ thừa” là khái niệm khá phổ biến tại châu Á, nếu như gần 30 tuổi họ vẫn chưa lấy chồng. Nhưng quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã khiến nhiều phụ nữ quyết định chọn sự nghiệp thay vì kết hôn sớm, hoặc chẳng cần kết hôn. Xu hướng này đã khiến tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc giảm đi nhanh chóng suốt 1 thập kỷ vừa qua.

Mặc dù đàn ông so nhiều hơn 33 triệu người so với phụ nữ ở Trung Quốc, phụ nữ vẫn dễ bị coi là “phần thừa” hơn so với nam giới. Trong khi chiến dịch tăng tỉ lệ sinh nở chưa đạt hiệu quả, việc khuyến khích phụ nữ trẻ lập gia đình và sinh con sớm cũng chẳng khá hơn. Tỉ lệ kết hôn tại Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 5 năm qua, và hiện đất nước này còn tới 200 triệu người trưởng thành còn độc thân.

Chênh lệch giới tính khi nam nhiều hơn nữ, áp lực kinh tế và xã hội là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng khó khăn trong việc kết hôn. Dữ liệu điều tra dân số vào năm 2000 và 2010 cho thấy thanh niên từ 25 đến 29 tuổi có trình độ đại học nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển ít có mong muốn kết hôn hơn.

Để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, chính quyền Trung Quốc đã bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2015 và thậm chí cho phép sinh con thứ 3 từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, nó không thực sự tạo ra chuyển biến lớn khi ngày càng nhiều người trẻ ngại sinh con.

Theo China Youth Daily, những năm gần đây, việc kết hôn ở các vùng nông thôn ngày càng được các gia đình thúc đẩy sớm. Nhiều cô gái chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 đã được bà mối đến hỏi kế hoạch học tập, rằng muốn học lên cao hay tính chuyện lấy chồng.

Không riêng gì Trung Quốc, chị em phụ nữ ở một số quốc gia Đông Nam Á cũng cùng một nỗi lo lắng. Theo đó, người Singapore gọi phụ nữ từ 25 tuổi trở lên chưa kết hôn là “gái ế”. Với cánh chị em độc thân ở đây, Tết là khoảng thời gian “chịu tội”. Họ bị tứ phía công kích, thúc ép hôn nhân, mai mối.

Trong khi đó, với các chị em có chồng, Tết Nguyên Đán là dịp “quay cuồng mua sắm, nấu nướng và dọn dẹp”. Xong khâu chuẩn bị Tết, họ phải đối mặt với chuyện muốn tránh nhất: Hội nghị bàn tròn gia đình.

Trong cuộc họp đại gia đình thường niên này, các “trưởng bối” Singapore nhận xét, can thiệp và quyết định luôn chuyện đời tư của con cháu. Ví dụ như cặp vợ chồng nào nhất định phải sinh con, cặp vợ chồng nào nên hoãn kế hoạch đẻ thêm đứa nữa, thậm chí là cả đôi nào đã đến lúc ly hôn... Khổ nhất là những chị em muộn con cái. Họ “được” 2 bên nội - ngoại “quan tâm” hết mình, gặng hỏi và khuyên răn đủ điều.

Sau vấn đề con cái là sự nghiệp. Người Singapore vô cùng xem trọng sự thành công và thăng tiến. Họ cho phép phụ nữ đi làm, nhưng đòi hỏi các chị luôn phải thành đạt hơn nữa, ngay cả khi đang trong thời gian chăm sóc con nhỏ.

Đọc thêm